Tiết học Khoa học tự nhiên của lớp 7a4, Trường THCS thị trấn Than Uyên diễn ra khá sôi nổi. Bên cạnh viết bảng, cô giáo còn kết hợp trình chiếu qua máy chiếu được lắp đặt ngay ở lớp học. Cô Đinh Thị Kim Dung - Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thị trấn Than Uyên chia sẻ: Thay vì dạy học từng bài riêng trong sách giáo khoa thì tôi xây dựng thành các chủ đề dạy học, nhất là các chủ đề tích hợp liên môn khoa học tự nhiên. Hiện tôi đang giảng dạy tích hợp khoa học tự nhiên với an toàn giao thông. Tôi chú trọng hướng dẫn học sinh tự học theo chủ đề tích hợp, học và thảo luận theo nhóm để các em có thể tự học và tự tìm tòi, trao đổi với nhau nhằm mở rộng kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Phương pháp dạy học này giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Học sinh tiếp thu bài qua hình ảnh, video clip sẽ dễ dàng tăng khả năng liên tưởng và vận dụng vào bài của các em tốt hơn.
Cô giáo Đinh Thị Kim Dung dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên với an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, môi trường.
Những tiết học liên môn được tổ chức ở khắp các khối, lớp trong toàn trường, chia sẻ về việc học tích hợp liên môn, em Vũ Quỳnh Anh – học sinh lớp 8A2 nói: Ban đầu học tích hợp liên môn chúng em còn bỡ ngỡ nên khó tiếp cận. Tuy nhiên sau một thời, việc áp dụng phương pháp học này giúp bài học trở nên sinh động, mang tính thực tiễn khách quan hơn nên khi học cũng giảm được tình trạng nhàm chán môn học, chúng em có thể vận dụng ngay vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, tránh tình trạng học vẹt.
Dạy học tích hợp liên môn là đưa những nội dung giáo dục có mối liên hệ vào quá trình giảng dạy các môn như: giáo dục bền vững; giáo dục đạo đức, lối sống; tích hợp chủ quyền biển đảo; bảo vệ các di sản văn hóa - văn minh của nhân loại; tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh… vào các môn học như: Toán, Khoa học tự nhiên… tránh việc học sinh phải học đi học lại nhiều lần một nội dung kiến thức ở nhiều môn học.
Từ việc học tích hợp liên môn giúp học sinh lớp 8A2 chủ động hơn trong việc nghiên cứu và tiếp thu nhiều kiến thức.
Thầy giáo Hoàng Quang Hưng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Dạy tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên có sự am hiểu những kiến thức liên môn và trong quá trình giảng dạy bộ môn của mình cần biết lựa chọn những kiến thức trọng tâm để tổng hợp và rút gọn kiến thức thành những ý chính giảng dạy tránh không bị trùng lặp. Giáo viên dạy tích hợp liên môn không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn phải tổ chức, kiểm tra, đánh giá và định hướng học tập cho học sinh trong và ngoài lớp học với phương pháp này. Do đó, nhà trường đã lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm, sử dụng thành thạo máy tính và biết áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Từ tháng 9/2024 đến nay, Trường THCS Thị trấn Than Uyên đã dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn các như: giáo dục quốc phòng an ninh được 136 tiết; giáo dục bền vững được 37 tiết; 159 tiết giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục quyền con người được 35 tiết. Tích hợp chủ quyền biển đảo 8 tiết; bảo vệ các di sản văn hóa - văn minh của nhân loại 23 tiết; tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thuộc môn Toán được 8 tiết. Tích hợp an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường thuộc các môn Toán, Khoa học tự nhiên được 114 tiết.
Dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Qua đánh giá, đến nay học sinh xếp loại kết quả học tập mức đạt tốt, khá trở lên là 510/705 học sinh; trường có nhiều học sinh đạt giải tại các cuộc thi như: Cuộc thi Tiếng Anh học sinh, sinh viên với chủ đề "Tuổi trẻ Lai Châu hội nhập toàn cầu" lần thứ II, năm 2024 có 3 học sinh đoạt giải; khoa học kỹ thuật cấp tỉnh huyện có 3 học sinh đoạt giải. Từ đó, giúp các em yêu thích các môn học, tạo động lực vươn lên trong học tập.
Vương Trang Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả