Quốc gia nào sản xuất nhiều vàng nhất thế giới?

Quốc gia nào sản xuất nhiều vàng nhất thế giới?
15 giờ trướcBài gốc
Ai khai thác vàng?
Nam Phi đồng nghĩa với vàng, và nói chung, quốc gia này từng được coi là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay không phải như vậy nữa. Vốn là nơi chiếm giữ gần một phần ba sản lượng vàng trên thế giới và từng sản xuất 1.000 tấn vàng mỗi năm trong những năm 1970, Nam Phi giờ đây chỉ khai thác được khoảng 270 tấn/năm.(1)
Trong nửa cuối năm 2007, Nam Phi lần đầu tiên bị Trung Quốc vượt qua, và Trung Quốc giờ đây là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Quả thực, sản lượng của Nam Phi đã sụt giảm khoảng 5,6%/năm trong thập niên vừa qua. Tương tự, Australia, từng tăng sản lượng trong những năm 1990 song hiện nay sản lượng của họ cũng sụt giảm.
Tuy nhiên, vàng vẫn rất quan trọng với nền kinh tế Nam Phi. Theo số liệu của Phòng Khai mỏ Nam Phi, lĩnh vực này vẫn tạo công ăn việc làm cho khoảng 160.000 người. Về vấn đề có bao nhiêu người ngày càng phụ thuộc vào ngành khai thác vàng thì đây là một câu hỏi tương đối khó.
Người ta cho rằng có khoảng 5 triệu người phụ thuộc vào 458.600 người đang làm việc trong mọi lĩnh vực khai mỏ - tỷ lệ gần 11/1. Nói chung, con số này bị các cuộc hôn nhân đa thê làm cho lẫn lộn song con số trung bình là khoảng 5-12 người phụ thuộc vào một công nhân ngành mỏ. Trên thực tế, có khoảng 1.500.000 người sống nhờ vào mức lương từ ngành khai thác vàng ở Nam Phi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.
Không có gì ngạc nhiên khi tương tự con số sản lượng, tỷ lệ việc làm đã và đang giảm trung bình khoảng 8%/năm trong 5 năm qua. Trong thời kỳ đỉnh cao là năm 1987, tờ Vàng ở Nam Phi đưa tin có 530.622 việc làm trong ngành này. Tại Nam Phi, vàng đem lại nguồn thu lớn thứ hai từ xuất khẩu sau các kim loại nhóm bạch kim (hay “PGM” vì chúng thường được nói đến nhiều hơn).
Vậy chính xác là những nước này sản xuất gì trong năm 2007? Hãy xem Bảng 1-1. GFMS ước tính tổng sản lượng khai thác toàn cầu là 2.475,9 tấn trong năm 2007. Các công ty hàng đầu khai thác kim loại này dựa theo tiêu chí toàn cầu được liệt kê trong Bảng 1-2.
Khái niệm lãng mạn về khai thác vàng là loại kim loại này được tìm thấy ở dạng cục vàng lấp lánh. Tuy nhiên, sự thực lại ít hứng thú hơn khi các công ty buộc phải loại bỏ hàng loạt hợp chất để có được loại khoáng sản này.
Hai dạng khai thác chính là khai thác mỏ lộ thiên và khai thác hầm lò. Loại khai thác lộ thiên phổ biến ở Bắc Mỹ và Australia còn khai thác hầm lò thì thường gặp ở Nam Phi. Tuy nhiên, một số mỏ ban đầu là khai thác lộ thiên do tương đối dễ tiếp cận nhưng sau đó phải chuyển xuống khai thác sâu trong lòng đất vì mỏ cạn dần.
Vàng được khai thác cách từ đây hàng nghìn năm - với một số chứng tích cho thấy người Ai Cập đã khai thác vàng trong lòng đất từ năm 2000 TCN và các con sông bị “chiếm đoạt” để đãi vàng thậm chí còn xuất hiện sớm hơn. Trong vài nghìn năm qua, các dạng thức khai thác vàng lộ thiên và khai thác hầm lò ít có thay đổi về bản chất.
(1). Cả cuốn sách này, tôi sử dụng tấn (tonnes) hơn là tấn (tons) để nói về tấn khối (1.000 kg) do thuật ngữ này được sử dụng trên toàn cầu trong thị trường vàng, và bởi cách phát âm ton dễ gây hiểu nhầm; nó có thể là tấn khối, tấn Mỹ hoặc tấn Anh - là ba đơn vị đo khối lượng khác nhau. Tuy nhiên, thuật ngữ tonne không gây hiểu lầm vì nó luôn nói về tấn khối.
Jonathan Spall/Alphabooks – NXB Thế Giới
Nguồn Znews : https://znews.vn/quoc-gia-nao-san-xuat-nhieu-vang-nhat-the-gioi-post1521016.html