Trong nhiều tháng qua, tiêm kích F-35 Lightning II Joint Strike Fighter của hãng Lockheed Martin – một trong những máy bay tàng hình hàng đầu của Mỹ – đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chống lại nhóm vũ trang Houthis (Yemen). Trong chiến dịch không kích dữ dội gần đây, cả F-35A của Không quân Mỹ và F-35C của Hải quân Mỹ đều có mặt tại Trung Đông.
Gần đây, nhiều bản tin dẫn lời các quan chức Mỹ rằng một chiếc F-35 đã phải đổi hướng gấp để tránh một tên lửa đất đối không của Houthis.
Hiện chưa rõ liệu F-35 có phải là mục tiêu thực sự của tên lửa hay không, cũng như mức độ rủi ro đối với máy bay khi đó ra sao. Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đều chưa bình luận vụ việc này.
Vụ việc trở nên đáng chú ý bởi F-35 là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm với khả năng tàng hình tiên tiến, được thiết kế để xâm nhập vùng trời có tranh chấp nhằm vô hiệu hóa năng lực tác chiến của đối phương hoặc cung cấp dữ liệu mục tiêu cho các lực lượng khác.
Theo trang Business Insider, vụ việc này có ý nghĩa gì đối với F-35 vẫn chưa rõ nhưng có một số đặc điểm của F-35 và các máy bay tàng hình cần lưu tâm.
Một tiêm kích F-35. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Hiểu đơn giản về máy bay tàng hình
Ông Billie Flynn, cựu chỉ huy chiến đấu của Không quân Hoàng gia Canada và là nhân viên của Lockheed Martin từng tham gia chương trình F-35 suốt gần 20 năm, nói rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên khả năng tàng hình của tiêm kích là tiết diện radar – tức mức độ máy bay phản xạ lại sóng radar.
Với F-35, kích thước phản xạ radar chỉ bằng cỡ quả bóng bàn, nên “có thể hình dung việc phát hiện nó khi bay ở độ cao lớn, cách xa nhiều dặm gần như là bất khả thi”, ông Flynn nói với Business Insider.
F-35, cùng với F-22 Raptor và mẫu kế nhiệm B-21 Raider được xếp vào nhóm “rất khó bị phát hiện”. Khả năng này đến từ nhiều yếu tố kết hợp lại.
F-35 được thiết kế chuyên biệt để tàng hình. Theo Lockheed Martin, lớp sơn màu xám đặc trưng phủ bên ngoài máy bay giúp hấp thụ và làm giảm tín hiệu radar. Thiết kế của máy bay cũng giúp khó bị phát hiện hơn, nhờ loại bỏ các bề mặt phẳng và góc vuông, sử dụng vật liệu composite và giấu vũ khí cùng nhiên liệu bên trong thân máy bay. Động cơ cũng được thiết kế để giảm phát thải nhiệt và âm thanh.
Ngoài các yếu tố tàng hình “bị động”, F-35 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến có thể gây nhiễu hoặc làm gián đoạn radar của đối phương, ngăn không cho bị phát hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump – người tuần này nói rằng ông không quá tin vào công nghệ tàng hình – từng nhiều lần tuyên bố F-35 là “vô hình”. Nhưng thực tế không phải vậy.
Mỹ đã từng học được bài học đắt giá vào cuối những năm 1990 trong cuộc chiến Kosovo, khi quân đội Nam Tư bắn rơi một chiếc F-117 Nighthawk – một trong những máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ.
"Không gì là bất khả xâm phạm"
Tiêm kích F-35. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
“Không thứ gì là không thể bị phát hiện. Ý tưởng rằng bạn có một thiết bị tàng hình hoàn toàn là rất nguy hiểm” - chuyên gia hàng không Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory (Mỹ), chia sẻ.
“Điểm mạnh quan trọng nhất của tiêm kích F-35 không phải là khả năng khó bị phát hiện mà là hệ thống trang bị nhiệm vụ cực kỳ hiện đại, cho phép máy bay phát hiện được mối nguy hiểm và mục tiêu” - ông Aboulafia nói thêm.
Theo chuyên gia này, máy bay “khó bị phát hiện” không đồng nghĩa với việc luôn luôn tàng hình tuyệt đối mà chỉ là giảm khả năng bị phát hiện và theo dõi.
Cách máy bay được sử dụng cũng ảnh hưởng đến khả năng tàng hình. Ví dụ, nếu F-35 mang vũ khí bên ngoài thân thì sẽ dễ bị radar phát hiện hơn. Ngoài ra, hệ thống phòng không của đối phương cũng có thể được kích hoạt đúng thời điểm và đúng vị trí, nếu may mắn có thể phát hiện ra máy bay.
Trong vụ việc gần đây, tiêm kích F-35 của Mỹ đã tránh được tên lửa của phiến quân Houthis. Tuy nhiên, không rõ liệu máy bay có thực sự là mục tiêu hay phiến quân chỉ bắn vào khu vực đó và vô tình khiến phi công phải né tránh.
Tướng Gordon Davis - Thiếu tướng Lục quân Mỹ đã về hưu và là nguyên Phó Trợ lý Tổng Thư ký NATO phụ trách đầu tư quốc phòng cho biết hệ thống phòng không của Houthis “là mối đe dọa đáng kể đối với các máy bay quân sự và dân sự hoạt động gần Yemen”.
Ông Davis nói thêm rằng nhờ được Iran huấn luyện và hỗ trợ trang thiết bị, Houthis sở hữu hệ thống phòng không “hiện đại và tinh vi nhất trong số các nhóm phi nhà nước ở Trung Đông”.
Phòng không của Houthis bao gồm nhiều loại tên lửa đất đối không với tầm bắn khác nhau và theo báo cáo hệ thống này đã bắn rơi một số máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ, tuy chưa bắn trúng bất kỳ máy bay có người lái nào.
Tướng Davis cho rằng về lý thuyết thì Houthis có thể nhắm bắn vào một chiếc F-35, nhưng nếu máy bay đang hoạt động bình thường, thì khả năng tên lửa đánh trúng là cực kỳ thấp. Bởi F-35 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử và tự vệ hiện đại như AN/ASQ-239, vốn giúp phát hiện và vô hiệu hóa mối đe dọa. Ngoài ra, phi công cũng sẽ có phản ứng phù hợp để tránh bị trúng đạn.
“Một chiếc F-35 phải thực sự để lộ rất nhiều thì hệ thống phòng không mới có thể phát hiện được nó trên không” - ông Flynn kết luận.
THẢO VY