Xuân mới Ất Tỵ 2025 có gì mới? Câu hỏi quen thuộc đặt ra vào lúc này vang lên nhiều cung bậc cảm xúc. Từ chuyện thế giới, trong nước đến chuyện Bắc Giang quê hương ta. Từ những “làng quan họ quê tôi” tự xa xưa nay trở thành nông thôn mới kiểu mẫu ở Ngọc Vân, Ngọc Lý, Liên Sơn (Tân Yên), Minh Đức, Tự Lạn (Việt Yên)... đến làng công nghiệp hiện đại ở Việt Yên sản xuất những sản phẩm công nghệ đỉnh cao - chíp bán dẫn, đều rạo rực niềm vui mới. Chưa thật rõ hình hài, nhưng suốt thời gian qua đến đâu cũng nghe nhắc đến ba chữ “kỷ nguyên mới”. Người cẩn thận thì nói có bài bản hơn, rằng chúng ta đang trong chặng đường nước rút để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Khúc ca dâng Đảng.
Tôi nhớ lại không khí năm đầu Đổi mới, cách đây gần 40 năm, năm Đại hội VI của Đảng ta, khởi đầu canh tân đất nước thời hiện đại. Lúc ấy gặp nhau cũng có cảm xúc như hôm nay. Có gì mới? Mới hơn cả những điều mới từ trước đến nay, đó là Đổi Mới - một động từ và cũng là một danh từ viết hoa. Đổi mới đem đến sự đổi thay kỳ diệu của đất nước, sự đổi đời cho toàn dân tộc. Đoạn tuyệt với cách làm ăn cũ, phù hợp với thời chiến nhưng lại là lực cản khi đất nước bước vào dựng xây, lấy hiệu quả, giá trị kinh tế, đời sống nhân dân khá giả làm mục tiêu, động lực chính. Đảng ta đã tổng kết các chặng đường 10 năm, 20 năm, 30 năm và gần nhất, Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Vậy là, khi bước vào kỷ nguyên mới, đất nước ta đã có được nền tảng, điểm tựa vững vàng. Có bột mới gột nên hồ. Có được cơ đồ hôm nay là bao phấn đấu, hy sinh, bao trí tuệ được khơi nguồn, chưng cất, bao mồ hôi và máu xương đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống. Nhìn xa hơn lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX, có hai kỷ nguyên sáng chói góp phần định hình cơ đồ, dáng vóc một đất nước bên bờ sóng đang vươn mình mạnh mẽ. Đó là “Kỷ nguyên Đứng dậy” Độc lập dân tộc, xây dựng CNXH (1930 - 1975); “Kỷ nguyên Đi tới” Thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025). Từ mùa xuân này là chặng nước rút để chúng ta bước vào “Kỷ nguyên Vươn mình”, bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng.
Trở lại câu hỏi xuân nay có gì mới? Ấn tượng đầu tiên là chúng ta đã bước vào một năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại: Đảng ta 95 mùa xuân; đất nước Việt Nam mới 80 năm trong dòng chảy mấy nghìn năm lịch sử; nửa thế kỷ miền Nam hoàn toàn giải phóng; các tổ chức đảng trong cả nước tiến hành đại hội để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đại hội này không chỉ tổng kết 40 năm đổi mới mà còn có sứ mệnh lớn là nhìn lại những dấu son lịch sử, dự báo những bước phát triển khi Đảng ta tròn 100 tuổi, khi bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào có tuổi đời tròn thế kỷ. Nhìn sâu vào quá khứ, nhìn xa vào tương lai là phương pháp luận khoa học, vừa có giá trị lý luận vừa mang ý nghĩa thực tiễn của một chính đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn và đổi mới gắn liền với sáng tạo. Những điều mới mẻ, lớn lao ấy tiếp thêm cho chúng ta nghị lực, niềm tin, thấy rõ thời cơ, chớp thời cơ và chuẩn bị tinh thần, lực lượng vượt qua khó khăn, thách thức.
