Hình thức lừa đảo tinh vi hơn xuất hiện sau khi toàn ngành ngân hàng thực hiện sinh trắc khuôn mặt

Hình thức lừa đảo tinh vi hơn xuất hiện sau khi toàn ngành ngân hàng thực hiện sinh trắc khuôn mặt
13 phút trướcBài gốc
Từ 1/7 toàn ngành ngân hàng đã triển khai xác thực khuôn mặt và quét căn cước công dân gắn chíp. Giải pháp này chỉ cho phép chính chủ tài khoản ngân hàng mới có thể thực hiện giao dịch; từ đó hạn chế việc lừa đảo, làm sạch tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều phương thức lừa đảo mới, tinh vi hơn, công nghệ cao hơn lại đã xuất hiện. Đó là chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại, từ đó tự thao tác được các giao dịch trên chính thiết bị của khách hàng.
Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB nhận định: "Đối tượng lừa đảo làm giải pháp cao cấp hơn, ví dụ như chiếm toàn bộ quyền điện thoại, sau đó bật camera mà khách hàng không nhận biết được và thực hiện ghi hình ảnh khách hàng để gửi về ngân hàng. Với công nghệ như vậy thì xác thực sinh trắc học không có ý nghĩa nữa."
Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, ứng dụng những công nghệ mới, việc sử dụng các giải pháp số sẽ góp phần như một tấm khiên bảo vệ người dùng phát hiện sớm các nguy cơ lừa đảo trước khi giao dịch trên không gian mạng. Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay: "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng 1 cộng đồng phòng chống lừa đảo trong đó người dùng vừa là thụ hưởng nhưng cũng là người đóng góp vào cơ sở dữ liệu phòng chống lừa đảo."
Hiện các ngân hàng cũng đang nâng cấp tính năng nhận biết xem thiết bị đang giao dịch có bị chiếm quyền sử dụng hay không. Thế nhưng, để chặn tận gốc của việc lừa đảo, người dân cần luôn nâng cao cảnh giác.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo người dân cần ý thức được bản thân mình, không truy cập vào đường link lạ. Khi truy cập lập tức sẽ có nguy cơ mất thông tin tài khoản ngân hàng. Không có cơ quan chức năng nào gọi điện đe dọa người dân. Khi có dấu hiệu như thế phải báo ngay cho lực lượng chức năng.
Trong trường hợp nghi ngờ thiết bị di động của mình bị chiếm quyền hoặc dính mã độc, người dân thực hiện nhập sai mật khẩu 5 lần liên tiếp để khóa truy cập vào các ứng dụng ngân hàng và ứng dụng thanh toán khác hoặc liên hệ với ngân hàng để tạm khóa dịch vụ, rà soát các ứng dụng trên điện thoại.
Hồng Thủy
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hinh-thuc-lua-dao-tinh-vi-hon-xuat-hien-sau-khi-toan-nganh-ngan-hang-thuc-hien-sinh-trac-khuon-mat-172240923143044109.htm