Hiện thức hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp cho người thu nhập thấp

Hiện thức hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp cho người thu nhập thấp
3 giờ trướcBài gốc
Giấc mơ an cư lạc nghiệp của hàng triệu người dân thu nhập thấp không chỉ là một khát vọng cá nhân, mà còn là nhu cầu cấp thiết của xã hội. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đầy biến động, việc tiếp cận nhà ở, thực hóa ước mơ này trở thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý 3/2024, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 42.414 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 131 dự án với quy mô 111.687 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư có 412 dự án với quy mô 411.076 căn.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng, nhiều người dân nghèo chưa thể tiếp cận nhà ở. Đặc biệt, rất nhiều khó khăn tồn tại trong xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
"Thời gian qua, hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Dù vậy. quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ đã chỉ đạo các Viện nghiên cứu tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nghiên cứu vật liệu xây dựng mới cũng như xây dựng các mẫu thiết kế điển hình về nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, hiệu quả; các đơn vị chức năng thuộc Bộ tích cực rà soát, xây dựng, cập nhật bổ sung các cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà ở xã hội nói riêng, nhà ở nói chung, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý ngành.
Về phía các địa phương, đề nghị nghiên cứu, bố trí ngân sách khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở.
Đồng thời, các địa phương bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do vậy đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Đề án".
"Hiện băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được.
Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.
Cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê.
Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội".
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội".
"Ngoài mua nhà ở xã hội, việc thuê nhà ở xã hội cũng là lựa chọn của nhiều hộ gia đình thu nhập thấp. Theo Luật Nhà ở sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.
Hiện Tổng liên đoàn đã thí điểm dự án 244 căn nhà ở xã hội cho thuê ở Hà Nam và mô hình được người lao động quan tâm. Hiện người lao động nộp hồ sơ đăng ký nhiều, nhưng quỹ căn hạn chế.
Từ thực tế thí điểm, đã rút ra vài yếu tố quan trọng khiến phân khúc cho thuê được quan tâm. Cụ thể, không như mua, người lao động có thể tiếp cận ngay được với phương án thuê. An ninh an toàn được đảm bảo, giảm tệ nạn nhà xã hội, điều này được chính quyền, công an khu vực phản ánh. Cùng với đó, người lao động rất vui, hào hứng với môi trường sạch sẽ, an toàn, có sân chơi cho các cháu…".
"Thị trường bất động sản hiện nay đang có nguồn cung tương đối thấp. Trong khi đó mặt bằng chung giá bán vẫn ở mức neo cao, căn hộ chung cư có có xu hướng tăng mạnh tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Để hạ nhiệt giá bán, nhiều chủ đầu tư đã tham gia vào phát triển một số dự án làm tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, giá bình dân và nhà ở xã hội. Chính phủ cũng có động thái quan tâm khi phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Mặc dù đã có nhiều động thái hỗ trợ, song việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn bởi tình trạng quỹ đất sạch còn khan hiếm; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập; quy trình phê duyệt thủ tục còn nhiều hạn chế, trong đó thời gian chờ lên tới 2-3 năm.
Để thúc đẩy hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn riêng cho người mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ nhà ở với vai trò hỗ trợ chủ đạo là Nhà nước, không phải ngân hàng thương mại; nâng mức cho vay lên mức 500 – 700 triệu đối với các tỉnh và 1 tỷ đồng đối với thành phố trực thuộc trung ương. Với các dự án đã được phê duyệt chủ đầu tư có thể được tự động tiếp cận nguồn vốn vay. Nên bỏ qua các quy trình về thẩm định, cho phép doanh nghiệp dùng phương pháp hậu kiểm, tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, đối với lãi suất cho vay, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay xuống dưới 5% để phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, cần đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch vì ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.
Thứ tư, có cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho dự án thương mại nếu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, giống các chính sách những năm 2013, 2014 về đất, vốn và quy trình thủ tục.
Thứ năm, các quy định về thẩm định, thẩm tra đối với giá bán, lợi nhuận và đối tượng mua nên chú trọng hậu kiểm và trách nhiệm hình sự. Chính phủ chỉ tạo ra quy định, các đối tượng tham gia phải thực thi đúng.
Thứ sáu, thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội với vai trò chủ đạo là Nhà nước (chủ trương, đất, vốn…) nhằm mục đích an sinh xã hội và điều tiết nhu cầu. Trường hợp cần hỗ trợ từ doanh nghiệp thì phải tạo điều kiện tối đa cho họ.
Các địa phương cần phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là bắt buộc, phù hợp và tương xứng với quy trình phát triển đô thị, dân số; phát triển nhà ở xã hội phải được chuyển sang tư thế chủ động, quyết liệt thay cho thụ động, chờ đợi như hiện tại. Hơn hết, nên vinh danh các chủ đầu tư, địa phương có cống hiến và làm tốt những nhiệm vụ này".
Mỹ Linh
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-lac-nghiep-cho-nguoi-thu-nhap-thap-post556119.html