Mô hình “đại học” chưa được định danh rõ trong luật
Một trong những trọng tâm thảo luận tại tọa đàm là việc hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình đại học tại Việt Nam – vốn đang gặp nhiều vướng mắc và bất cập. Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) của Bộ GD&ĐT đánh giá, sau 12 năm thực thi Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012) và gần 6 năm triển khai Luật sửa đổi (năm 2018), hệ thống giáo dục ĐH đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần sửa đổi.
Lãnh đạo các trường đại học phát biểu tại tọa đàm
Cụ thể, việc quản lý hệ thống cơ sở giáo dục ĐH bị phân mảnh, phức tạp và kém hiệu quả do có quá nhiều cơ quan chủ quản theo các ngành, lĩnh vực không phù hợp với lĩnh vực đào tạo của các cơ sở trực thuộc.
Về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục ĐH, bộ nêu rõ, quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở.
Quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ. Vì trong thực tế ở tổ chức và hoạt động của các đại học 2 cấp, mô hình tổ chức, quản trị có thêm một cấp trung gian, dễ trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả. Quản lý nhà nước gặp khó khăn do vừa phải quản lý đại học, vừa phải quản lý các trường ĐH thành viên như những cơ sở giáo dục ĐH khác.
Mô hình này cũng gây khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định, đánh giá chất lượng và xếp hạng. Cho đến nay, bản thân 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng có tham gia xếp hạng, nhưng chưa được đánh giá, kiểm định chất lượng theo chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã ghi nhận và nêu ra nhiều bất cập, vướng mắc khác trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục ĐH. Chẳng hạn như Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục ĐH hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; Quy định về bắt buộc kiểm định và đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo gây quá tải và tốn kém cho các cơ sở giáo dục ĐH…
Giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với luật hiện hành
Tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Tiến Thảo nêu những đề xuất chính sách của Dự án luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại tọa đàm
Chính sách 1 là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị ĐH tiên tiến. Chính sách 2 là định vị cơ sở giáo dục ĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chính sách 3 định vị cơ sở giáo dục ĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chính sách 4 là tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục. Chính sách 5 là phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính. Chính sách 6 là đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là một hoạt động có tính chiến lược khi Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi luật Giáo dục ĐH – văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành giáo dục.
"Độ dài của luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này chỉ bằng khoảng 50% so với luật Giáo dục ĐH năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng giảm khoảng 1 nửa. Mục tiêu nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Dự thảo luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) kế thừa các điều khoản nội dung không đổi luật Giáo dục ĐH hiện hành (> 55%); Không trùng lặp các điều khoản với luật Giáo dục và luật sửa đổi Giáo dục, luật Nhà giáo, luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, giảm hơn số điều, chương; giảm 50% số lượng quy trình; giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với luật Giáo dục ĐH hiện hành…
Nguyễn Dũng