Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, rác vũ trụ có thể dẫn đến một thảm họa tiềm tàng được gọi là hội chứng Kessler, một hiện tượng có thể khiến việc rời khỏi Trái đất trở nên vô cùng khó khăn.
Theo Newsweek, rác vũ trụ bao gồm các vệ tinh không hoạt động, tầng tên lửa đã qua sử dụng và hàng nghìn mảnh vỡ nhỏ do va chạm hoặc nổ trong không gian tạo ra. Sự hiện diện ngày càng nhiều của những vật thể này đã biến quỹ đạo Trái đất thành một khu vực đầy rủi ro. Với sự phát triển của ngành công nghiệp không gian, đặc biệt là sự gia tăng mạnh mẽ số lượng vệ tinh được phóng lên từ các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ, tình hình đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Hiện có nhiều rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất hơn bao giờ hết từ trước tới nay - Ảnh: Getty
Hội chứng Kessler
Hội chứng Kessler, do nhà khoa học Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) Donald J. Kessler đưa ra năm 1978, mô tả một kịch bản trong đó mật độ rác vũ trụ đạt đến điểm bùng phát, tạo ra một chuỗi va chạm không ngừng. Một vụ va chạm trên quỹ đạo sẽ tạo ra thêm nhiều mảnh vỡ, những mảnh vỡ này tiếp tục va chạm với các vật thể khác, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Khi đó, quỹ đạo Trái đất trở thành một "bãi mìn không gian", gây nguy hiểm cho mọi hoạt động vũ trụ.
Tình huống này không chỉ là một mối lo ngại lý thuyết. Hiện tại, số lượng vật thể trên quỹ đạo Trái đất đã vượt qua ngưỡng an toàn, và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta đang tiến gần đến kịch bản của hội chứng Kessler hơn bao giờ hết. Nếu không có biện pháp can thiệp quyết liệt, hậu quả có thể kéo dài hàng chục năm hoặc thậm chí hàng thế kỷ, làm gián đoạn hoặc hủy hoại khả năng thám hiểm không gian của nhân loại.
Những hậu quả này không chỉ giới hạn trong không gian. Trên Trái đất, nhiều lĩnh vực phụ thuộc vào vệ tinh sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Viễn thông, internet, hệ thống định vị GPS, dự báo thời tiết và thậm chí cả ngành hàng không đều đối mặt với nguy cơ gián đoạn nếu các vệ tinh gặp sự cố do va chạm hoặc không thể hoạt động an toàn. Những mất mát này sẽ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy yếu khả năng ứng phó của con người trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và thiên tai.
Kiểm soát rác thải không gian
Các tổ chức trên thế giới đã bắt đầu triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu rác vũ trụ. Một trong những bước tiến lớn là việc áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về quản lý vệ tinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2022, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã đưa ra yêu cầu các vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) phải rời khỏi quỹ đạo trong vòng năm năm sau khi hoàn thành sứ mệnh, thay vì 25 năm như trước đây. Tương tự, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đã giảm thời gian tối đa các vệ tinh ở quỹ đạo sau khi ngừng hoạt động xuống còn 5 năm.
Ngoài ra, các công nghệ hiện đại cũng đang được phát triển để chủ động loại bỏ rác vũ trụ khỏi quỹ đạo. Những giải pháp như lưới bắt, lao móc và cánh buồm kéo đang được thử nghiệm, nhằm thu gom hoặc đưa các vật thể nguy hiểm ra khỏi khu vực có mật độ vệ tinh cao. Đồng thời, các hệ thống tránh va chạm tự động và nhận thức tình huống không gian (SSA) đang được triển khai để theo dõi và dự đoán vị trí của các vật thể trên quỹ đạo, từ đó giúp ngăn chặn các vụ va chạm tiềm tàng.
Ví dụ điển hình về tác động của rác vũ trụ là dự án Starlink của SpaceX. Với gần 7.000 vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo, Starlink đóng góp đáng kể vào mật độ vật thể trong không gian. Dù dự án mang lại lợi ích lớn trong việc cung cấp internet toàn cầu, nhưng cũng làm tăng nguy cơ va chạm. SpaceX đã triển khai các biện pháp giảm thiểu, bao gồmcả việc thiết kế vệ tinh có khả năng tự động tránh va chạm và sử dụng quỹ đạo thấp để đảm bảo rằng các vệ tinh sẽ tự phân hủy sau khi hết thời gian hoạt động. Tuy nhiên, với quy mô lớn, những nỗ lực này vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Một điểm sáng là sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề rác vũ trụ. Các tổ chức như Ủy ban Phối hợp mảnh vỡ không gian liên cơ quan (IADC) và sáng kiến không gian sạch của ESA đang thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu và xử lý rác vũ trụ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, cần có sự cam kết và hành động đồng bộ từ tất cả các quốc gia và tổ chức tham gia vào hoạt động không gian.
Không gian từng là biểu tượng của sự vô hạn và tinh thần khám phá của con người. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được vấn đề rác vũ trụ, giấc mơ vươn xa của nhân loại có nguy cơ bị giới hạn mãi mãi trên Trái đất. Hội chứng Kessler không chỉ là một mối đe dọa đối với ngành công nghiệp không gian mà còn là một lời nhắc nhở rằng những hành động của con người trong không gian có thể có hậu quả lâu dài. Để tránh viễn cảnh tồi tệ này, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ, không chỉ thông qua các biện pháp công nghệ mà còn bằng cách xây dựng ý thức trách nhiệm và hợp tác toàn cầu.
Hoàng Vũ