Hiệu quả từ mô hình chính quyền địa phương hai cấp

Hiệu quả từ mô hình chính quyền địa phương hai cấp
7 giờ trướcBài gốc
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Những địa bàn khó khăn, chính quyền địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc phát sinh, từng bước ổn định hoạt động.
Mô hình "một điểm đến, đa dịch vụ"
Những lo ngại về tình trạng quá tải, gây chậm trễ việc giải quyết thủ tục hành chính tại chính quyền xã, phường mới đông dân cư ở những thành phố lớn đã được giải tỏa nhờ bộ máy chính quyền cơ sở triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
Từ ngày 1/7 đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) bố trí 10 nhân sự thực hiện chuyên môn và giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân. Trung tâm cũng tăng cường cán bộ hỗ trợ người dân kiểm tra hồ sơ, cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn trình tự và điều phối đến đúng vị trí làm việc. Để đáp ứng nhu cầu của người dân tốt nhất, thuận lợi nhất, phường đã thực hiện mô hình “một điểm đến-đa dịch vụ”.
Cùng với bố trí khu vực làm việc của Công an phường để giải quyết hồ sơ về cư trú, dữ liệu quốc gia về dân cư, tiếp nhận tin trình báo về an ninh trật tự, Trung tâm còn bố trí khu vực làm việc của cơ quan Thuế cơ sở số 16 và Bảo hiểm xã hội khu vực II, để giải quyết các thủ tục liên ngành cho người dân trong một lần đến làm việc.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhất: Việc vận hành bộ máy chính quyền mới diễn ra ổn định, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất. Bên cạnh việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, phường bảo đảm các hoạt động văn hóa-xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Phường đã hoàn tất công tác tuyển sinh đầu cấp trước ngày 30/6, sẵn sàng cho chương trình khai giảng vào đầu tháng 9. Các trạm y tế cũ vẫn thực hiện bảo đảm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân bình thường.
Đến Trung tâm hành chính công phường Lê Chân (thành phố Hải Phòng), chúng tôi chứng kiến không khí làm việc tích cực của cán bộ, chuyên viên nhằm phục vụ, giải quyết nhu cầu của người dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc Trung tâm hành chính công phường, ông Nguyễn Trọng Đại cho biết: Là phường đông dân nhất thành phố với hơn 161.000 người, để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân thông suốt, hiệu quả ngay từ ngày đầu, chúng tôi triển khai bài bản, đồng bộ, chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, cơ sở vật chất, chính thức hoạt động ngay từ ngày 1/7.
Khu vực ngồi chờ của người dân được bố trí ghế ngồi, điều hòa không khí, quạt mát. Do đó, trong những ngày đầu người dân không phải chờ đợi lâu, không có cảnh lộn xộn, quá tải. Kỷ luật được Trung tâm quán triệt thực hiện nghiêm túc.
Trong bốn ngày đầu hoạt động (từ 1-4/7), Trung tâm đã tiếp nhận 2.136 lượt công dân; giải quyết 1.167/1.452 hồ sơ; tư vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ cho hơn 680 lượt người.
Chia sẻ với phóng viên sau khi hoàn thành việc chứng thực liên quan đến đất đai tại Trung tâm hành chính công phường Lê Chân vào chiều 4/7, chị Nguyễn Lan Anh cho biết, do số lượng người đến làm thủ tục hành chính khá đông, nên chị phải chờ đợi ít phút, nhưng khi đến lượt thì chị được phục vụ rất tận tình, nhanh chóng.
Phường Trấn Biên có số dân lớn nhất tỉnh Đồng Nai với hơn 197.000 người, do đó, lượng người đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường cũng luôn đông đúc, nhất là thủ tục liên quan đất đai. Phường đã mở rộng khu vực tiếp nhận, giải quyết thủ tục và bố trí cán bộ hướng dẫn thuận lợi nhất phục vụ người dân. Đến nay, sau một tuần đi vào hoạt động, việc giải quyết các thủ tục tại đây cơ bản bảo đảm thông suốt.
Anh Nguyễn Tấn Quỳnh, khu phố 6 cho biết: “Bây giờ làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, mọi người chỉ cần đến phường là được giải quyết, rất thuận lợi cho người dân”.
Đồng chí Hồ Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên cho biết, hiện nay tỉnh thực hiện dịch vụ liên thông trực tuyến, phi địa giới. Người dân có thể đến Trung tâm phục vụ hành chính công gần nhất để tiếp cận các dịch vụ. Tuy nhiên, do nhiều người dân còn chưa nắm được việc này, nên phường tăng cường tuyên truyền để người dân biết, tiếp cận các địa điểm gần nhất để làm thủ tục. Cùng với bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho công chức, phường nhắc nhở các công chức có thái độ niềm nở, thân thiện với người dân, để người dân tin tưởng.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)
Theo đánh giá bước đầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, qua một tuần vận hành các Trung tâm phục vụ hành chính công 95 xã, phường đã đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đa phần người dân đến giải quyết thủ tục hành chính hài lòng với những đổi thay từ mô hình chính quyền mới.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh. Do đó, các ngành chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình vận hành, hoạt động của bộ máy mới, nhất là cấp xã để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong tuần đầu tiên đã gặp không ít trở ngại về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực... Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động từng bước tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc giải quyết thủ tục cho người dân thông suốt.
