Dự kiến hoàn thành vào năm 2029, sáng kiến Vòm Vàng có chi phí lên tới 175 tỷ USD được đánh giá là hệ thống phòng thủ tối thượng của Mỹ kể từ Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) của Tổng thống Ronald Reagan vào những năm 1980.
Chương trình SDI – vốn được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Star Wars” (Cuộc chiến giữa các vì sao) – từng gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về tính khả thi khi xét trên phương diện kỹ thuật. Trên thực tế, cuối cùng chương trình đã không thể đi vào hoạt động.
Vậy tương lai sáng kiến Vòm Vàng của ông chủ Nhà Trắng thế nào?
Sáng kiến lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) được Tổng tống Mỹ Donald Trump công bố hôm 20/5.
Nhiều lỗ hổng?
Được mô phỏng theo hệ thống Vòm Sắt nổi tiếng của Israel nhưng tham vọng hơn rất nhiều, Vòm Vàng được kỳ vọng sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi toàn bộ các mối đe dọa từ trên không, phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa và những tên lửa có tầm bắn ngắn hơn. Bất kỳ loại nào trong số đó cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Hệ thống Vòm Vàng cũng được thiết kế để hướng đến mục tiêu chống lại tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh.
Trong các nguy cơ tiềm tàng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được coi là mối đe dọa lớn nhất vì nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng đang sở hữu một số lượng lớn loại tên lửa này. Các ICBM đi theo quỹ đạo ba giai đoạn: giai đoạn tăng tốc, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Giai đoạn tăng tốc kéo dài một vài phút động cơ sẽ đẩy tên lửa vào không gian. Trong giai đoạn giữa, tên lửa di chuyển không có động cơ trong không gian trong khoảng 20-25 phút. Cuối cùng, trong giai đoạn cuối, tên lửa quay trở lại bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu.
Các thiết kế cho hệ thống Vòm Vàng có thể sẽ tăng khả năng phòng thủ với các ICBM ở trên cả 3 giai đoạn quỹ đạo của vũ khí này. Việc phòng thủ tên lửa ở giai đoạn tăng tốc được đánh giá là triển vọng nhất do yêu cầu chỉ cần bắn hạ một mục tiêu duy nhất. Ở giai đoạn giữa sẽ khó hơn bởi tên lửa đạn đạo sẽ triển khai đầu đạn của nó (bao gồm thuốc nổ) nhưng đồng thời có thể phóng ra một số đầu đạn mồi. Ngay cả với các hệ thống radar tốt nhất, việc phân biệt giữa đầu đạn thật và đầu đạn mồi cũng vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, tính khả thi về mặt kỹ thuật của hệ thống Vòm Vàng cũng được giới phân tích đặt ra khi nhắm mục tiêu vào tên lửa đạn đạo trong giai đoạn tăng tốc là rất khó – đặc biệt trong một khoảng thời gian rất ngắn như vậy.
Một nghiên cứu do Hiệp hội Vật lý Mỹ tiến hành cho thấy, theo giả định, một hệ thống đánh chặn tên lửa trên không gian có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 530 dặm (850km), còn được gọi là "bán kính tiêu diệt" của vũ khí.
Ngay cả với bán kính lớn như vậy, một hệ thống đánh chặn trên không gian sẽ cần hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn vệ tinh, mỗi vệ tinh được trang bị tên lửa nhỏ để đạt được phạm vi phủ sóng khu vực hiệu quả.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có thể khắc phục được hạn chế này bằng cách sử dụng vũ khí năng lượng định hướng như tia laser mạnh hoặc thậm chí là vũ khí chùm hạt, sử dụng chùm hạt nguyên tử hoặc hạt hạ nguyên tử năng lượng cao.
Dù vậy, hệ thống này cũng bộc lộ một điểm yếu quan trọng là đối thủ có thể sử dụng vũ khí chống vệ tinh – tên lửa phóng từ mặt đất – hoặc các hành động tấn công khác như tấn công mạng để phá hủy hoặc vô hiệu hóa một số vệ tinh đánh chặn nhằm thiết lập một hành lang tạm thời để các ICBM có thể đi qua.
Một ý tưởng về hệ thống phòng thủ giai đoạn tăng cường trên không gian có tên gọi là Sỏi sáng (Brilliant pebbles) từng được đề xuất vào cuối những năm 1980. Thay vì thiết lập các vệ tinh lớn với nhiều tên lửa, hệ thống này đòi hỏi có khoảng 1.000 tên lửa nhỏ riêng lẻ trên quỹ đạo. Hệ thống cũng sử dụng khoảng 60 cảm biến quỹ đạo có tên gọi Mắt thần (Brilliant eyes) để phát hiện các vụ phóng.
Sỏi sáng từng bị chính quyền Tổng thống Bill Clinton hủy bỏ vào năm 1994. Dù vậy, giới phân tích nhận định, những ý tưởng về hệ thống này có thể là gợi ý cho Vòm Vàng.
Phương án phá hủy tên lửa đạn đạo trong quá trình bay giữa quỹ đạo được giới chuyên gia quân sự gợi ý là hệ thống phòng thủ giữa chặng trên mặt đất và nền tảng Aegis được lắp đặt trên tàu của lực lượng Hải quân Mỹ.
