Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng Dứa hữu cơ ở Quỳnh Lưu

Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng Dứa hữu cơ ở Quỳnh Lưu
10 giờ trướcBài gốc
Tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, HTX nông sản AE TA là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao để trồng dứa gai. Nhờ đó, quả dứa gai sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn toàn cầu-Global GAP, mang lại doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/ha. Trên địa bàn xã, HTX nông sản AE TA hiện đang quản lý 62 ha đất sản xuất nông nghiệp trong đó 35 ha được HTX chuyên trồng cây dứa.
Trồng dứa tiêu chuẩn Global GAP, nông dân thắng lớn
Ông Đậu Phi Cảnh – Giám đốc HTX nông sản AE TA, cho hay, trước đây, dứa gai chủ yếu được canh tác theo phương thức truyền thống, khi tiêu thụ phụ thuộc lớn vào thương lái. Bên cạnh đó chất lượng quả dứa chưa cao, giá cả bấp bênh. Năm 2022 HTX đã quyết định chuyển hướng sang trồng dứa theo tiêu chuẩn Global GAP. Thời gian đầu, HTX trồng thử nghiệm với diện tích 5 ha dứa Queen và MD2, cho thu nhập rất khả quan.
Người dân xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phấn khởi bên cánh đồng dứa ngày thu hoạch.
Theo ông Cảnh, trong quá trình thực hiện, sản xuất theo chuẩn Global GAP cũng không ít thách thức. Theo đó, để đạt được chứng nhận Global GAP, HTX cần đáp ứng một bộ tiêu chí khắt khe với 147 nội dung cụ thể. Mỗi quý sẽ có chuyên gia đến kiểm tra, đánh giá chất lượng đồng ruộng. Có những lần đoàn chuyên gia chủ động đến lấy mẫu dứa ngẫu nhiên mà không thông báo trước.
“Rất may mắn, HTX đã được chính quyền địa phương hỗ trợ mời các kỹ sư nông nghiệp về tập huấn, chuyển giao công nghệ. Toàn bộ quy trình trồng dứa gai được thực hiện nghiêm ngặt, từ khâu chuẩn bị đất, chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Tháng 10/2024, sản phẩm của HTX chính thức được cấp chứng nhận Global GAP. Ngay sau đó, HTX xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 180 tấn dứa MD2 sang thị trường Hàn Quốc”... ông Cảnh nói thêm.
Cũng trên địa bàn xã Tân Thắng, HTX Hạnh Phúc cả chục năm qua được biết đến là một mô hình trồng dứa hiệu quả, nổi bật với phương pháp canh tác hữu cơ bền vững.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Hạnh Phúc, cho hay, sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy tiềm năng từ trái dứa, anh đã chủ động liên kết với 12 hộ nông dân, canh tác trên diện tích 44 ha dứa theo tiêu chí "4 không": không hóa chất, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không chín ép. Phân bón được ủ từ phân động vật kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp như lá, củ và vỏ dứa, đồng thời áp dụng mô hình xen canh với cây tràm hoặc ổi để cải tạo đất và kiểm soát sâu bệnh tự nhiên.
Nhờ đó, giá bán dứa tăng cao, dao động từ 11.500 đến 12.500 đồng/quả, cao hơn nhiều so với dứa trồng theo phương pháp truyền thống.
Được mùa được giá, không thể thiếu vai trò HTX
Theo thống kê, trên toàn xã Tân Thắng – địa phương được xem là vựa dứa của Nghệ An với diện tích lên đến gần 1.500ha, chiếm tỉ trọng trên 80% thu nhập của ngành nông nghiệp tỉnh. Thời điểm này, bà con nông dân tại đây đang hối hả thu hoạch dứa để bán cho thương lái. Năm nay quả dứa được mùa, giá bán lại cao nên người dân rất phấn khởi.
Đặc biệt, những diện tích trồng dứa theo hướng hữu cơ, giá cao so với quả dứa thường. Trong năm 2024, toàn xã thu đến 25.000 tấn dứa. Riêng với dứa đạt chuẩn Global GAP hiện được các doanh nghiệp thu mua với giá ổn định 20.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp 2 đến 3 lần canh tác truyền thống, mang lại giá trị từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ. Đây là thành quả của mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, HTX và các doanh nghiệp.
