Một cảnh trong MV "See tình" của Hoàng Thùy Linh.
Dấu ấn âm nhạc không biên giới
Mới đây, MV (video âm nhạc) “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt ngày 1-3 bất ngờ lọt Top 1 MV “Best Debut” (MV ra mắt ấn tượng nhất và Top 1 “Song Best Debut” (Ca khúc ra mắt ấn tượng nhất)... Trước đó, chỉ 1 ngày sau khi ra mắt, MV “Bắc Bling” đã nhanh chóng leo lên bảng xếp hạng thịnh hành YouTube; lọt Top 4 MV được xem nhiều nhất thế giới; lọt Top 18 Music Video Trending toàn cầu. Sản phẩm cũng có thứ hạng cao tại các bảng xếp hạng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Australia...
Lý giải về sự thành công bất ngờ của MV “Bắc Bling”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho biết, sản phẩm âm nhạc này gây ấn tượng nhờ giai điệu "bắt tai", kết hợp nhiều chất liệu sáng tác, từ rap cho đến âm hưởng dân gian như xẩm, chèo, quan họ. Hình ảnh trong MV ấn tượng, được quay tại các địa điểm nổi tiếng tại Bắc Ninh... “Việc khai thác kho tàng văn hóa dân gian, những làn điệu truyền thống hợp lý trong một ca khúc hiện đại đã tạo nên sự chấm phá rất riêng. Điều này cho thấy, văn hóa truyền thống là nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sĩ có thể sáng tạo những sản phẩm mang hơi thở thời đại” - ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Không chỉ có MV “Bắc Bling” trở thành hiện tượng trên các bảng xếp hạng trong thời gian ngắn, ca khúc “Tái sinh” của nhạc sĩ Tăng Duy Tân do ca sĩ Tùng Dương giới thiệu vào tháng 11-2024 lập tức "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, Theards... và bất ngờ giành vị trí Top 1 Trending Music của YouTube ở thời điểm đó. Sức lan tỏa mạnh của ca khúc này không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn tại Trung Quốc. Một số ca sĩ Trung Quốc đã viết lời Trung cho ca khúc này và hát trên nền tảng mạng xã hội. Trước đó, ca khúc “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh không chỉ "dậy sóng" trong nước mà còn liên tục “gây bão” mạng xã hội quốc tế khi trở thành một trào lưu được đông đảo người dùng cũng như các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới hưởng ứng nhiệt tình.
Không chỉ có những sản phẩm âm nhạc đơn lẻ tạo xu hướng mới, gần đây, nhiều ca sĩ Việt thực hiện những sản phẩm âm nhạc lớn, các đêm nhạc riêng tại nước ngoài như một xu hướng tiếp cận khán giả kiều bào và quốc tế, góp phần giao lưu văn hóa và quảng bá hình ảnh nghệ sĩ Việt. Điển hình như trong năm 2024, ca sĩ Tuấn Hiệp thực hiện album đĩa than “Như gió heo may” phát hành trong nước và cộng đồng người Việt tại Mỹ. Công ty TKO Concert tổ chức đêm nhạc thường kỳ của các ca sĩ Việt Nam tại Nhật Bản, như đêm nhạc cho ca sĩ Văn Mai Hương tại nhà hát Hulic Hall vào ngày 20-4; đêm nhạc ca sĩ Ngô Kiến Huy với Fan Meeting in Tokyo vào ngày 15-6 và Bằng Kiều - Live in Tokyo ngày 27-9.
Hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài nổi bật trong thời gian qua phải kể đến ca sĩ Hà Anh Tuấn với hai đêm nhạc được tổ chức tại Nhà hát Esplanade (Singapore) ngày 11 và 12-6-2024 với chủ đề “Sketch a Rose” - lấy cảm hứng từ vở kịch nổi tiếng “Tin ở hoa hồng” của Lưu Quang Vũ, thu hút hơn 3.200 khán giả. Chuỗi dự án âm nhạc của Hà Anh Tuấn tiếp tục được thực hiện tại Nhà hát Opera Sydney (Australia) vào ngày 29-9-2024 tạo tiếng vang khi thu hút hơn 2.600 khán giả. Mới đây nam ca sĩ tuyên bố sẽ mang concert “Sketch a Rose” đến Nhà hát Dolby Theatre (Mỹ) - nơi tổ chức lễ trao giải Oscar hằng năm và quy tụ những gương mặt nổi tiếng hàng đầu thế giới vào tháng 10-2025. Hay ca sĩ Mỹ Tâm cũng mới công bố sẽ thực hiện liveshow “My Soul 1981” tại Mỹ vào tháng 12 năm nay. Đây là lần đầu tiên giọng ca gốc Đà Nẵng mang show ra nước ngoài. Chia sẻ về ý tưởng này, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết, các đêm diễn của cô ở trong nước được nhiều khán giả từ nước ngoài về ủng hộ, vì thế, cô muốn tổ chức đêm nhạc ở Mỹ để tri ân khán giả kiều bào.