Không giống như phòng thủ tên lửa giai đoạn giữa (phải bao phủ một khu vực địa lý rộng lớn), việc đánh chặn các ICBM ở giai đoạn cuối là tuyến phòng thủ cuối cùng. Khi đó, hệ thống đánh chặn sẽ phá hủy các đầu đạn đang bay vào bầu khí quyển từ không gian.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ về công nghệ và vũ khí, những tranh luận về tính khả thi của hệ thống Vòm Vàng vẫn đang thu hút dư luận. Ngoài ra, chính chi phí khổng lồ cũng như những bất đồng trong nội bộ nước Mỹ cũng có thể là những rào cản đối với việc triển khai hiệu quả hệ thống Vòm Vàng.
Yếu tố gây thêm bất ổn?
Giới phân tích hoài nghi, kế hoạch tốn kém của Tổng thống Trump có thực sự bảo vệ nước Mỹ trước tên lửa tầm xa của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên hay đây chỉ là "sân khấu chính trị" của ông chủ Nhà Trắng?
Tổng thống Trump tuyên bố nước láng giềng Bắc Mỹ Canada đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia chương trình và cả hai quốc gia được cho là đang thảo luận tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Bộ Chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD).
Dù vậy, nguồn tài trợ cho dự án Vòm Vàng hiện vẫn chưa chắc chắn, khi 25 tỷ USD bị đình trệ do ràng buộc với gói chi tiêu quốc phòng mà đảng Cộng hòa hậu thuẫn. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách quốc hội (CBO) dự kiến chi phí xây dựng và bảo trì hệ thống Vòm Vàng có thể không chỉ dừng ở con số ban đầu mà tăng vọt lên hơn 800 tỷ USD trong hai thập kỷ tới.
Tên lửa DF-27 được phát triển từ tên lửa DF-17 của Trung Quốc được đánh giá là có khả năng né hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thông qua các quỹ đạo. (Nguồn: AP)
Sáng kiến này cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về tính khả thi về mặt kỹ thuật, những rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định hạt nhân và sự tham gia của các công ty tư nhân như SpaceX của Elon Musk hay Palantir của Peter Thiel và Alex Karp.
Các nhà thầu quốc phòng nổi tiếng như Lockheed Martin, L3Harris và RTX cũng sẽ tham gia vào đường đua để giành hợp đồng xây dựng hệ thống Vòm Vàng.
Cuối tuần trước, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) đã công bố một báo cáo có tên “Vòm Vàng cho nước Mỹ: Các mối đe dọa tên lửa hiện tại và tương lai đối với lãnh thổ Mỹ”, nhằm mô tả các mối đe dọa mà một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi như vậy sẽ phải đối mặt. Những mối đe dọa này bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu vượt âm được phóng từ trên không, trên đất liền và từ dưới biển.
Báo cáo của DIA nhận định: “Trong thập kỷ tới, các mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Mỹ sẽ mở rộng cả về quy mô lẫn độ tinh vi. Trung Quốc và Nga đang phát triển nhiều phương tiện phóng mới nhằm khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ, nhưng tên lửa đạn đạo truyền thống, được dẫn hướng trong giai đoạn bay có động cơ và không dẫn hướng trong giai đoạn bay tự do, sẽ vẫn là mối đe dọa chính”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng từng lưu ý, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang được mở rộng và hiện đại hóa nhanh chóng, với ước tính tới 600 đầu đạn hoạt động vào năm 2024 và dự kiến kho vũ khí hạt nhân này sẽ lên tới hơn 1.000 vào năm 2030.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng được cho là đang triển khai các phương tiện lướt siêu thanh (HGV), đặc biệt là trên tên lửa DF-27 thông qua các hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn (FOBS), có khả năng né hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thông qua các quỹ đạo.
Việc vượt qua các hệ thống phòng thủ chiến lược hiện nay đã là một nỗ lực rất thực tế của Nga. Điều này diễn ra trong bối cảnh lá chắn tên lửa chiến lược hiện tại của Mỹ còn tương đối yếu, chỉ phù hợp để đối phó với các cuộc tấn công quy mô nhỏ.
Báo cáo của Chatham House tháng 9/2021 có nhắc đến 2 "siêu vũ khí" của Nga là ICBM RS-28 Sarmat, có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa thông qua quỹ đạo Nam Cực và phương tiện lướt siêu thanh Avangard, có khả năng cơ động khó lường để tránh bị đánh chặn.
Ngoài ra, Nga còn sở hữu nhiều vũ khí thiện chiến khác, như máy bay không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon đe dọa các mục tiêu ven biển bằng sóng thần phóng xạ; tên lửa hành trình Burevestnik cũng có tầm bắn không giới hạn; tên lửa siêu thanh Kinzhal và Tsirkon giúp tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao...
Giới phân tích cho rằng, trong khi Trung Quốc và Nga ủng hộ đối thoại chiến lược, việc Mỹ công bố hệ thống Vòm Vàng có thể là yếu tố gây bất ổn trong các nỗ lực kiểm soát vũ khí và ổn định hạt nhân trên toàn cầu.
(theo Asia Times)
Nhã Phương