Hiện tượng 'ngồi đồng' và ứng xử từ chủ quán (*): Cơ hội đổi mới mô hình kinh doanh

Hiện tượng 'ngồi đồng' và ứng xử từ chủ quán (*): Cơ hội đổi mới mô hình kinh doanh
một ngày trướcBài gốc
Ở góc độ kinh tế, mỗi mét vuông không gian và mỗi giờ hoạt động của quán cà phê đều gắn liền với các loại chi phí cụ thể.
Quán tấp nập mà lợi nhuận thấp
Quán cà phê phải gánh chịu các chi phí cố định như mặt bằng, khấu hao, quản lý và các chi phí biến đổi gồm nguyên vật liệu, điện nước, wifi, nhân sự... Khi khách hàng chiếm dụng chỗ ngồi nhiều giờ với mức chi tiêu thấp, hiệu suất sử dụng tài sản (chỗ ngồi) của quán sụt giảm nghiêm trọng. Điều này khiến doanh thu trên mỗi mét vuông hoặc mỗi ghế/giờ ở mức rất thấp.
Vào giờ cao điểm, tình trạng này sẽ tạo ra chi phí cơ hội lớn khi quán bỏ lỡ doanh thu từ những khách hàng tiềm năng, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nhưng không tìm được chỗ. Áp lực này càng đè nặng lên các quán quy mô vừa và nhỏ, nơi dòng tiền và vòng quay vốn là yếu tố sống còn. Việc duy trì lượng lớn khách "trung thành" nhưng ít đóng góp doanh thu dễ dẫn đến tình trạng "đông giả tạo" - quán có vẻ tấp nập nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ do chi phí không được quản lý hiệu quả.
Để ứng phó, một số chủ quán buộc phải dùng các biện pháp không mong muốn, như: hạn chế tiện ích (wifi, ổ cắm) hoặc tăng giá gián tiếp. Tuy nhiên, những giải pháp này nếu thiếu khéo léo thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của khách hàng và làm tổn hại đến hình ảnh thương hiệu của quán.
Các nhà kinh doanh cà phê cần phân chia khách hàng và không gian cho phù hợp. Ảnh: NGỌC HÀ
Phân chia khách hàng và không gian
Thay vì nhìn nhận khách "ngồi đồng" hoàn toàn dưới góc độ tiêu cực, các nhà kinh doanh cà phê cần một chiến lược đa chiều và linh hoạt hơn để vừa giải quyết bài toán chi phí vừa khai thác được những cơ hội tiềm năng.
Đầu tiên, các nhà kinh doanh cà phê cần phân chia khách hàng và không gian. Không phải tất cả khách hàng "ngồi đồng" đều giống nhau. Có người cần không gian yên tĩnh để làm việc, có người cần nơi gặp gỡ đối tác. Quán có thể thiết kế các khu vực khác nhau với chính sách giá hoặc dịch vụ tương ứng.
Ví dụ, khu vực làm việc chuyên biệt có thể áp dụng mức phí theo giờ hoặc yêu cầu mức chi tiêu tối thiểu cao hơn, đổi lại là sự yên tĩnh, ổ cắm đầy đủ và wifi tốc độ cao. Ngược lại, khu vực dành cho khách gặp gỡ nhanh có thể được bố trí năng động hơn.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng các gói giá trị hấp dẫn. Thay vì chỉ tập trung vào đồ uống giá rẻ, quán nên phát triển thêm các sản phẩm đi kèm có biên lợi nhuận tốt hơn, như đồ ăn nhẹ, bánh ngọt, các loại đồ uống đặc biệt hoặc các combo khuyến mãi hấp dẫn cho người ngồi lâu.
Tiếp đó, cần tập trung vào việc nâng cao giá trị cảm nhận của khách hàng. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp, không gian thoải mái và thẩm mỹ là những yếu tố khiến khách hàng cảm thấy số tiền họ bỏ ra là xứng đáng, thậm chí sẵn lòng chi trả cao hơn.
Cuối cùng, cần ứng dụng công nghệ để tối ưu việc vận hành và hiểu khách hàng hơn. Các hệ thống quản lý bán hàng, phần mềm quản lý khách hàng có thể giúp chủ quán theo dõi hành vi tiêu dùng, tần suất ghé thăm và mức chi tiêu của từng nhóm khách hàng. Dựa trên dữ liệu này, quán có thể đưa ra các chương trình marketing cá nhân hóa, tối ưu hóa việc sắp xếp chỗ ngồi và quản lý nhân sự hiệu quả hơn.
_____________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5
NGUYỄN NHẬT NAM
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/hien-tuong-ngoi-dong-va-ung-xu-tu-chu-quan-co-hoi-doi-moi-mo-hinh-kinh-doanh-196250527214913449.htm