Thế giới trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI tiếp tục trải qua những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991, tưởng đâu sóng đã yên, biển đã lặng, nhưng rồi chiến tranh nóng, xung đột vũ trang lan rộng, nóng nhất là “chảo lửa” Trung Đông, lại xuất hiện kiểu “chiến tranh lạnh mới”, “chiến tranh ủy nhiệm”. Nhìn tổng thể thế giới hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể hòa hoãn nhưng cục bộ có căng thẳng; tổng thể ổn định nhưng cục bộ có xung đột. Với đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Nội lực bền, ngoại lực mạnh là điều kiện rất quan trọng khi bước vào kỷ nguyên mới, với ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao.
Xuân mới, ngày mới, niềm vui mới và những ý tưởng, việc làm mới đang đến, đang được hình dung trong mỗi cộng đồng, mỗi con người. Hình dung một cách lạc quan sẽ cho ta tầm nhìn xa rộng trong một thế giới phẳng hơn, rộng hơn bởi tri thức con người.
Những thành tựu Đổi mới là vô cùng to lớn, quyết định sự thay đổi của đất nước. Vẫn biết, cùng với dòng trong là dòng đục. Còn lắm sóng ngầm, còn nhiều trở ngại, yếu kém trong quá trình đi tới. Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, bài nói đã nhấn mạnh và yêu cầu, hãy bắt tay ngay vào làm những công việc cụ thể, hữu ích. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định rất bài bản, khoa học, đã và thành công ở các mức độ khác nhau. Nay không phải là “làm lại” mà là kế thừa, “làm mới”. Cụ thể là xây dựng, chỉnh đốn đảng thì làm mới cái gì? Làm mới cả ở tinh thần, ý thức trách nhiệm, mở rộng một số lĩnh vực mà lâu nay chưa chú ý, hoặc khó quá.
Trung ương đã chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực, phải không ngừng, không nghỉ, đi liền với chống lãng phí, không để kéo dài tình trạng “nước lã ra sông”, “bóc ngắn cắn dài”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh, chống lãng phí cần được chú trọng, đặt ngang với chống tham nhũng. Lãng phí tiền của, nhân lực, chất xám, lãng phí thời gian là những chuyện thường ngày, ta vẫn gặp trong xã hội và trong mỗi gia đình, trong chính mỗi con người. Cứ để tình trạng công trình nghìn tỷ phơi mưa phơi nắng cả chục năm chưa thể đưa vào sử dụng thì điều đó còn nặng hơn hai chữ “khuyết điểm”, có người bảo đó là tội ác cũng không quá!
Muốn làm ăn cho có hiệu quả phải bắt đầu từ cơ chế, chống “điểm nghẽn của điểm nghẽn” từ chỗ này. Rồi đây, chúng ta sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho việc hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một vấn đề cốt lõi để kiện toàn bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả là giảm đầu mối, tinh giản biên chế, đòi hỏi cán bộ, nhất là người đứng đầu phải hy sinh, gương mẫu. Tinh thần hy sinh thể hiện ở chỗ “không nói không, không nói khó” khi được giao việc khó. Khó mới cần đến tài năng, sáng tạo. Đương nhiên nói và làm thường có khoảng cách, người ta tìm cách làm mờ khoảng cách ấy bằng sự né tránh, đùn đẩy. Thế nên mới cần có cơ chế cụ thể, có giám sát chặt chẽ. Đúng như một nhà văn nước ngoài đã nói: “Một nền chính trị vững mạnh, một nền văn hóa tiên tiến của mỗi quốc gia nằm trong chính tâm hồn và trái tim của nhân dân”.
Xuân mới, ngày mới, niềm vui mới và những ý tưởng, việc làm mới đang đến, đang được hình dung trong mỗi cộng đồng, mỗi con người. Hình dung một cách lạc quan sẽ cho ta tầm nhìn xa rộng trong một thế giới phẳng hơn, rộng hơn bởi tri thức con người. Tất nhiên, thế giới hôm nay còn chưa phẳng hoàn toàn, còn những vùng tranh tối tranh sáng. Đó là điều đòi hỏi mỗi con người, mỗi dân tộc phải vươn lên, bước vào kỷ nguyên mới với niềm tin, niềm tự hào và khát vọng hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của dân tộc: Hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng.
Hải Đường