Hình thành tính tự giác khi tham gia giao thông

Hình thành tính tự giác khi tham gia giao thông
một ngày trướcBài gốc
Nâng cao ý thức tự giác
Nghị định mới quy định các mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông sẽ tăng từ vài lần đến vài chục lần. Ví dụ, lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng (trước đây) lên tới 18 - 20 triệu đồng với ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy. Điều này tạo ra một sức răn đe mạnh mẽ đối với người tham gia giao thông, khiến họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vi phạm.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết để đảm bảo triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Ghi nhận vào khung giờ cao điểm ngày 6/11, người tham gia giao thông đi đúng làn đường, dừng chờ đèn đỏ đúng vạch kẻ đường.
Ghi nhận vào khung giờ cao điểm ngày 6/11, người tham gia giao thông đi đúng làn đường, dừng chờ đèn đỏ đúng vạch kẻ đường, tạo hình ảnh đẹp về giao thông Thủ đô.
Sau gần một tuần thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, Phòng Cảnh sát giao thông đánh giá, tình hình giao thông Thủ đô bước đầu đi vào nền nếp, người tham gia giao thông đã nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm trên nhiều tuyến đường.
Có mặt tại nút giao ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng và nút giao Ô Chợ Dừa, Đại tá Phạm Quang Huy - Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá cao lực lượng CSGT Thủ đô trong gần một tuần qua, bên cạnh việc xử lý đã nâng cao công tác tuyên truyền, bước đầu hình thành tính tự giác tuân thủ luật giao thông, tạo hình ảnh đẹp trên mỗi ngã tư đường phố.
CSGT Hà Nội cần chọn những nút giao thông quan trọng, tạo điểm nhấn về hiệu quả thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP và duy trì những nét đẹp văn hóa giao thông đang được định hình… Đồng thời với duy trì các kết quả ban đầu, cần tập trung xử lý nghiêm các tài xế xe ôm, xe công nghệ chở hàng cồng kềnh, người đi xe đạp… thường viện lý do thu nhập thấp, là lao động phổ thông để vi phạm.
Sự thay đổi diện mạo của pháp luật giao thông như vậy đã nhận được sự đồng tình từ nhiều người dân. Họ cho rằng việc phạt nặng là cần thiết để giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, vốn đang có xu hướng gia tăng do ý thức kém của một số bộ phận tài xế. Một người dân chia sẻ, sự thay đổi này khiến họ nhận thức rõ hơn về rủi ro khi vi phạm luật giao thông và thúc đẩy họ chấp hành nghiêm túc.
Tác động rõ nét đến văn hóa giao thông
Những ngày đầu áp dụng Nghị định 168 đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông của người dân. Ghi nhận trên các tuyến đường ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy tình trạng vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy vào đường một chiều đã giảm rõ rệt. Thay vì bất chấp luật lệ như trước, nhiều tài xế đã bắt đầu dừng xe đúng tín hiệu đèn và nhường đường cho người đi bộ tại các khu vực có biển chỉ dẫn.
Có thể thấy rõ rằng, phạt nặng không chỉ đơn thuần là hình thức xử phạt mà còn là yếu tố tạo ra một thói quen mới – thói quen tự giác. Điều này đã được các chuyên gia giao thông và luật sư nhận định. Họ cho rằng, khi mà mỗi cá nhân đều ý thức được mức phạt nặng, họ sẽ tự nguyện tuân thủ quy định giao thông nhằm bảo vệ bản thân và các yếu tố xung quanh.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, số vụ vi phạm đã giảm đi đáng kể trong những ngày đầu năm 2025. Trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm. Điều này cho thấy rằng việc thực thi nghiêm minh các quy định mới đã có tác động rõ rệt đến ý thức tham gia giao thông của người dân.
Theo thống kê của phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ ngày 1 đến hết 4-1, toàn thành phố Hà Nội đã xử lý 3.329 trường hợp vi phạm, trong đó đường bộ có 3.292 trường hợp, đường sắt 2 trường hợp, đường thủy 35 trường hợp. Các lỗi vi phạm vượt đèn đỏ 150 trường hợp, vi phạm đường cấm ngược chiều 107 trường hợp, vi phạm tốc độ 166 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 479 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 690 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 1.114 trường hơp... Phạt tiền ước tính hơn 8,5 tỷ đồng, tạm giữ 983 phương tiện, tước 102 giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe 350 trường hợp (45 ô tô, 305 mô tô).
Phòng CSGT Công an TP thông Hà Nội cho biết, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều, không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông.
Thời gian tới, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy tắc khi tham gia giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Bên cạnh việc xử lý đã nâng cao công tác tuyên truyền, bước đầu hình thành tính tự giác tuân thủ luật giao thông, tạo hình ảnh đẹp trên mỗi ngã tư đường phố.
Có thể thấy rằng, từ ngày 1/1/2025, việc áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP với các mức xử phạt tăng nặng không chỉ nhằm xử lý vi phạm mà còn là cơ sở để hình thành thói quen tự giác của người tham gia giao thông. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tỷ lệ tai nạn mà còn góp phần xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, an toàn hơn. Sự chuyển biến này cần được duy trì và phát huy, yêu cầu sự hợp tác không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà còn từ mỗi cá nhân trong xã hội, nhằm tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho tất cả mọi người.
Phạm Công
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/hinh-thanh-tinh-tu-giac-khi-tham-gia-giao-thong.html