Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cao su tiểu điền bền vững” do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam triển khai trên địa bàn xã Long Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) sau 3 năm đã mang lại hiệu quả, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Hoạt động thuộc dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024.
*Hỗ trợ nông dân nâng cao sản lượng, chất lượng
Năm 2022, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam chọn 20 hộ có vườn cây cao su đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề trồng cao su để tham gia dự án. Tiến sĩ Trần Đình Minh, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết, diện tích cao su tiểu điền chiếm tỷ trọng khá lớn đối với ngành cao su của Việt Nam. Chính vì thế, Chính phủ có các chính sách hỗ trợ nông dân trồng cao su tiểu điền. Bởi vì, đặc thù của cao su tiểu điền thường diện tích nhỏ, manh mún, tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, mục tiêu của dự án khuyến nông cao su quốc gia mang đến cho bà con những tiến bộ mới nhất, chăm sóc vườn cây chất lượng tốt nhất và khai thác một cách bền vững nhất.
Những hộ dân tham gia dự án được giúp vốn đầu tư phát triển cao su thông qua việc hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư thu hoạch mủ; đồng thời, được trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật canh tác cây cao su từ thâm canh chăm sóc, thu hoạch mủ đến quản lý chất lượng mủ thu hoạch từ vườn cây để có thể cập nhật và tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật, giúp việc sản xuất cao su đạt hiệu quả cao.
Cao su trồng tại Việt Nam đạt được chất lượng tốt nhất thế giới. Ảnh: TTXVN
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lan (thôn 5, xã Long Tân) tham gia dự án xây dựng mô hình sản xuất cao su tiểu điền bền vững đến nay đã nắm vững kỹ thuật canh tác, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản mủ. Gia đình ông Lan đã biết bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để cải thiện độ phì nhiêu của đất. Qua các đợt tập huấn, ông Lan đã áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp thông qua việc thiết lập có kiểm soát các thảm phủ tự nhiên kết hợp kỹ thuật hố đa năng tích mùn, giữ ẩm, bón phân và ép xanh.
Ông Nguyễn Văn Lan chia sẻ, từ khi tham gia mô hình, chúng tôi được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam giới thiệu các tài liệu, sách quy trình kỹ thuật sử dụng sản phẩm nông dược đúng cách. Ngoài ra, Viện còn giới thiệu các sản phẩm tiên tiến như: dao cạo mủ cải tiến, máng chắn mưa; cấp phát sử dụng miễn phí các sản phẩm như thuốc kích thích mủ. Qua đó, năng suất vườn cao su của gia đình tôi đạt trung bình 2 tấn mủ/ha/năm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực.
Theo ông Lan, từ khi tham gia mô hình, năng suất mủ cao su tăng trên 10%, chất lượng mủ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến. Chi phí sản xuất giảm nhờ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. “Tôi đã tham gia các khóa tập huấn giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng canh tác bền vững cao su. Chúng tôi sẵn sàng áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Liên kết với các tổ chức, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, ông Lan chia sẻ thêm.
Còn ông Lê Huy Sơn ở thôn 7 (xã Long Tân) có tổng diện tích là 3 ha trồng cao su. Gia đình ông Sơn đã chọn 1 ha để tham gia mô hình sản xuất cao su tiểu điền bền vững. Theo ông Sơn, từ khi tham gia mô hình này, ông học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hướng dẫn về cách bón phân, chăm sóc vườn cây để trị nấm, cách bôi thuốc để khai thác mủ... Kết quả thực hiện sau 3 năm, diện tích của gia đình thực hiện dự án tăng rõ rệt từ 20% trở lên về sản lượng và chất lượng mủ so với diện tích nằm ngoài dự án. Đặc biệt, độ cao hơn, giảm được công lao động, tăng từ cạo D2 chuyển sang D3.
Dự án không chỉ tăng sản lượng, chất lượng mủ mà còn giảm thiểu ô nhiễm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Lê Đức Quỳnh ở Thôn 7 (xã Lông Tân) cũng phấn khởi khi tham gia dự án đã mang lại nguồn thu tăng hơn so với trước đây. Chi phí sản xuất giảm nhờ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Lê Đức Quỳnh cho biết, bản thân tôi là một trong những thành viên tham gia mô hình này, tôi thấy rất là hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện theo quy trình dự án đã tạo điều kiện cho đất màu mỡ phì nhiêu hơn. Bởi vì gia đình canh tác theo hướng sinh học nên mang hiệu quả rất cho đất, tạo động lực cho cây phát triển bền vững.
* Nhân rộng mô hình bền vững
Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân Đỗ Nhật Quang cho biết, đối với dự án mô hình sản xuất cao su tiểu điền bền vững triển khai tại địa phương trong 3 năm qua có nhiều chuyển biến rất tích cực, đem lại hiệu quả rất cao về năng năng suất, chất lượng sản phẩm mủ. Thu nhập của bà con nông hộ tham gia dự án cũng được tăng lên, góp phần là ổn định đời đời sống của các nông hộ.
Qua dự án, do việc áp dụng khoa học kỹ thuật của mô hình đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tranh thủ được lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đây là dự án xây dựng mô hình hiệu quả. Tôi hy vọng trong thời gian tới, dự án xây dựng mô hình sẽ được nhân rộng tại địa phương.
Dự án giúp cho người nông dân sản xuất cao su nâng sao năng suất và chất lượng mủ để có thể sản xuất ra sản phẩm cao su có chất lượng đạt chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Người dân kết nối được với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi làm tăng hiệu quả kinh tế.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, sau khi dự án kết thúc, người sản xuất cao su tại các địa phương vùng dự án có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ canh tác cây cao su từ thâm canh chăm sóc, thu hoạch mủ đến quản lý chất lượng mủ sau thu hoạch và phổ biến nhân rộng mô hình ra các hộ và địa phương khác.
“Tham gia mô hình giúp bà con cải thiện năng suất vườn cây và duy trì trong thời gian dài bền vững. Với các tiến bộ kỹ thuật mà chúng tôi đã truyền tải, đào tạo cho bà con sẽ nâng cao được chất lượng đầu vào cho các nhà máy thu mua mủ nguyên liệu. Mô hình giúp sản phẩm đầu vào cho các nhà máy thu mua mủ nguyên liệu. Đây chính là tiền đề để nâng cao cái giá trị về sản phẩm mủ của bà con, mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình mô hình cao su tiểu điền này, qua 3 năm, chúng tôi xây dựng đã cải thiện được về năng suất và về hiệu quả kinh tế trên 15 % so với với trước đây”, Tiến sĩ Trần Đình Minh cho biết thêm.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cao su toàn tỉnh Bình Phước hơn 244.000 ha, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 30%. Thời gian qua, cây cao su vẫn là một trong những loại cây trồng lâu năm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cao su tiểu điền bền vững” sẽ góp phần nhỏ nâng cao năng suất, chất lượng ổn định và bền vững; đáp ứng nhu cầu chế biến và tăng thu nhập cho người trồng cao su tại Bình Phước.
K Gửi H/TTXVN