Tạo sự bứt phá cho công nghiệp văn hóa
Không phải bây giờ việc đưa nhạc Việt vươn ra thế giới mới được thực hiện, cách đây hơn 20 năm, các nghệ sĩ Việt Nam đã ôm ấp giấc mơ xuất khẩu âm nhạc ra thế giới để quảng bá văn hóa, nghệ thuật nước nhà và tạo được thị trường riêng.
Từ năm 2003, lần đầu tiên một sản phẩm âm nhạc của Việt Nam được xuất khẩu ra thị trường quốc tế là album “Hồng Hạnh - First Memorial Concert” với các ca khúc bất hủ của Nhật được thể hiện bằng tiếng Việt. Tiếp đó, album “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart”, “Coming to America” xuất khẩu sang Nhật và Mỹ của ca sĩ Mỹ Linh. Sau đó, hàng loạt nghệ sĩ Việt tiếp tục nối gót thực hiện giấc mơ đưa âm nhạc vượt biên giới, đó là Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường, Lam Trường, Đức Tuấn... với các dự án tấn công thị trường băng đĩa Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Canada... Nghệ sĩ trẻ thế hệ mới sau này được xem là khá thành công ở thị trường nước ngoài phải kể đến Chi Pu, nổi lên nhờ tham gia chương trình “Chị đẹp đạp gió” tại Trung Quốc. Chi Pu là nghệ sĩ Việt hiếm hoi đang tạo dựng sự nghiệp riêng tại đất nước đông dân nhất thế giới, được tham gia nhiều chương trình giải trí cũng như các chương trình âm nhạc do các đài truyền hình lớn của Trung Quốc sản xuất.
Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng số, nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã nỗ lực kết nối, quảng bá các sản phẩm âm nhạc Việt trên các nền tảng số như album “The Tales” của ba giọng ca Mai Khôi, Thủy Tiên, Lê Hiếu trên Amazon; nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bán “Ru rừng”, “Hạ trắng”, “Body and soul”, “Drifting Blossoms Floating Clouds” trên eBay, CDBaby...
Là người đau đáu với giấc mơ xuất khẩu nhạc Việt ra quốc tế, từng đưa chương trình “Đường xa vạn dặm” tới Nhật Bản vào năm 2004, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Việt Nam có nhiều giọng ca chất lượng không thua kém gì so với các ca sĩ hàng đầu của nhiều nước có kim ngạch xuất khẩu âm nhạc lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines... Còn theo nhạc sĩ Lưu Quang Minh, thị trường âm nhạc Việt Nam có rất nhiều nguyên liệu hấp dẫn với khán giả quốc tế, chẳng hạn như chất liệu âm nhạc dân gian đa dạng.
Được nhận diện có nhiều tài nguyên âm nhạc có thể tạo nên thị trường rộng lớn vươn ra thế giới nhưng theo các chuyên gia âm nhạc, dù Việt Nam đã có không ít sản phẩm âm nhạc, có nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại các thị trường nước ngoài nhưng vẫn không có nhiều sản phẩm tạo được sức ảnh hưởng lớn. Đa số những chương trình biểu diễn ở nước ngoài mang màu sắc quảng bá văn hóa, du lịch trong hoạt động ngoại giao; hoặc các sản phẩm âm nhạc mới dừng ở việc phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Phương Đông (Hot Panda Media - đơn vị đưa những sản phẩm của ca sĩ Việt ra thị trường nước ngoài), thực tế một số bài hát Việt Nam nổi ở thế giới nhưng nghệ sĩ Việt sau bài hát đó không bật lên được. “Vấn đề không chỉ nằm ở một bài hát mà là việc nghệ sĩ phải tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu và những sản phẩm âm nhạc chất lượng có tính bền vững để người nghe nhạc theo dõi các hoạt động của nghệ sĩ đó. Ngoài ra, một trong những hạn chế của nghệ sĩ Việt đó là rào cản về ngôn ngữ và thiếu một đội ngũ có tác phong làm việc bài bản, chuyên nghiệp để xây dựng chiến lược lâu dài” - ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ.
Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, quan trọng nhất của nghệ sĩ khi ra môi trường quốc tế là phải có sản phẩm chất lượng đáp ứng thị hiếu công chúng quốc tế, cá tính âm nhạc rõ nét, mang được thương hiệu riêng.
Với sự vận động không ngừng của cuộc sống, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống trong đó có hoạt động văn hóa, giải trí. Thị trường nhạc Việt đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức lớn để bắt kịp với xu thế chung cũng như tìm lối đi bền vững để tiếp cận với thị trường quốc tế. Nếu biết tận dụng lợi thế đang có, khai thác tốt tài nguyên âm nhạc dân tộc giàu bản sắc, hình thành cộng đồng nghệ sĩ năng động, sáng tạo, Việt Nam có thể hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu âm nhạc một cách thường xuyên và bền vững.
Hoàng Bình Phương