Nhưng, nếu Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) được thông qua trong thời gian tới và thực thi nghiêm túc, thời kỳ mập mờ ấy có thể sẽ khép lại.
Dự thảo luật đang được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp, đang mở ra một chương mới trong quản lý quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên môi trường số, nơi từ lâu đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những nội dung đánh vào niềm tin và tâm lý lo sợ bệnh tật của người tiêu dùng. Hình ảnh bác sĩ, thiết bị y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị cấm sử dụng trong quảng cáo thực phẩm, điều tưởng đã là chuẩn mực, nay mới chính thức được đưa vào luật với tinh thần mạnh mẽ hơn.
Có một thực tế là người tiêu dùng ngày càng tin vào mạng xã hội hơn các kênh thông tin chính thống, họ bỏ thời gian xem mạng xã hội nhiều hơn. Họ dễ dàng bị thuyết phục bởi một clip “review chân thật” (review: tạm hiểu là chia sẻ thông tin trải nghiệm sản phẩm) từ người nổi tiếng, hoặc một bác sĩ tự xưng khuyên dùng sản phẩm nào đó cho người bị gan nhiễm mỡ, tiểu đường, đau dạ dày… Dù chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc, nhưng với cách trình bày, lời lẽ và hình ảnh lại đánh tráo hoàn toàn nhận thức của người xem.
Dự thảo luật lần này đã nhắm trúng vào một trong những lực lượng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn: các KOL, KOC, influencer (gọi chung là những người có ảnh hưởng đến hành vi mua sắm thông qua mạng xã hội hoặc chuyên môn của họ).
Một điểm mới đáng chú ý là yêu cầu minh bạch mối quan hệ tài trợ giữa người quảng cáo và doanh nghiệp. Đây là bước đi cần thiết để phá vỡ “vỏ bọc trung lập” của người nổi tiếng trên mạng, những người lâu nay có thể tác động trực tiếp đến quyết định tiêu dùng của hàng triệu người mà không chịu ràng buộc pháp lý nào.
Nếu quy định được thực thi nghiêm túc, hàng loạt nội dung “review có trả phí nhưng không nói rõ” sẽ bị xử phạt. Những video kiểu như “bác sĩ khuyên dùng”, “chị em uống thử thấy khỏe” nhưng không có căn cứ khoa học rõ ràng sẽ bị loại bỏ khỏi không gian số. Cuộc chơi của ngành influencer marketing (tiếp thị của người có ảnh hưởng), một lĩnh vực trị giá hàng trăm triệu đô la tại Việt Nam, buộc phải điều chỉnh lại luật lệ.
Không dừng ở quảng cáo, khâu bán hàng cũng đang được siết lại. Dự thảo yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm qua sàn thương mại điện tử phải công bố rõ ràng các thông tin về giấy phép, nguồn gốc, địa chỉ và kèm mã QR truy xuất. Đây là cách để chặn đứng tình trạng “shop ảo”, giao hàng từ kho vô danh, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, việc luật hóa là một chuyện, giám sát và thực thi lại là câu chuyện khác, đầy thách thức. Ai sẽ kiểm soát hàng triệu lượt livestream bán thực phẩm mỗi ngày trên không gian mạng Facebook, YouTube? Ai sẽ thẩm định tính xác thực của hàng trăm clip quảng cáo từ KOL mỗi tuần? Các sàn thương mại điện tử liệu có đủ năng lực kiểm tra, xác minh nội dung từ hàng vạn nhà bán lẻ?
Cũng như những nỗ lực chống tin giả, cuộc chiến với quảng cáo thực phẩm “mập mờ” đòi hỏi sự phối hợp giữa luật pháp, công nghệ và ý thức cộng đồng. Không thể kỳ vọng chỉ một văn bản luật sẽ làm thay đổi cục diện, nhưng đó là bước khởi đầu cần thiết.
Đã đến lúc ngành công nghiệp tiếp thị, đặc biệt trên không gian mạng, phải trưởng thành và minh bạch. Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm với tiếng nói của mình. Doanh nghiệp phải trung thực với sản phẩm mà họ bán. Và người tiêu dùng, thay vì tin vào chiếc áo blouse trắng cầm hộp thực phẩm, cần được trao quyền và công cụ để lựa chọn thông minh hơn.
Nếu không, những “bàn ăn ảo, phòng khám ảo" có thể tiếp tục gieo rắc hệ lụy thật, từ sức khỏe cộng đồng đến niềm tin vào hệ thống quản lý, luật pháp.
Hồng Văn