Đầu ra đảm bảo, người dân tại nhiều địa phương tỉnh Nghệ An yên tâm tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ.
Ngoài việc trồng và chăm sóc, thì các HTX và tổ hợp tác tại địa phương tích cực kết nối cùng các công ty xuất nhập khẩu, như Công ty TNHH Nông sản Tuấn An,... trong việc thu mua và hỗ trợ sản xuất dứa cho bà con.
Nhờ đầu ra ổn định, bà con không phải lo lắng thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước, đó là tiền đề quan trọng để các hộ mạnh dạn đầu tư, áp dụng phương pháp canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hướng đến thị trường xuất khẩu.
Anh Nguyễn Văn Tâm (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) - thành viên của HTX Hạnh Phúc cho biết, gia đình anh có hơn 1ha trồng dứa hữu cơ. Vụ dứa năm 2024, gia đình anh Tâm thu về hơn 500 triệu đồng. Điều khiến anh Tâm và các hộ dân trồng dứa ở xã Tân Thắng vui mừng không chỉ vì quả dứa được mùa, được giá mà HTX và các thương lái, các công ty hỗ trợ đến tận nơi để thu mua.
“Đầu ra cho quả dứa đảm bảo, nên người dân nơi đây cũng rất yên tâm để tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ” – anh Tâm chia sẻ.
Tương tự, ông Dương Đình Đức, người dân khác tại xã Tân Thắng – thành viên HTX nông sản AE TA, cũng phấn khởi cho hay, hiện gia đình sở hữu hơn 5 ha dứa, nhờ sự hỗ trợ tích cực của HTX và các đối tác, vườn dứa của ông Đức luôn đạt năng suất cao và chất lượng vượt trội.
“Áp theo giá thu mua của công ty, dự kiến sau vụ này gia đình thu về khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí có thể lãi ròng hơn một nửa, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dứa trong những năm qua là không thể phủ nhận”, ông Đức nhấn mạnh.
Liên kết sản xuất – Tiêu thụ ổn định
Có thể thấy, hiệu quả từ những mô hình liên kết giữa HTX, nhà nông và DN đã và đang được khẳng định rõ rệt trong việc trồng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Không chỉ tại xã Tân Thắng, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu còn các xã như Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng hoặc lân cận đó là huyện Yên Thành cũng có diện tích trồng dứa đáng kể, với khoảng 600 ha đang cho thu hoạch.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An có 196 HTX nông nghiệp có liên kết tiêu thụ sản phẩm và 30 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đây là nền tảng vững chắc để phát triển các mô hình trồng dứa hiệu quả và bền vững trong khu vực.
Việc liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp đã giúp hình thành chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm dứa hữu cơ. Các HTX đã hợp tác chặt chẽ trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến dứa, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, người sản xuất đã sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm dứa trên các phương tiện thông tin, trang mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ nhanh sản phẩm dứa Quỳnh Lưu hiện nay.
Đại diện UBND xã Tân Thắng, khẳng định, việc liên kết giữa nhà nông, HTX và DN như bệ đỡ, giúp các hộ dân chuyên tâm vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp cải thiện chất lượng dứa, nâng cao giá trị kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Những năm qua, chính quyền xã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh cùng các đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân trồng dứa theo phương pháp hữu cơ. Đến nay, trồng dứa theo phương pháp hữu cơ đã trở thành một thói quen của người dân. Quả dứa cũng an toàn và chất lượng hơn nên được thị trường ưa chuộng” – đại diện xã thông tin.
Thành công của mô hình trồng dứa hữu cơ tại Quỳnh Lưu không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, nhưng đổi lại là hiệu quả kinh tế cao và sự phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương.
Đặc biệt, nhờ sự hộ trợ của Liên minh HTX Việt Nam thông qua Liên minh HTX tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ HTX; hỗ trợ phân bón, con giống, vật nuôi; kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ nguồn vốn vay,... nhờ đó, hàng trăm mô hình HTX và tổ hợp tác tại địa phương có điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên chợ sản phẩm trực tuyến, từng bước mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/hie-u-qua-tu-mo-hinh-lien-ke-t-trong-dua-huu-co-o-quynh-luu-1106718.html