Trong nhiều năm qua, chưa có thời điểm nào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quan tâm thực hiện như năm 2024 và chỉ đạo đối với năm 2025. Đến lúc này, có lẽ 1 triệu người dân Bình Phước cũng như 100 triệu người Việt Nam, đều đã “thấm” chủ trương “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, sau một thời gian tuyên truyền sâu rộng, từ ngày 1-1-2025, với mức phạt rất cao, vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã chuyển biến rất rõ, rất dễ dàng nhìn thấy ở các thành phố có mật độ giao thông cao.
Những kết quả đạt được trong năm 2024 về nghiêm khắc xử lý và kéo giảm vi phạm an toàn giao thông trên toàn tỉnh và cả nước rất tích cực, được cả xã hội quan tâm, ủng hộ. Số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương đều giảm. Thế nhưng, từ lãnh đạo Trung ương đến lãnh đạo tỉnh vẫn xuyên suốt quan điểm như vậy là chưa đủ, cần tiếp tục quyết liệt, tiếp tục quyết tâm, tiếp tục có sự vào cuộc của cả cộng đồng, của tất cả cơ quan liên quan. Đồng thời, như Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền quán triệt, vẫn phải tiếp tục sòng phẳng, không đánh đồng, đơn vị nào, ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào làm tốt thì biểu dương, nhân rộng, ngược lại thì phải phê bình, có địa chỉ rõ ràng, không cào bằng, không theo kiểu khuyết điểm thì của chung, thành tích thì của riêng…
Không khó hiểu cho điều đó, khi đây mới chỉ là bước đầu, là giai đoạn đầu nhằm dần hình thành văn hóa giao thông. Đặc biệt, năm 2024 trên địa bàn tỉnh còn nhiều con số rất đáng chú ý, như: Chia theo nhóm tuổi, trẻ em và vị thành niên có số trường hợp vi phạm hơn 1/10 so với người lớn (7.308 so với 67.965 trường hợp), tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh chiếm tỷ lệ còn cao hơn. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông, đáng chú ý trong tổng số 381 vụ có tới 32 vụ do người đi bộ và 176 vụ do không chú ý quan sát.
Những con số này cho thấy, số vụ, số người chết, số người bị thương đã giảm, nhưng ý thức tham gia giao thông dẫn tới tai nạn còn rất kém trong cộng đồng. Vì thế, mục tiêu hạn chế vi phạm, hạn chế tai nạn, hướng tới hình thành văn hóa giao thông còn rất gian nan phía trước, đặc biệt là cần hình thành thói quen trong cộng đồng.
Xa hơn, việc hình thành thói quen tốt, ý thức tốt khi tham gia giao thông của con người phải bắt đầu từ khi còn nhỏ, từ khi còn trong vòng tay cha mẹ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự sòng phẳng không cào bằng, không “thành tích của tôi, khuyết điểm của chúng ta” như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng vậy, bắt đầu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ cơ sở đến cấp cao nhất, trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mới dần góp phần hình thành văn hóa giao thông - một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước.
Dẫu biết xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông là cả một quá trình lâu dài, không dễ dàng đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng khi hình thành, đó sẽ là công cụ hiệu quả nhất trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trần Phương