Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáng 9-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại phiên họp, Chính phủ cho ý kiến về: báo cáo tình hình thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nội dung trình Chính phủ các hồ sơ Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh, thành phố và các hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) đã thông qua Đề án về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đây là vấn đề hệ trọng, mang tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, mà còn đẩy mạnh phân cấp về thẩm quyền; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển mới, đặc biệt là xây dựng Chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban chỉ đạo của Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương hoàn thiện các trình tự thủ tục xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuẩn bị một bước công tác nhân sự trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sau phiên họp này, các cơ quan sẽ tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các khâu, các bước để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua để triển khai thực hiện.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự kiến sau sắp xếp cả nước giảm từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 66,91%). 5 địa phương có tỉ lệ giảm nhiều đơn vị hành chính cấp xã là: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Bình, Hải Phòng.
Cấp tỉnh dự kiến giảm 18.444 biên chế do cơ cấu lại vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo chính sách. Dự kiến bố trí 199.260 biên chế cán bộ công chức cấp xã sau thời điểm sắp xếp, khi chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động ổn định. Theo đó, giảm 110.786 biên chế và kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cả nước là 120.500 người.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2026-2030, tổng kinh phí dự kiến tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính giảm khoảng 190.500 tỷ đồng do giảm cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách.
PHAN THẢO