Tại một số xã, phường của tỉnh Sơn La, trong tuần vừa qua, hệ thống phần mềm xử lý thủ tục hành chính bị trục trặc do quá tải dữ liệu, khiến việc tiếp nhận hồ sơ bị chậm. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự cố đã được khắc phục, hệ thống hoạt động ổn định trở lại.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết: Ngay sau khi đi vào hoạt động, xã đã kịp thời tổ chức các cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân để triển khai giao các nhiệm vụ. Mỗi nhóm công việc đều được phân công cụ thể, rõ ràng, từng cán bộ được giao nhiệm vụ sát thực tiễn, phù hợp với năng lực chuyên môn.
Trong tuần đầu tiên, xã đã tiếp nhận và giải quyết được hơn 20 hồ sơ, thủ tục, đem lại sự hài lòng cho người dân. Chính vì vậy, dù có phải đi lại xa hơn trước, nhưng nhiều người dân vẫn cảm thấy hài lòng.
Ông Mùa A Di, bản Tà Số 1, phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La ghi nhận: “Chúng tôi trước ở xã Chiềng Hắc, cách khu vực trung tâm xã mới xa hơn trước, tuy nhiên việc giải quyết thủ tục nhanh gọn hơn trước, vì lúc nào cũng có cán bộ túc trực ở đây”.
Trong tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tại 5 xã miền núi của thành phố Huế gồm A Lưới 1, A Lưới 2, A Lưới 3, A Lưới 4 và A Lưới 5, người dân đến làm thủ tục khá đông, và đều được hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hồ sơ kịp thời. Tuy nhiên, tại các xã này, hạ tầng đường truyền mạng chưa được nâng cấp, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính còn vướng mắc về kỹ thuật… cho nên có thời điểm việc giải quyết thủ tục cho người dân chưa thông suốt.
Để khắc phục tình trạng, các xã đã nâng cấp mạng nội bộ, đường truyền làm việc tốt hơn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chỉ việc cho đội ngũ cán bộ tại các Trung tâm dịch vụ ; đầu tư các trang thiết bị để làm việc.
Tại một số xã, phường mới như Phong Dinh, Kim Trà, Long Quảng, Kim Long…, hạ tầng kỹ thuật ban đầu còn gặp khó khăn như dữ liệu chưa đồng bộ, chưa kích hoạt được hệ thống trả kết quả tự động. Thành phố Huế đã huy động sự phối hợp của các đơn vị kỹ thuật như VNPT, Viettel và 166 đầu mối bưu chính công ích.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phong Điền Hồ Đôn chia sẻ: “Phường đã bố trí thêm hai điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại các trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phong Mỹ, Phong Xuân (cũ), sau đó vận chuyển hồ sơ về trụ sở phường mới để xử lý; ký hợp đồng với VNPT một ngày bốn vòng luân chuyển hồ sơ để trả cho người dân trong ngày”.
Tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là sự sắp xếp tổ chức bộ máy, mà còn mở ra cơ hội để chính quyền cơ sở phát huy vai trò chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân. Thực tế tại một số địa phương cho thấy, ngay sau khi vận hành mô hình mới, nhiều xã, phường đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ mới, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.
Ngay sau khi thành lập 126 xã, phường mới, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định lập 126 Ban Quản lý dự án đầu tư - hạ tầng trực thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng chí Đặng Thị Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cho biết, xã tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án trọng điểm như Đường nối với sân bay Gia Bình, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cầu Đuống...; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.
Đại diện Ủy ban nhân dân xã Phú Xuyên thông tin, trong ngày 1/7, ngay khi bộ máy mới vận hành, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã tập trung chỉ đạo và thành lập hai Tổ công tác liên ngành gồm Công an xã, Phòng Kinh tế tăng cường kiểm tra thực tế tại địa bàn các khu dân cư. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 15 trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp dựng các công trình; yêu cầu các trường hợp này tự giác tháo dỡ khung sắt, mái tôn ngay tại thời điểm kiểm tra, trả lại hiện trạng ban đầu.
Áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chính quyền cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trước đây thuộc cấp huyện, nhằm tăng tính tự chủ, chủ động của chính quyền cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Luật cho biết, trong bối cảnh nhanh, nhu cầu hợp pháp hóa tài sản (đất đai, nhà ở), đăng ký hộ tịch, xử lý xây dựng trái phép, di dời, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển hạ tầng, đăng ký kinh doanh hộ cá thể,…là các lĩnh vực có thủ tục hành chính phát sinh thường xuyên tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Phú.
Dù việc tổ chức bộ máy và hoạt động chính quyền cơ sở sau sắp xếp đã nhanh chóng đi vào nền nếp, song tại nhiều địa phương, quá trình thực hiện mô hình chính quyền hai cấp phát sinh một số bất cập đòi hỏi sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời từ các cấp, các ngành.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trước khi kết thúc hoạt động, huyện Yên Phong (cũ) đang lập dự án đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như nhà máy xử lý nước thải khu vực công suất 10.000 m3/ngày đêm, sân vận động 5.000 chỗ ngồi, quảng trường trung tâm; các tuyến đường giao thông kết nối liên xã, kết nối các khu công nghiệp… Tuy nhiên, các dự án này đang bị tạm dừng do yêu cầu sắp xếp bộ máy.
Đây đều là các công trình phục vụ chung cho cả vùng, không phải phục vụ cho xã mới, với nguồn kinh phí khá lớn, cho nên một xã không thể đầu tư được. Chính vì vậy, xã Yên Phong rất mong tỉnh Bắc Ninh sớm cho triển khai xây dựng những công trình này để phục vụ người dân, nâng cao mức sống cho nhân dân.
Dù còn những khó khăn bước đầu, nhưng mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang dần đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả phục vụ người dân, tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở.
Thực tiễn vận hành sẽ tiếp tục là thước đo, giúp các cấp chính quyền kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện bộ máy, bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả, vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-post892301.html