Hệ thống chống tên lửa THAAD có giá hơn 1 tỷ USD là gì và tại sao Mỹ gửi đến Israel?

Hệ thống chống tên lửa THAAD có giá hơn 1 tỷ USD là gì và tại sao Mỹ gửi đến Israel?
3 giờ trướcBài gốc
Trong đợt hỗ trợ quân sự mới nhất, Mỹ sẽ gửi cho Israel hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến. Lầu Năm Góc cho biết hôm 13/10 rằng Mỹ cũng sẽ cử quân đội đến vận hành hệ thống này.
Hiện chưa rõ việc triển khai sẽ diễn ra khi nào. Dưới đây là lý do tại sao Mỹ hiện đang triển khai hệ thống THAAD ở Israel.
Một tên lửa đánh chặn THAAD được phóng lên ở Kodiak, Alaska. Ảnh: Reuters
Hệ thống THAAD là gì?
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến sử dụng kết hợp radar và máy đánh chặn để ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Tên lửa của hệ thống có có tầm bắn từ 150 đến 200 km và hệ thống này được sản xuất bởi nhà sản xuất quốc phòng - hàng không vũ trụ Mỹ Lockheed Martin.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa bên trong và bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất trong giai đoạn bay cuối cùng, bắt đầu khi đầu đạn tách ra xâm nhập trở lại bầu khí quyển của Trái đất và kết thúc khi phát nổ.
Hệ thống THAAD hoạt động như thế nào?
Theo báo cáo tháng 4 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, một hệ thống THAAD thường bao gồm 95 binh sĩ, 6 bệ phóng gắn trên xe tải, 48 tên lửa đánh chặn (8 tên lửa cho mỗi bệ phóng), một hệ thống radar và một bộ phận điều khiển hỏa lực và liên lạc.
Số lượng tên lửa phóng và tên lửa đánh chặn có thể thay đổi.
THAAD không mang đầu đạn nổ, cho phép chúng đạt độ cao lớn một cách nhanh chóng. Thay vì phát nổ khi va chạm với tên lửa đạn đạo, THAAD đánh chặn bằng cách sử dụng năng lượng được tạo ra thông qua khối lượng khi nó chuyển động để kích hoạt tên lửa.
Tuy nhiên, hệ thống này không thể chống lại các vũ khí nhỏ hơn, đơn giản hơn như máy bay không người lái mà Hamas và Houthi sử dụng, vì máy bay không người lái nhỏ và không tiếp cận từ độ cao lớn.
Đồ họa: Al Jazeera
Giá của một hệ thống THAAD?
Theo nguồn tin của hãng tin Al Jazeera, một hệ thống THAAD có giá từ 1 đến 1,8 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, quân đội Mỹ đã triển khai 7 hệ thống THAAD, bao gồm cả ở Hàn Quốc và Guam.
Israel đã có hệ thống THAAD chưa?
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hôm 13/10, Mỹ trước đó đã triển khai một hệ thống THAAD tới miền nam Israel vào năm 2019 "để huấn luyện và diễn tập phòng không tích hợp". Tuy nhiên, Al Jazeera cho biết khẩu đội này đã được đưa trở lại Mỹ sau cuộc tập trận.
Tuyên bố nói thêm rằng Mỹ đã triển khai một hệ thống THAAD ở Trung Đông "để bảo vệ quân đội và lợi ích của Mỹ trong khu vực" sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, mà không nêu rõ quốc gia nào được triển khai.
Hệ thống phòng không của Israel hiện đang sử dụng ba hệ thống: Vòm Sắt đánh chặn tên lửa tầm ngắn từ 4 đến 70 km, David's Sling đánh chặn tên lửa tầm trung từ 40 đến 300 km và hệ thống Arrow đánh chặn tên lửa tầm xa lên tới 2.400 km.
Hệ thống THAAD và Vòm Sắt có thể phối hợp với nhau để bảo vệ từ độ cao lớn hơn và giảm thiểu thiệt hại từ khoảng cách xa hơn.
Tại sao Mỹ gửi hệ thống THAAD tới Israel vào thời điểm này?
Nhà phân tích quân sự Elijah Magnier cho biết cuộc tấn công của Iran vào Israel hôm 1/10 là cuộc tấn công chưa từng thấy trước đây với gần 200 tên lửa được triển khai phóng vào các thành phố và thị trấn lớn của Israel.
Magnier cho biết Iran đã phóng tên lửa "vào ba hành lang hoặc ba địa điểm, khiến bất kỳ tên lửa đánh chặn nào cũng không thể đánh chặn được tất cả". Hơn nữa, đây còn là lần đầu tiên Iran sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah, theo truyền thông nước này cho biết.
Fattah, được công bố vào năm 2023, là loại tên lửa mà Mỹ chưa từng phải đối mặt. Mỹ muốn "kiểm tra" xem THAAD có thể đánh chặn được loại tên lửa này hay không, Magnier cho biết.
Ngày 13/10, một tuyên bố cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cho phép triển khai hệ thống THAAD tới Israel để giúp tăng cường khả năng phòng không của nước này.
Tuyên bố nói thêm: "Hành động này nhấn mạnh cam kết chắc chắn của Mỹ trong việc bảo vệ Israel khỏi bất kỳ cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nào nữa từ Iran".
Tại sao Mỹ gửi kèm binh lính?
Theo Al Jazeera, hệ thống THAAD phức tạp đến mức cần tới 94 người được đào tạo bài bản để vận hành, và đây sẽ là những người lính Mỹ.
Magnier giải thích rằng lực lượng Mỹ đi cùng hệ thống THAAD vì họ được huấn luyện để vận hành hệ thống này và không có thời gian để huấn luyện quân đội Israel.
Mặc dù vẫn chưa chắc chắn khi nào THAAD sẽ đến Israel, nhưng "một khi THAAD đến, bất cứ lúc nào cũng có thể là thời điểm thích hợp để Israel tấn công và phản ứng của Iran sẽ không diễn ra ngay lập tức", Magnier cho biết.
Ông nói thêm rằng những người lính này có thể quay trở lại Mỹ nếu Iran tấn công Israel.
Israel có thể nhận thêm nhiều hệ thống THAAD không?
Câu trả lời là không. Điều này là do THAAD có khả năng bao phủ một khu vực rộng lớn. Mộ hệ thống là đủ đối với quy mô của Israel, đặc biệt là khi xét đến giả định rằng tên lửa chỉ có thể tấn công Israel từ Iran.
Ngoài ra, THAAD là nguồn lực hạn chế của Mỹ và việc sản xuất thêm cần có thời gian, ví quá trình sản xuất phức tạp này giống như quá trình sản xuất một chiếc máy bay phản lực chở khách.
Ngọc Ánh (theo Al Jazeera)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/he-thong-chong-ten-lua-thaad-co-gia-hon-1-ty-usd-la-gi-va-tai-sao-my-gui-den-israel-post317100.html