Hé lộ bí ẩn vì sao loài người nuôi mèo như thú cưng

Hé lộ bí ẩn vì sao loài người nuôi mèo như thú cưng
15 giờ trướcBài gốc
Từ lâu, Ai Cập cổ đại đã được biết đến như cái nôi của nền văn minh nhân loại, nơi loài mèo không chỉ được thuần hóa mà còn được thờ phụng với lòng sùng kính sâu sắc. Những xác ướp mèo cùng hình tượng nữ thần Bastet – vị thần của sự bảo hộ, niềm vui và sức khỏe, mang hình hài của một con mèo, cho thấy vai trò đặc biệt của loài vật này trong đời sống tín ngưỡng người Ai Cập.
Tuy nhiên, thời điểm và hoàn cảnh cụ thể khiến mèo trở thành bạn đồng hành của con người vẫn còn là điều bí ẩn.
Những chú mèo xuất hiện trong văn hóa thờ nữ thần Bastet của Ai Cập. Ảnh: National Geographic Kids
Năm 2001, một phát hiện khảo cổ tại đảo Cyprus từng làm dấy lên giả thuyết rằng việc thuần hóa mèo khởi phát từ đảo Địa Trung Hải này, sau khi các nhà khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ có niên đại khoảng 9.500 năm chứa hài cốt của một người và một mèo. Các nhà nghiên cứu khi đó cho rằng loài mèo đã theo chân những người nông dân, rồi dần dần thích nghi với cuộc sống gần gũi bên con người.
Tuy vậy, hai nghiên cứu di truyền học mới, hiện vẫn chưa được bình duyệt, đã bác bỏ giả thuyết ấy, chỉ ra rằng những con vật ở Cyprus khi đó thực chất là mèo rừng châu Âu, không phải tổ tiên của mèo nhà hiện nay.
Phát hiện này một lần nữa đưa trọng tâm nghiên cứu trở lại Ai Cập - nơi được cho là điểm khởi nguồn của quá trình thuần hóa mèo, có thể diễn ra cách đây khoảng 3.000 năm.
“Chúng tôi chứng minh rằng mèo nhà không hề di cư sang châu Âu cùng với những người nông dân thời kỳ Đồ đá mới như giả định trước đây”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Thay vào đó, các nhà khoa học đặt giả thuyết rằng những con mèo rừng đầu tiên đã được con người bắt giữ để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt là hiến tế cho nữ thần Bastet, trước khi được thuần hóa và trở thành thú cưng như hiện nay.
Theo ghi chép khảo cổ, hình ảnh của nữ thần Bastet ban đầu là một người phụ nữ mang đầu sư tử, đầy dũng mãnh và quyền lực. Nhưng vào khoảng thiên niên kỷ I trước Công nguyên, nữ thần được tái hiện với đầu mèo – một sự chuyển mình biểu trưng cho hòa bình, niềm vui và sự gần gũi. Cùng thời điểm đó, tục lệ hiến tế mèo phát triển mạnh mẽ: hàng triệu con mèo, bao gồm cả mèo nuôi nhốt và mèo hoang, đều bị ướp xác để dâng lên nữ thần.
Các cuộc khai quật còn cho thấy những đền thờ và khu bảo tồn dành riêng cho nữ thần Bastet thường nằm gần các vùng nông nghiệp rộng lớn – nơi chuột và sâu bọ hoành hành, trong khi mèo rừng chính là thiên địch tự nhiên của chúng.
“Chính môi trường như vậy đã tạo điều kiện cho mối liên kết chặt chẽ giữa con người và mèo, mở đường cho quá trình thuần hóa sau này”, các nhà khoa học viết.
Cuối cùng, người Ai Cập cổ đại có thể đã đưa những con mèo từng được hiến tế ấy về nhà, không chỉ coi chúng như một loài vật linh thiêng mà còn là những người bạn đồng hành thân thiết.
Việc thuần hóa động vật vì mục đích tín ngưỡng không phải là hiện tượng hiếm gặp. Trước đó, giới nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa loài hươu với nữ thần Artemis của Hy Lạp, hay việc nuôi nhốt gà với tín ngưỡng thờ thần Mithras.
Tương tự, việc thờ phụng nữ thần Bastet có thể đã góp phần khiến việc nuôi mèo trở nên phổ biến ở nhiều vùng đất.
“Phát hiện của chúng tôi đưa tới một cách diễn giải mới về nguồn gốc của mèo nhà, cho thấy quá trình thuần hóa không chỉ diễn ra ở một nơi, mà có thể trải rộng qua nhiều khu vực và nền văn hóa ở Bắc Phi”, nhóm nghiên cứu nhận định, đồng thời dự định tiến hành thêm các nghiên cứu di truyền quy mô lớn để truy vết chính xác nguồn gốc của quần thể mèo nhà hiện đại.
Đoàn Phi/VOV.VN (tổng hợp)
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/he-lo-bi-an-vi-sao-loai-nguoi-nuoi-meo-nhu-thu-cung-post1195925.vov