Quang cảnh Hội nghị tập huấn vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với tinh thần khẩn trương, đồng bộ, toàn diện, thực chất, hiệu quả, có sản phẩm, tiến độ rõ ràng... gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Thành Công - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Từ ngày 1/7, bắt đầu triển khai hệ thống thống nhất cho tỉnh Lâm Đồng đã kết nối liên thông với dịch vụ công quốc gia công khai 2.225 thủ tục, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công liên thông… Đã tạo 5.397 tài khoản cho 166 đơn vị, công khai địa chỉ trụ sở và số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, xã. Tính đến ngày 11/7, tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 14 về tình hình tiếp nhận xử lý hồ sơ tại các đơn vị cấp tỉnh và xếp thứ 13 đối với hồ sơ nộp ở UBND cấp xã được ghi nhận trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với hệ thống văn phòng điện tử, từ ngày 1/7 triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành thống nhất cho toàn tỉnh Lâm Đồng. Hệ thống đã liên thông nội tỉnh, liên thông với trục văn bản quốc gia qua nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); đã khai báo hoàn thành cho 145 đơn vị cấp tỉnh, xã với gần 22.600 tài khoản người dùng. Số lượng văn bản gửi, nhận trung bình hơn 8.000 văn bản/ngày. Ngoài ra, đã triển khai hướng dẫn và thực hiện thay đổi thông tin, cấp mới chữ ký số cho 16 đơn vị cấp tỉnh và 124 phường, xã, đặc khu, đến nay có gần 2.800 chữ ký số...
Tháo gỡ “nút thắt”
Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn gặp không ít khó khăn. Quy trình xử lý chưa đồng bộ, cần điều chỉnh, cấu hình để phù hợp với tình hình thực tế của các đơn vị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Bên cạnh đó, người dân chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chưa cao. Do đó, cán bộ tại bộ phận một cửa các cấp vừa phải tiếp nhận, xử lý hồ sơ, vừa phải hướng dẫn người dân thao tác từ đầu, gây quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian giải quyết.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Võ Thành Công, nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình vận hành hệ thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều đợt tập huấn thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp. Hiện nay, tỉnh tiếp tục tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên sâu dành cho cán bộ cấp xã, phường, Đặc khu Phú Quý nhằm đảm bảo tất cả cán bộ, công chức ở cấp cơ sở được tiếp cận và sử dụng hiệu quả hệ thống.
Về kết nối chia sẻ, đồng bộ dữ liệu, tỉnh đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp tổng thể để nâng cấp, tối ưu hóa Cổng dịch vụ công Quốc gia và ứng dụng VNeID, đảm bảo tính ổn định khi đăng nhập đồng loạt, giảm thiểu lỗi đăng nhập và xác thực. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin ở các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế làm chậm quá trình chuyển đổi số ở những khu vực này. Do đó tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí phát triển hạ tầng cho các xã vùng sâu, vùng xa.
THU HÀ