Trên thị trường sẽ có thêm thương hiệu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, người dân sẽ có nhiều lựa chọn sản phẩm và thương hiệu vàng hơn. Ảnh tư liệu
Tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về việc tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; đồng thời, giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025 (Nghị định 24).
Bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng
Một trong những nội dung nổi bật tại dự thảo sửa đổi Nghị định 24 đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, đó là bãi bỏ khoản 3 Điều 4, theo đó, xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Thay vào đó, hoạt động sản xuất vàng miếng sẽ được chuyển sang mô hình kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp các giấy phép như: Giấy phép sản xuất vàng miếng, Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Từ bài học quá khứ, ngân hàng không nên sản xuất vàng
"Vai trò của ngân hàng nên giới hạn ở các hoạt động hỗ trợ thị trường như thu giữ, lưu trữ, bảo quản tài sản (custodial service) như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, khi mở ngân hàng tại Mỹ năm 2005, chúng tôi từng triển khai một khu vực chuyên biệt dành riêng cho dịch vụ này. Bên trong có các hộp ký gửi an toàn (deposit box), nơi khách hàng có thể cất giữ các loại giấy tờ quan trọng, tài sản có giá trị cao. Tại Mỹ, các ngân hàng thương mại không trực tiếp tham gia vào hoạt động mua, bán hay sản xuất vàng miếng, mà chỉ đóng vai trò là đơn vị phân phối hoặc cung cấp dịch vụ lưu trữ cho khách hàng". TS. Nguyễn Trí Hiếu
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, trong đó điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu. Cụ thể, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, còn tổ chức tín dụng có vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng trở lên.
Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, ông Đào Xuân Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối cho biết, tiến độ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được chỉ đạo sát sao, Ngân hàng Nhà nước chủ động lấy ý kiến rộng rãi.
"Chúng tôi hiện đang tổng hợp tất cả ý kiến đóng góp. Về cơ bản, chúng tôi nhận được đầy đủ các ý kiến và sẽ sớm xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ, cố gắng trước ngày 15/7 theo chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Tuấn nói.
Dự thảo sửa đổi hiện hướng tới xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối, trên thị trường sẽ có thêm thương hiệu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng. Nhờ đó, người dân sẽ có nhiều lựa chọn sản phẩm và thương hiệu vàng hơn, thị trường được tăng cường cạnh tranh, qua đó giảm thiểu tình trạng chênh lệch giá lớn giữa các loại vàng miếng.
Đồng tình với chủ trương sửa đổi Nghị định 24, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, bên cạnh đề xuất xóa bỏ cơ chế độc quyền về vàng miếng, dự thảo cần nhấn mạnh và quy định rõ việc bãi bỏ vai trò “thương hiệu vàng quốc gia” của SJC. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi không thể để một thương hiệu vàng có vị thế vượt trội và chiếm lĩnh thị trường kéo dài như thời gian qua.
"Các sản phẩm vàng miếng lưu thông trên thị trường nên được đánh giá và phân biệt dựa trên chất lượng, những chỉ số, chỉ tiêu định tính và định lượng về hàm lượng, độ tinh khiết... Việc dỡ bỏ khái niệm "thương hiệu vàng quốc gia" sẽ tạo điều kiện cho một thị trường minh bạch, công bằng và vận hành theo cơ chế thị trường" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Băn khoăn về ngưỡng vốn điều lệ và chồng chéo giấy phép
Dự thảo yêu cầu, ngoài giấy phép sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có thêm cả giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Góp ý về quy định điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều này là chưa hợp lý, bởi đây là hai loại hình hoạt động khác nhau. Theo đó, sản xuất là hoạt động trong khâu đầu của chuỗi cung ứng, còn mua bán là hoạt động thương mại.
"Việc gộp hai loại giấy phép vào một yêu cầu làm phát sinh hiện tượng “giấy phép lồng trong giấy phép”, gây tăng chi phí tuân thủ và thời gian làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp" - đại diện VCCI đánh giá.
Băn khoăn về ngưỡng vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp, theo VCCI, quy định này là quá chặt và là rào cản quá lớn, loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường. Hệ quả là chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện, dẫn đến nguy cơ thiếu cạnh tranh, không đa dạng hóa được nguồn cung, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người dân.
Đồng tình với việc mở rộng cho phép các doanh nghiệp có uy tín, năng lực tài chính và kỹ thuật được tham gia sản xuất vàng miếng, song TS. Nguyễn Trí Hiếu nhiều lần nhấn mạnh rằng, không nên cho phép các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất vàng miếng.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, sản xuất vàng không phải là chức năng của các tổ chức tín dụng, không phải nhiệm vụ cốt lõi của ngân hàng. "Trong quá khứ, khi các ngân hàng được phép huy động và cho vay vàng, thị trường đã chứng kiến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu nay ngân hàng lại được phép sản xuất vàng, không loại trừ những "biến tướng" tạo ra những hệ lụy tương tự như đã từng xảy ra trước đây" - ông Hiếu phân tích thêm.
Áp lực từ thiếu hụt nguồn cung và chênh giá kéo dài
Trước năm 2012, việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với khối lượng lớn đã tiêu tốn đáng kể nguồn ngoại tệ, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của quốc gia giảm xuống mức thấp kỷ lục. Còn suốt từ năm 2012 đến nay, từ khi triển khai Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thiếu hụt nguồn cung kéo dài diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh, khiến giá vàng trong nước thường xuyên vượt xa giá thế giới, có thời điểm chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Thống kê của phóng viên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá vàng giao ngay đạt mức 3.336 USD/ounce, tăng gần 700 USD/ounce, tương đương 26,4% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn, nới rộng khoảng cách so với giá thế giới, với mức tăng 42%, tương đương 35,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra, được niêm yết ở mức 117,5 - 119,5 triệu đồng/lượng.
Để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, giải pháp căn cơ là phải đảm bảo nguồn cung vàng dồi dào và ổn định cho thị trường. "Điều tốt nhất là giúp hai thị trường trong và ngoài nước liên thông với nhau, có nguồn cung dồi dào, giá vàng có thể phản ánh sát với biến động toàn cầu sẽ giúp giảm khoảng cách" - ông Hiếu kỳ vọng.
Nếu khoảng chênh lệch giá được thu hẹp, cơ hội trục lợi từ đầu cơ và buôn lậu sẽ giảm đáng kể, dù không thể bị loại bỏ hoàn toàn, qua đó góp phần tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự ổn định và minh bạch của thị trường vàng Việt Nam.
Ánh Tuyết