Không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập, mô hình này còn góp phần cổ vũ ý chí vươn lên thoát nghèo và chia sẻ thành công trong cộng đồng.
Hàng sáng, bà con các làng Vơng Chép, Keo, Tung Ke thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê lại cùng nhau đưa đàn bò ra bãi thả. Chiều tối, họ tập trung đàn bò về chuồng chung để quản lý. Theo anh Đinh Suyn – Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản làng Keo, xã Ayun, dân làng trước đây cũng từng được hỗ trợ bò sinh sản, nhưng đó là hỗ trợ từng hộ nuôi riêng lẻ. 2 năm nay bà con mới được hỗ trợ để chăn nuôi tập trung.
Bò của hộ dân ở các làng trong xã Ayun, huyện Chư Sê được nuôi chung
Đinh Suyn cho biết, cách hỗ trợ và tổ chức chăn nuôi mới đã tạo điều kiện để bà con chia sẻ cả kinh nghiệm, niềm vui và các kế hoạch làm ăn.
“Từ khi nhà nước hỗ trợ bò bản thân tôi cũng háo hức làm giàu, về nhà cắt cỏ cho bò ăn. Vì bò mẹ đang mang bầu và trước sau nó cũng đẻ nên tôi thấy vui mừng. Bò đẻ ra mình nuôi, về sau nếu đẻ nhiều thì thì bán để phát triển kinh tế như mua phân bón, thuốc, cây trồng” - anh Đinh Suyn chia sẻ.
Với anh Kpui Đe - Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản, làng H’Vawk, xã Ayun cũng vậy. Anh cho biết, từ băn khoăn lúc mới triển khai, nay bà con đã rất hài lòng.
Theo anh Kpui Đe: “Trong lòng tôi vui lắm, trước đây cha mẹ không có gì, đến nay nhà nước hỗ trợ cho mình con bò thì nó đã đẻ. Nên tôi chỉ muốn cố gắng nuôi và chăm sóc thế nào để tốt hơn. Thu xong lúa thì lấy rơm về để bảo đảm thức ăn cho bò mùa khô, cũng chia sẻ với bà con rơm mình lấy về hết, không đốt như ngày xưa”.
Các hộ dân trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi
Xã Ayun có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn do đất đai bạc màu và khí hậu khắc nghiệt, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã mang lại hy vọng mới. Trong hai năm qua, chương trình đã hỗ trợ 65 hộ nghèo và cận nghèo trong tổng số 327 hộ khó khăn tại xã Ayun. Đến nay, những con bò được hỗ trợ từ năm 2023 đã bắt đầu sinh sản, mang lại nguồn thu nhập mới, làm tăng niềm tin và động lực cho bà con.
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai đánh giá, dự án không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sinh kế mà còn khơi dậy khát vọng thoát nghèo, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân. Những đàn bò khỏe mạnh, những niềm vui từ những lứa bê đầu tiên ra đời đã chứng tỏ chủ trương đúng đắn.
“Qua 2 năm thực hiện dự án 3 hỗ trợ chăn nuôi sản xuất hỗ trợ bò sinh sản đã từng bước có hiệu quả. Đã chăn nuôi theo nhóm hộ thì ý thức, nhận thức của người dân được nâng lên, thi nhau chăn nuôi và giám sát lẫn nhau, từ đó đạt những kết quả cao hơn so với những năm trước đây chăn nuôi theo kiểu hộ gia đình, công tác chăn nuôi không được đảm bảo dẫn đến hiệu quả đạt không cao. Qua 2 năm thực hiện chương trình đã giúp bà con trước hết là nâng cao nhận thức, vai trò của người dân là chăn nuôi bò sinh sản để giảm nghèo bền vững" - ông Tuấn cho biết thêm.
Bê con được sinh ra từ những con bò mẹ mà nhà nước đã hỗ trợ cho người nghèo ở xã Ayun.
Hỗ trợ bò sinh sản để bà con dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, là mô hình đã được thực hiện nhiều năm ở tỉnh Gia Lai và đã khẳng định được hiệu quả. Ngoài bò giống được mua từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng tặng bò sinh sản, tiếp thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
Những đổi mới về cách thức và thành công từ xã Ayun, huyện Chư Sê cho thấy, mô hình này của Gia Lai đang tiếp tục được hoàn thiện. Những đàn bò khỏe mạnh, những lứa bê mới ra đời, không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn khơi dậy ý chí vươn lên ở từng hộ gia đình. Đây là tiền đề quan trọng để các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần tăng tốc giảm nghèo ở các địa phương.
Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên