Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, một thực tế kéo dài nhiều năm là không ít chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng vẫn gặp khó khăn khi đi vào cuộc sống do vướng mắc ở khâu thể chế hóa và thực thi pháp luật.
Chính vì vậy, Nghị quyết 66 đã xác lập một cách nhìn mới: pháp luật không chỉ là khâu trung gian, mà là “điểm nghẽn” cần phải khai thông trước để các đột phá khác có thể phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, vai trò kiến tạo của pháp luật càng trở nên cấp thiết. Một hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi và thực thi nghiêm minh sẽ là bệ phóng cho năng suất quốc gia, năng lực quản trị và sự bền vững của nền kinh tế.
Nghị quyết 66 đề ra nhiều định hướng cải cách sâu sắc, trong đó nổi bật là tư duy đổi mới toàn diện về cách xây dựng và thực thi pháp luật. Theo ông Dũng, trước hết là đổi mới tư duy lập pháp - chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo. Pháp luật không còn chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi, mà phải trở thành động lực phát triển. Do đó, mỗi đạo luật cần được nhìn nhận như một cấu phần của chiến lược phát triển quốc gia, thay vì chỉ để giải quyết các vấn đề trước mắt hay mang tính đối phó.
Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và tăng cường hậu kiểm. Đây là bước chuyển từ một nền pháp lý dựa trên mệnh lệnh hành chính sang một hệ thống quản trị dựa trên pháp quyền. Văn hóa tuân thủ không thể hình thành nếu luật pháp còn rối rắm, chồng chéo, thiếu minh bạch. Do đó, Nghị quyết yêu cầu phải thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành, lấy kết quả thực thi làm thước đo chất lượng luật pháp.
Đặc biệt, Nghị quyết 66 đề cao việc đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Lần đầu tiên, một nghị quyết Trung ương xác định rõ pháp luật là lĩnh vực cần đầu tư có trọng tâm, không thể làm theo lối cầm chừng. Nguồn lực ở đây bao gồm: nhân lực (đội ngũ làm pháp luật chuyên nghiệp, am hiểu cả chính sách và kỹ thuật lập pháp); tài lực (ngân sách cho đánh giá tác động, phản biện, hậu kiểm); công nghệ (ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong xây dựng và thực thi pháp luật); và thể chế tổ chức (kiện toàn các bộ phận pháp chế, thiết lập các trung tâm tư vấn…).
Theo ông Dũng, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ làm pháp luật - không chỉ trong cơ quan lập pháp, mà cả trong hệ thống hành pháp và tư pháp. Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để chuyên nghiệp hóa "nghề làm luật", đồng thời mở rộng cơ chế thu hút giới trí thức, nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu tham gia phản biện chính sách ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ và dữ liệu số phục vụ công tác pháp lý là yêu cầu tất yếu. Một nền pháp luật hiện đại không thể dựa vào quy trình thủ công. Hệ thống pháp điển điện tử, phần mềm hỗ trợ soạn thảo luật và công cụ theo dõi thi hành luật theo thời gian thực cần được xây dựng đồng bộ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội.
Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ là một dịp quan trọng để đưa tinh thần Nghị quyết 66 đi vào hành động thực chất. Đây là lúc Quốc hội cần khẳng định vai trò kiến tạo, lắng nghe dân, đại diện cho dân, phản biện chính sách với tầm nhìn dài hạn. Cũng là lúc cần bàn sâu về cơ chế giám sát quyền lực, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc, bảo vệ công lý, củng cố niềm tin xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội cần ưu tiên là đẩy nhanh tiến độ số hóa hệ thống pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường, mở rộng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật qua báo chí, mạng xã hội, nghệ thuật, văn hóa đại chúng.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, kỳ họp Quốc hội với tinh thần đổi mới thể chế, xây dựng văn hóa pháp quyền mà Nghị quyết 66- NQ/TW đặt ra càng mang ý nghĩa thôi thúc. Bởi đây không chỉ là một văn kiện chính trị, mà là lời nhắc nhở sâu xa: Sức mạnh của một dân tộc không chỉ nằm ở tiềm lực vật chất, mà trước hết nằm ở sức mạnh của niềm tin, của luật pháp, của trật tự xã hội, của khát vọng đồng lòng kiến tạo một đất nước hùng cường, hạnh phúc.
Thu Nguyễn