Healing: Trào lưu mới hay giải pháp lâu dài cho giới trẻ?

Healing: Trào lưu mới hay giải pháp lâu dài cho giới trẻ?
4 giờ trướcBài gốc
Giới trẻ tìm đến healing để đối phó với áp lực
“Healing” (chữa lành) là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp giúp hàn gắn, phục hồi sức khỏe, cảm xúc, tinh thần của con người sau những tổn thương. Đây là nhu cầu bình thường của nhiều người, họ mong muốn được xoa dịu những đau thương, vứt bỏ cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Xã hội phát triển kéo theo guồng xoáy áp lực về công việc, tài chính kinh tế,... khiến cho nhu cầu “healing” ngày càng cao. Trào lưu đi du lịch chữa lành, ngồi thiền, nghe podcast, Trekking khám phá thiên nhiên,... được nhiều người hưởng ứng và cho rằng nó có thể hàn gắn được những tổn thương tâm lý.
Trào lưu đi “chữa lành” được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.
Bạn Nguyễn Hoàng Mỹ Anh (26 tuổi - Hà Nội) thường xuyên gặp áp lực về vấn đề công việc. Chia sẻ với VietnamWorks HR Insider, Mỹ Anh cho biết: “Công việc hiện tại luôn khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Hết áp lực từ cấp trên đến áp lực kinh tế gia đình khiến mình làm quần quật 16 tiếng/ngày, thậm chí nhiều tuần còn không có chủ nhật”. Do quá mệt mỏi, Mỹ Anh đã xin sếp nghỉ 1 tuần để đi “healing” Đà Lạt với mong muốn tìm thấy sự an nhiên, xoa dịu những áp lực, cảm xúc tiêu cực bấy lâu nay để vực lại tinh thần làm việc.
Cũng gặp áp lực như Mỹ Anh nhưng chị Nguyễn Hạnh Duyên (32 tuổi - Hà Nam) lại chọn ở nhà nghe podcast, tập thiền và yoga thay vì đi du lịch. “Trước khi biết đến VietnamWorks HR Insider, tôi từng có một khoảng thời gian loay hoay tìm việc khắp nơi. Vừa áp lực thất nghiệp, vừa bận bịu chăm sóc con cái khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Mặc dù có chồng ở cạnh hậu thuẫn nhưng tôi vẫn rơi vào trầm cảm lo âu suốt một thời gian dài. Tôi phải tự chữa lành bản thân bằng cách tập Yoga, nghe nhạc thư giãn,... để vực lại tinh thần. Đến nay tinh thần của tôi đã thoải mái hơn rất nhiều”, chị Duyên chia sẻ.
Tự mình giải phóng cơ thể và những cảm xúc tiêu cực.
Không thể phủ nhận “chữa lành” giúp nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, vực dậy tinh thần sau chuỗi ngày lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, việc nhà nhà, người người đi “healing”, sẵn sàng bỏ việc, bòn hết tiền của để phục vụ nhu cầu du lịch khi chưa cần thiết lại là điều hết sức lo ngại.
Cao Nhật Minh Tùng (24 tuổi - TP Hồ Chí Minh) ngậm ngùi chia sẻ: “Cứ mỗi lần gặp khó khăn, thất tình hoặc thất nghiệp là em và nhóm bạn sẽ rủ nhau đi du lịch. Em nghĩ tuổi trẻ nên đi trải nghiệm khắp nơi trước đã, còn tiết kiệm tiền thì mình tính sau. Tuy nhiên, em đã nhận ra đây là một suy nghĩ sai lầm. Đầu năm nay em bị tai nạn gãy chân, trong người lúc này không có nổi một khoản dư nào lại phải “báo” bố mẹ”. Không chỉ riêng Minh Tùng, nhiều người trẻ hiện nay sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để đi du lịch, tham gia các khóa trải nghiệm mang danh “chữa lành”.
Xoa dịu tổn thương, học cách “kháng thể” tinh thần
Não bộ của con người không thể chịu được những áp lực, căng thẳng trong thời gian dài. Do đó, việc mọi người tìm cách “chữa lành” là cần thiết để não bộ được nghỉ ngơi, ổn định lại tinh thần. Tuy nhiên, các bạn trẻ nên cho phép bản thân “chữa lành” trong phạm vi tài chính của mình. Tuyệt đối không lạm dụng và biến “chữa lành” thành một trào lưu, chạy theo xu hướng “chưa tổn thương đã đi chữa lành”.
Học cách “kháng thể”, làm chủ cảm xúc và tinh thần.
Giới trẻ cần hiểu rõ healing là gì, đây thực chất là một cơ chế tự nhiên của mỗi người. Chúng ta cần lắng nghe cơ thể và tâm hồn của mình để luôn cảm thấy an yên, ổn định. Hãy xây dựng đề kháng cho sức khỏe tinh thần, làm chủ cảm xúc, đảm bảo bản thân luôn cảm thấy lạc quan và có tự duy định hướng đúng đắn. Đồng thời xây dựng tinh thần vượt khó, nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ, khát khao mang đến những giá trị tích cực cho xã hội.
Nhà báo Lại Văn Sâm từng nói: "Đừng bao giờ ngại ngùng trước bất kỳ thử thách nào. Nếu như chúng ta không thử, chúng ta sẽ không biết chúng ta có thể vượt qua hay không. Còn khi chúng ta thử, có thể chúng ta vượt qua, có thể chúng ta không vượt qua đi chăng nữa thì ít nhất chúng ta đã dám thử thách. Và đấy là "thanh xuân". Đây là một trong những câu nói hay về nhân cách sống, thái độ sống của giới trẻ hiện nay. Đừng bao giờ chùn bước trước khó khăn, hãy dũng cảm đương đầu để khẳng định giá trị của bản thân.
Giới trẻ tìm đến “chữa lành” như một cách để chăm sóc sức khỏe tinh thần, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng và biến điều này thành một trào lưu lố lăng, không thiết thực.
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/healing-trao-luu-moi-hay-giai-phap-lau-dai-cho-gioi-tre-219933.htm