Châu Thành là huyện thuần nông với lượng rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp rất lớn. Trước đây, người dân thường vứt bỏ hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhờ mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”, rác thải và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng ủ làm phân hữu cơ bón cho cây rất hiệu quả.
Nông dân dùng men gốc IMO xử lý nguyên liệu lục bình để làm phân hữu cơ
Theo Hội Nông dân huyện Châu Thành, qua hơn 1 năm triển khai mô hình, có 65 tấn rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được xử lý ủ làm phân. Ngoài ra, mô hình còn giúp nông dân giảm chi phí đầu vào từ 20 - 25%.
Lợi ích “kép” từ sử dụng men vi sinh IMO
Xã An Nhơn - vùng đất nổi tiếng với nghề trồng nhãn tại huyện Châu Thành đã có sự thay đổi đáng kể trong phương thức canh tác. Khoảng một thập kỷ trước, khi phân bón hữu cơ chưa phổ biến, người dân chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, vào tháng 8/2023, xã được chọn làm điểm triển khai mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” do Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp khởi xướng. Từ đó, xã An Nhơn đã tiếp nhận, triển khai hiệu quả mô hình và đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo ông Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, để triển khai mô hình, xã chọn những nông dân nhiệt tình với sản xuất hữu cơ tại cồn Bạch Viên thực hiện mô hình điểm, áp dụng trên các loại cây trồng như: nhãn, sầu riêng, mít và sử dụng IMO để ủ lục bình làm phân bón cho cây ăn trái. Qua quá trình thực hiện, nhiều nông dân đã biết cách tận dụng IMO để xử lý các phế phẩm khác, ủ thành phân bón hoặc chế phẩm phun xịt phòng trừ sâu bệnh, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Men gốc IMO được chế biến từ các nguyên liệu quen thuộc như: men tiêu hóa irô, sữa chua, đường, men rượu, cám gạo, chuối
Là hộ điểm thực hiện mô hình dùng IMO xử lý ốc, cá bón trên cây nhãn, ông Lê Thành Lập ở ấp Tân Phú, xã An Nhơn chia sẻ, 2 năm trước, ông tự ủ phân hữu cơ từ cá để tưới cho cây nhưng do không có men xử lý nên mùi hôi rất nồng nặc. Sau khi được xã tạo điều kiện tham dự tập huấn về kỹ thuật dùng men IMO ủ phân, ông áp dụng vào việc ủ cá và nhận thấy hạn chế mùi hôi rất hiệu quả, chỉ còn khoảng 10% so với trước. Ngoài dùng men IMO ủ cá, ông còn nghiên cứu, tận dụng các loại cây có mùi cay, nồng để ủ làm thuốc phun phòng trừ bệnh trên cây nhãn. Hiện với 4 công nhãn 17 năm tuổi (25 cây), ông sử dụng từ 60 - 70% phân hữu cơ, năng suất 4,5 - 5 tấn, tăng 10% so với trước, đặc biệt giảm khoảng 50% chi phí sản xuất.
Ông Lê Thành Lập (ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) pha phân IMO được ủ từ ốc để bón cho vườn nhãn
Cũng áp dụng men IMO để xử lý rác thải bón cho vườn mít, ông Nguyễn Văn Đức ngụ ấp Tân Phú chia sẻ, ông có khoảng 6 công mít, xen canh khoai, đậu. Ngoài tận dụng nguồn rác thải sử dụng trong gia đình để ủ phân, ông còn xin thêm những phụ phẩm bỏ đi của người quen như: bã đậu, rau cải thừa, rơm rạ để ủ phân bón cho vườn mít. Qua thời gian thực hiện, ông thấy rất hiệu quả, giảm được 30% chi phí sản xuất. Ngoài ra, cây bón phân IMO xanh tốt hơn so với trước, độ xanh của cây giữ được lâu hơn sau 1 lần tái bón.
Ông Huỳnh Hữu Thuận cho biết, mô hình đã giúp nông dân giảm khoảng 25% chi phí sản xuất, đồng thời xử lý thành công 45 tấn rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường. Nhờ hiệu quả từ mô hình điểm tại cồn Bạch Viên, địa phương đã nhân rộng ra 7 ấp, thu hút khoảng 550 hộ tham gia, tương đương 100ha trên tổng số 1.400ha diện tích cây ăn trái của xã.
Ông Nguyễn Văn Đức (ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) dùng men gốc IMO ủ cá để bón cho cây đậu, mít
Áp dụng mô hình trong sản xuất nông nghiệp
Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, nhận định: Mô hình IMO đã giải quyết được vấn đề nan giải của nông dân. Trước đây, việc sử dụng phân bón hóa học tuy tăng năng suất nhưng chi phí cao và làm cây suy kiệt. IMO xuất hiện như một giải pháp toàn diện, đáp ứng đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bởi nguyên liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản, chi phí thấp và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe. Nhờ vậy, mô hình này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bà con nông dân.
Sau thành công của mô hình điểm tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã mở rộng triển khai mô hình sử dụng chế phẩm IMO trên toàn địa bàn. Trong năm 2024, tất cả 11 xã trong huyện đều được hướng dẫn sử dụng IMO để ủ và tái chế phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các hộ gia đình cũng được hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, huyện đã triển khai mô hình này tại 41/41 trường học, tạo ra 850 lít men gốc để xử lý môi trường. Khoảng 12.000 lượt học sinh đã được hướng dẫn phân loại rác và ủ phân vi sinh, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Nhiều bạn trẻ đến tham quan mô hình ủ phân IMO để bón cho cây của gia đình ông Lê Thành Lập
Ông Phan Thanh Dũng cho biết thêm, việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng tới sử dụng phân hữu cơ, giảm 20 - 25% chi phí so với phân hóa học. Tuy nhiên, mô hình còn gặp khó khăn do tốn công thực hiện và sự thiếu quan tâm của một số người dân, dẫn đến lãng phí phế, phụ phẩm.
Để phát triển tối đa tiềm năng và lợi ích của mô hình IMO trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Châu Thành đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể. Các đơn vị liên quan, bao gồm các ban, ngành chuyên môn của huyện, Hội Nông dân huyện, UBND các xã, thị trấn, tiếp tục mở rộng mô hình trên toàn huyện. Mục tiêu là hướng dẫn người dân khai thác triệt để các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, biến chúng thành nguyên liệu đầu vào có giá trị cho sản xuất. Huyện cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác với các hợp tác xã địa phương để đầu tư vào quy trình chế biến phân hữu cơ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân áp dụng mô hình IMO rộng rãi hơn.
IMO (Indigenous Microorganisms) là chế phẩm sinh học từ vi sinh vật bản địa. Cách làm men IMO như sau: Đầu tiên để làm men gốc, dùng men tiêu hóa (probio), sữa chua, đường, men rượu, cám gạo, chuối, trộn ủ 24 giờ rồi phơi khô. Khi có men gốc, tiến hành ủ phân bằng cách lấy một lượng men gốc cần đủ dùng đổ nước vào, sau đó dùng nước này tưới vào phần rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, rồi ủ lại khoảng 3 - 4 ngày là có thể bón cho cây.
Mỹ Nhân
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/nong-nghiep/hieu-qua-thiet-thuc-tu-mo-hinh-imo-130260.aspx