Hệ lụy sức khỏe của đồ uống có đường và khuyến nghị của WHO

Hệ lụy sức khỏe của đồ uống có đường và khuyến nghị của WHO
3 giờ trướcBài gốc
Hệ lụy lớn với sức khỏe
Thực tế thời gian qua, trong mô hình bệnh tật ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu, ước tính trung bình cứ 10 người thì có 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường, là biện pháp quan trọng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cho các quốc gia trong đó có Việt Nam nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
PGS-TS.Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho hay, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân của ít nhất 9 nhóm bệnh (nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường tuýp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiết niệu, tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, sa sút trí tuệ…).
Tiêu thụ đồ uống có đường/nước giải khát có đường gây ra những tác động nặng nề lên nền kinh tế, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường/ nước giải khát có đường là một nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Đường dạng lỏng trong đồ uống có đường được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ, vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát.
Do đó, tổng lượng calo nạp vào tăng lên dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng gây thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do năng lượng từ đồ uống có đường/nước giải khát có đường là năng lượng rỗng.
Người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể làm tăng tới 6,75kg cân nặng (nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác). Trẻ em uống nhiều đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị béo phì > 2,57 lần so với những trẻ không uống.
Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường/nước giải khát có đường làm gia tăng cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác. Đường trong đồ uống có đường/nước giải khát có đường làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây ra huyết áp cao và viêm nhiễm. Những thay đổi này đối với cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.
Chẳng hạn, tiêu thụ đồ uống có đường/nước giải khát có đường sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Người uống từ 354 - 704ml đồ uống có đường/ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 > 26% và nguy cơ phát triển các bệnh về chuyển hóa khác > 20%.
Những nam giới và phụ nữ trung niên uống từ 01 ly/lon nước ngọt trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường cao hơn 25% - 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45% so với những người không uống.
Đồ uống có đường/ nước giải khát có đường cũng khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nam giới uống 354ml đồ uống có đường/ngày có nguy cơ bị mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành > 20%. Nữ giới uống 708ml đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 40%.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường/nước giải khát có đường có nguy cơ bị tăng huyết áp > 1,36 lần; gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam và nữ. Cụ thể, phụ nữ uống một lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút > 75%. Nam giới uống 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút > 1,45 lần, và uống >1 lon mỗi ngày có nguy cơ > 1,85 lần.
Nguy cơ ung thư đại trực tràng > 2 lần ở những người tiêu thụ ≥ 708ml đồ uống có đường/ngày. Đồng thời làm giảm khả năng sinh sản: Uống ≥ 354 ml đồ uống có đường/ngày có liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.
Chưa kể, việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường/ nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng miệng, tác động xấu đến sức khỏe của xương. Nguy hiểm hơn, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường/nước giải khát có đường gây nguy cơ tử vong do liên quan tới bệnh tim mạch và ung thư hoặc nguyên nhân bất kỳ.
Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường/nước giải khát có đường
Với những gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường/nước giải khát có đường gây ra như nêu trên theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này để giảm tiêu thụ, giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, đồng thời giảm chi phí điều trị y tế.
Trên thế giới, nhiều nước cũng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường vì nó mang lại 3 lợi ích, bao gồm cải thiện sức khỏe cộng đồng; tăng thu cho ngân sách nhà nước; và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan và giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Tính đến 8/2023 đã có 117 quốc gia áp thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 104 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Bằng chứng từ các khu vực đã thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm đồ uống có đường cho thấy mức giảm đáng kể trong việc tiêu thụ đồ uống có đường so với các khu vực không áp dụng thuế.
Bà Đinh Thị Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chia sẻ: Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường có thể làm gia tăng ngân sách từ 5.300 - 17.350 tỷ đồng tùy theo cơ chế thuế và mức thuế suất.
Nguồn thu có được từ thuế đối với đồ uống có đường/nước giải khát có đường có thể được tái đầu tư vào các chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng như trợ cấp cho cơ sở hạ tầng, nước uống, hỗ trợ các bữa ăn lành mạnh tại trường học hoặc cung cấp quỹ tài chính cho các chiến dịch truyền thông sức khỏe. Đồng thời giúp tăng chi cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, các chương trình xã hội và thực hiện các đề án phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng đã chỉ ra, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 20% trên giá bán lẻ đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2.1% và 1.5%.
Với băn khoăn của nhiều người hiện nay về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường/nước giải khát có đường có làm giảm việc làm trong ngành công nghiệp nước giải khát?
Theo phân tích của một số chuyên gia, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường làm tăng giá bán lẻ dẫn đến giảm tiêu dùng các loại sản phẩm này nhưng không có bằng chứng nào về mối liên hệ với mất việc làm trong ngành đồ uống.
