Hiệu quả từ giống mì HN1 kháng bệnh khảm lá virus

Hiệu quả từ giống mì HN1 kháng bệnh khảm lá virus
7 giờ trướcBài gốc
Tăng lợi nhuận nhờ giống mì kháng bệnh
Chúng tôi có mặt ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh vào thời điểm địa phương đang sản xuất một số giống cây trồng lợi thế như mì, khoai môn… Đặc biệt, với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nhiều diện tích mì ở vùng đất này dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng đã cao quá đầu người, xanh tốt. Riêng với diện tích hơn 1 ha mì của anh Phan Văn Huy, sự khác biệt vượt trội có thể nhìn thấy dễ dàng so với những đám mì lân cận, bởi không có dấu hiệu bệnh khảm lá, cây phát triển chắc khỏe.
Anh Huy và diện tích mì giống HN1 phát triển tốt.
Anh Huy chia sẻ: Ở vụ đông xuân năm vừa qua, gia đình sử dụng giống mì HN1 với hơn 1 ha, mới thu hoạch với sản lượng trên 53 tấn/ha và được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hỗ trợ giống trồng thêm 1 ha ở vụ mì năm 2024, dự kiến thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán 2025. Theo anh Huy, thực tế sản xuất giống mì HN1 cho thấy cây mì phát triển rất tốt, đạt năng suất, kháng bệnh khảm mì 100% và đạt độ bột theo yêu cầu (trên 29 độ bột). Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi trên 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hộ anh Huy còn thêm thu nhập từ bán giống cây mì với giá khoảng 80.000 đồng/bó.
Điểm thực hiện mô hình.
Ông Lê Hữu Nhiệm – cán bộ phụ trách mô hình thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, hộ anh Huy là 1 trong 2 điểm thực hiện mô hình của chi cục trong năm 2024. Mục đích để có cơ sở khuyến cáo nông dân tại Bình Thuận phát triển giống mì kháng bệnh khảm lá và quản lý bệnh khảm lá mì tốt tại địa phương. Với mỗi mô hình 1 ha, các hộ được hỗ trợ chi phí sản xuất, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Trong đó, mô hình trình diễn giống mì HN1 được triển khai 1 ha tại hộ nông dân Phan Văn Huy, xã Tân Hà, Đức Linh, với mật độ trồng 12.400 cây/ha. Thời gian triển khai từ tháng 4 đến cuối năm 2024 và chuẩn bị cho thu hoạch dự kiến đạt hiệu quả cao.
Diện tích mì ngoài mô hình bị nhiễm bệnh khảm lá.
Cần nhân rộng mô hình
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, theo dõi mô hình cho thấy, giống mì HN1 có năng suất củ tươi cao, đạt khoảng 40 tấn/ha (giá bán ổn định khoảng 2.500 đồng/kg), với trọng lượng củ trung bình mỗi bụi 4,9 kg; năng suất thân lá 19,5 tấn/ha. Đặc biệt, giống này có hàm lượng tinh bột đạt 27,8%, phù hợp nhiều mục đích sử dụng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến tinh bột. Bên cạnh đó, giống mì HN1 cho thấy độ kháng bệnh tốt với mức độ nhiễm thấp đối với bệnh đốm nâu (5%) và bệnh cháy lá (3%). Khả năng chống chịu đối với bệnh chồi rồng ổn định. Ngoài ra, giống mì này không có dấu hiệu nhiễm bệnh thối củ hoặc khảm lá do virus. Điều này sẽ giúp loại giống HN1 trở thành lựa chọn hấp dẫn với khả năng sản xuất ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hại. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu suất sinh lợi cao mà còn có tiềm năng kinh tế tích cực cho nông dân.
Được biết, cây mì là một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu trong những năm gần đây. Với lợi thế cạnh tranh cao so với một số cây trồng khác nên diện tích trồng mì ngày càng được mở rộng. Hiện tại diện tích trồng mì của Bình Thuận trên 26.000 ha. Trong đó, năng suất củ tươi bình quân khoảng 19,45 tấn/ha, sản lượng ước tính khoảng trên 10 triệu tấn/năm. Riêng sản lượng xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì đạt 3,9 triệu tấn, với tổng giá trị kim ngạch 1,08 tỷ USD và dự đoán có thể đạt 2 tỷ USD vào những năm tới. Mì là cây trồng có nhiều lợi thế, tuy nhiên đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Đó là bên cạnh việc suy thoái đất canh tác, vấn đề sâu, bệnh hại như chổi rồng, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, thối củ, bệnh khảm lá do virus đang diễn ra khá nghiêm trọng. Bệnh hại không chỉ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mì ở một vụ mà còn lan truyền từ vụ trước sang vụ sau, lây lan sang các vùng sản xuất khác qua nguồn giống và qua các môi giới truyền bệnh.
Từ những kết quả đạt được, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề xuất mở rộng diện tích sản xuất giống mì HN1 để tăng thu nhập cho nông dân. Mặc dù giống mì HN1 có khả năng chống chịu tốt với các bệnh hại, nhưng việc duy trì các biện pháp quản lý bệnh hại là quan trọng để bảo vệ và nâng cao hiệu quả. Chi cục cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch và có sự hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện mô hình “canh tác giống mì HN1 kháng bệnh khảm lá virus” các mùa vụ sản xuất tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và BTVT, giống HN1 có hệ số nhân giống cao, vì cây cao, thân thẳng hơn các giống truyền thống, mỗi thân cây có thể nhân được 17 hom mì trong khi các giống truyền thống chỉ được 10-12 hom.
KIỀU HẰNG
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/hieu-qua-tu-giong-mi-hn1-khang-benh-kham-la-virus-127288.html