Hé lộ bí ẩn 'kho báu' trăm triệu năm dưới lòng đất Trung Quốc

Hé lộ bí ẩn 'kho báu' trăm triệu năm dưới lòng đất Trung Quốc
4 giờ trướcBài gốc
Phát hiện trên không chỉ khiến giới khoa học sửng sốt mà có thể làm thay đổi cách thế giới tiếp cận tài nguyên chiến lược này của thế kỷ 21.
‘Vàng công nghiệp’ và bí ẩn địa chất 100 năm
“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm” - câu này vừa nói lên vai trò sống còn của đất hiếm trong thế kỷ 21, vừa là lời khẳng định ngầm về lợi thế tài nguyên vượt trội mà quốc gia tỷ dân đang nắm giữ.
Với trữ lượng hiếm có của 17 nguyên tố kim loại quý - nguyên liệu thiết yếu cho pin xe điện, tuabin gió, chip bán dẫn và hệ thống vũ khí tối tân, Trung Quốc đang sở hữu thứ "vàng chiến lược" mà cả thế giới phụ thuộc.
Không chỉ là chiến lược, đất hiếm còn là “vàng công nghiệp” của thời đại mới. Dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cấu trúc sản phẩm, nhưng chính nhờ đất hiếm mà các thiết bị công nghệ cao hoạt động chính xác, mạnh mẽ và bền bỉ. Từ ô tô điện cho đến radar quân sự, đất hiếm là mắt xích không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỏ Bạch Vân Ngao Bác nằm sâu trong thảo nguyên Nội Mông, được xem là mạch nguồn tài nguyên chiến lược của Trung Quốc, với hàm lượng đất hiếm thuộc hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Baidu
Và thật khó tin khi gần 40% trữ lượng đất hiếm của thế giới lại nằm ở một thị trấn nhỏ heo hút thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ: Bạch Vân Ngao Bác, nơi cũng chiếm tới 90% trữ lượng của riêng Trung Quốc.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1927, khi một giảng viên trẻ tuổi của Đại học Bắc Kinh là Đinh Đạo Hành đã phát hiện ra một dãy núi đá màu đen ánh kim trên thảo nguyên rộng lớn. Bằng linh cảm địa chất nhạy bén, ông nhận ra đây không chỉ là mỏ sắt thông thường.
Sau nhiều ngày khảo sát, ông thu thập hàng chục thùng mẫu khoáng và đặt tên khu vực là Bạch Vân Ngao Bác, nghĩa là "ngọn núi thiêng trù phú" theo tiếng Mông Cổ.
Trung Quốc khẳng định quyền lực tài nguyên
Bước ngoặt lịch sử xảy ra khi Giáo sư Hà Tác Lâm, chuyên gia thạch học của Bắc Đại, xác định các mẫu đá tại đây chứa hàm lượng đất hiếm cực cao. Lần đầu tiên, Trung Quốc phát hiện một mỏ đất hiếm quy mô toàn cầu.
Những năm 1950, trong hợp tác với Liên Xô, Giáo sư Lâm tiếp tục khẳng định Bạch Vân Ngao Bác là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, đặt nền móng cho ngành công nghiệp đất hiếm hiện đại của Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc đầu tư mạnh vào hệ sinh thái khai thác, tinh luyện và ứng dụng đất hiếm. Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc đã cung cấp tới 66% sản lượng đất hiếm toàn cầu và hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi chế biến, từ khai thác thô đến sản phẩm ứng dụng cao cấp.
Đất hiếm từ Bạch Vân Ngao Bác chính là nguyên liệu sống còn trong chuỗi cung ứng xe điện, pin lithium, động cơ siêu dẫn và cả vũ khí định hướng năng lượng. Điều này khiến Trung Quốc nắm đằng chuôi trong các cuộc cạnh tranh công nghệ và địa chính trị toàn cầu.
Mỏ Bạch Vân Ngao Bác cung cấp gần 40% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, giữ vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng công nghệ cao. Ảnh: Đại học Bắc Kinh
Phát hiện đảo chiều cuộc chơi toàn cầu
Tháng 4/2025, nhóm nghiên cứu liên ngành của Đại học Bắc Kinh và Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc công bố trên tạp chí Science Advances kết quả bất ngờ: phần lớn tài nguyên đất hiếm ở Bạch Vân Ngao Bác không hình thành cách đây 1,3 tỷ năm như giả định lâu nay, mà đến từ một đợt hoạt động magma cách đây chỉ 430 triệu năm, “trẻ” hơn gần 900 triệu năm!
Thông qua phân tích các mẫu tinh quặng từ 12 năm khác nhau, nhóm nghiên cứu phát hiện các mạch đá carbonat trẻ đã xuyên qua lớp đá cổ và quá trình khoáng hóa mạnh mẽ, sinh ra hơn 70% lượng đất hiếm hiện có, đặc biệt là nhóm đất hiếm nhẹ (neodymium, praseodymium) cực kỳ đắt giá trong ngành ô tô điện và quốc phòng.
Đây không chỉ là đột phá khoa học mà còn mở ra hướng thăm dò mới cho ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu. Các quốc gia khác giờ đây có thể sử dụng mô hình địa chất này để tìm kiếm các mỏ đất hiếm quy mô lớn, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Hiểu được ‘mã nguồn’ địa chất của Bạch Vân Ngao Bác chính là nắm trong tay chìa khóa để cạnh tranh nguồn lực và công nghệ trong tương lai”, Giáo sư Lý Dương, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát phần lớn đất hiếm thế giới khiến nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) buộc phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tìm nguồn thay thế và đầu tư khai thác trong nước. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là công nghệ tách chiết vốn là bí quyết mà chỉ Trung Quốc làm chủ trên quy mô công nghiệp.
Trong bối cảnh xung đột thương mại, cạnh tranh công nghệ và cuộc đua năng lượng xanh đang leo thang, đất hiếm không còn là vấn đề kỹ thuật mà là lợi ích chiến lược sống còn. Từ pin Tesla đến máy bay F-35, từ robot y tế đến vệ tinh quân sự, tất cả đều đang “ngậm đất hiếm” Trung Quốc trong ruột máy.
Mỗi khám phá mới về Bạch Vân Ngao Bác không chỉ là một bước tiến trong địa chất học Trung Quốc và toàn cầu, mà còn là lời “cảnh báo” đối với phần còn lại của thế giới: Ai làm chủ đất hiếm, người đó làm chủ công nghệ và xa hơn, làm chủ vị thế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Theo China News
Tử Huy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/he-lo-bi-an-kho-bau-tram-trieu-nam-duoi-long-dat-trung-quoc-2422536.html