Theo Báo cáo “Các công cụ tài chính nhằm giảm tiêu dùng đồ uống có đường tại Việt Nam” do WHO công bố 2018 thì hiện tượng giảm việc làm trong ngành đồ uống thường đến từ việc ngành đầu tư dây chuyền công nghiệp hóa hiện đại, vì trên thực tế việc làm trong ngành đồ uống không nhiều vì mức độ công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất rất cao.
Áp thuế đồ uống có đường giảm sức mua các nhóm đồ uống có đường chịu thuộc diện chịu thuế, nhưng ngành đồ uống còn cung ứng ra thị trường nhiều loại đồ uống khác mà không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có bằng chứng nào việc áp thuế này sẽ làm giảm sức mua của các loại đồ uống đó.
Cũng như chưa có bằng chứng nào về giảm doanh thu của ngành công nghiệp đồ uống, nhất là khi sức mua các loại đồ uống lành mạnh (như nước lọc) sẽ tăng khi đồ uống có đường bị áp thuế và điều này sẽ tạo ra các việc làm thay thế.
Áp thuế đồ uống có đường làm tăng doanh số các đồ uống lành mạnh không bị đánh thuế và tạo động cơ cho nhà sản xuất điều chỉnh lại công thức sản phẩm, giảm hàm lượng đường.
Tuy quá trình này có thể mất nhiều thời gian nhưng khi làm được sẽ giúp cho không bị mất công ăn việc làm và sản phẩm mới có mức tiêu dùng tăng sẽ bù lại cho lượng giảm đồ uống có hàm lượng đường cao hơn.
Điều này sẽ bù cho doanh thu đồ uống có đường mất đi. Nhiều khu vực có áp thuế đồ uống có đường đã có sự tăng trưởng trong tổng doanh số và doanh thu cho các nhà sản xuất đồ uống, mặt dù doanh số đồ uống có đường giảm.
Các nghiên cứu từ Mỹ, Mexico và Anh cho thấy không có sự mất việc làm đối với ngành sản xuất đồ uống hoặc ngành bán lẻ thực phẩm, không có các tác động kinh tế tiêu cực khác sau khi áp dụng thuế đồ uống có đường.
Tại thành phố Berkeley (California, Mỹ), doanh thu của các cửa hàng bán lẻ thực phẩm không giảm sau khi áp thuế đồ uống có đường, và việc làm trong ngành thực phẩm tăng 7% trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2016, 15 tháng sau khi triển khai đánh thuế.
Các đánh giá về thuế đồ uống có đường tại thành phố Philadelphia’s (Pennsylvania, Mỹ) sau 1 và 2,5 năm triển khai không ghi nhận thay đổi đáng kể nào về tình trạng thất nghiệp trong lĩnh vực siêu thị, sản xuất nước ngọt và các ngành công nghiệp liên qua sau khi đánh thuế đồ uống có đường so với các hạt lân cận không đánh thuế đồ uống có đường.
Nghiên cứu mô hình tác động của thuế đồ uống có đường từ 20% đến 50% ở Brazil còn chỉ ra mức thuế này sẽ làm tăng GDP và sẽ tạo ra từ 69.000 đến 200.000 việc làm, tùy thuộc vào thuế suất.
Mô hình mô phỏng tác động của thuế đồ uống có đường 20% tại bang Illinois và California cho thấy việc triển khai thuế sẽ dẫn tới tăng số việc làm thực ở cả hai bang.
Nghiên cứu về tác động của bộ luật ở Chile làm giảm 24,7% sức mua đồ uống có đường cũng cho thấy không có việc giảm việc làm.
Tại Mexico, việc giảm lao động chủ yếu xảy ra trong giai đoạn hiện đại hóa khi, ngành công nghiệp đồ uống tăng cường đầu tư máy móc, hiện đại hóa. Từ khi tăng thuế thì việc làm không thay đổi.
Một nghiên cứu mô hình tác động của thuế đồ uống có đường từ 20% đến 50% ở Brazil còn chỉ ra mức thuế này sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội từ 2,4 tỷ R$ (460 triệu USD) đến 3,8 tỷ R$ (736 triệu USD) và sẽ tạo ra từ 69.000 đến 200.000 việc làm, tùy thuộc vào thuế suất.
Áp thuế đối với đồ uống có đường/nước giải khát có đường sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực hiện tại và tương lai cho các hộ gia đình và xã hội đồng thời có nhiều khả năng tạo ra công ăn việc làm mới.
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 25g/ngày.
Ở Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng mạnh trong những năm qua. Tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59tỷ lít năm 2009 lên 6,67tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18.5 lít/người năm 2009, lên thành 66.5 lít/người năm 2023 (tăng 350%). Trong khoảng thời gian từ năm 2002-2016, lượng tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng gấp 3 lần, sản phẩm đồ uống thể thao và nước tăng lực tăng 9 lần và sản phẩm trà/café hòa tan tăng 6 lần.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/he-luy-suc-khoe-cua-do-uong-co-duong-va-khuyen-nghi-cua-who-d228009.html