Hố bom ngày cũ

Hố bom ngày cũ
5 giờ trướcBài gốc
Thu hoạch rau. Ảnh minh họa: Lê Hữu Thiết
1. Gia đình tôi đến kinh tế mới vào cuối những năm 1980. Lúc ấy, đất đai đều đã có chủ nhưng bỏ hoang là phần nhiều. Không thủy lợi, không giếng khoan, chỉ trông chờ vào nước trời nhưng thời ấy mưa thuận gió hòa, chủ động được mùa màng nên cây cối vẫn tốt tươi. Mùa khô đến, nắng rát chang chang, rần rật mặt đất, cây cối khô héo, nhiều giếng đào cạn trơ đáy nên việc sản xuất nông nghiệp hầu như dừng lại. Chỉ còn cây thuốc rê, cây điều là bền bỉ chống chọi với khô hạn, nắng rát và cuộc sống của người dân quê cũng chỉ còn quẩn quanh với 2 loài cây trồng chịu hạn này.
Nhưng giữa vùng đất rộng lớn và khô hạn, vẫn còn một vùng nước trong xanh mà người dân quen gọi là bàu. Bàu nước có dạng tựa hình tròn, đường kính dễ đến 50m, nằm lọt thỏm giữa một bên là ruộng lúa và một bên là rẫy bắp. Khi chưa biết xuất xứ, tôi vẫn nghĩ đó là món quà tuyệt vời của tạo hóa ban tặng cho người nông dân. Bởi lẽ, vào mùa mưa, chim chóc, tôm, cua, cá, ốc, ếch, cả sen, súng, lục bình, rong rêu thường tập trung về. Bàu nước là bản hợp ca vui nhộn thiếu vắng nhạc trưởng của bìm bịp, chèo bẻo, ễnh ương… hay cũng là tấm thảm rực rỡ bỏ qua bố cục của những sen hồng, rau muống tím, súng trắng, lục bình xanh lam, những mảng rêu vàng chạch cùng vấn vít dây leo xen cành, xen lá.
Mùa khô, khi xung quanh là một màu trắng xác, vàng úa của khô khát thì bàu nước mới thực sự là viên ngọc long lanh. Lúc này, mực nước xăm xắp mặt ruộng ngày nào đã hạ thấp dễ đến vài mét để lộ ra đáy bàu hình lòng chảo, lởm chởm những đá. Càng đến đáy, đường kính của bàu nước càng thu gọn. Có cảm tưởng bàu nước là mũi khoan khổng lồ khoan xoáy xuống một cơ thể cằn cỗi. Có điều, vết khoan ấy tạo ra một mảng mơn mởn xanh. Khi mực nước rút thấp lộ dần ra phần đất quanh miệng bàu; phần đất ấy trong suốt mùa mưa đã được bồi đắp bởi mùn, sình nên nhanh chóng được phủ xanh; mạnh nhất là rau muống, rau nhút. Chừng nửa tháng, khoảng đất phát lộ cũng trở nên khô khát, nứt nẻ nên cây cối lại bò, trườn đuổi theo làn nước để tiếp tục sinh sôi.
Bàu nước lúc này là nơi con bò già dượm ướm những bước chân để nhoài người, vươn cổ xuống uống nước. Con chó lí lắc nhảy xuống bơi một vòng sau màn rượt đuổi cùng bầy đàn. Nơi cô gà mái lục tục dẫn đàn con ra uống nước, thấy bóng mình dưới làn nước xanh lẫn với những bóng cá tôm bơi lội lại thốt lên những tiếng vừa thảng thốt, vừa rụt rè “Cục cục, chiếp chiếp!”. Nơi ban đêm thanh vắng, những cô chồn, chị thỏ, chú sóc hay anh rắn lẳng lặng ra uống nước, về hang rồi còn để lại những dấu vết rành rành. Những luống rau, giàn bầu hay vạt đậu xanh mới tỉa nhờ nước bàu mà tươi tốt trong nắng gió mùa khô.
Sau này, càng ngày hình dáng bàu nước càng bị biến dạng do được bồi đắp và san lấp khiến hình hài trở nên dích dắc trông ngộ nghĩnh. Duy có điều không thay đổi là mực nước khi rút đến một độ nhất định thì dừng lại và ổn định. Bàu nước lúc này trở thành chiếc giếng lộ thiên bởi nguồn nước ngầm từ đâu đó vẫn âm thầm đổ về trong vắt, long lanh.
Ảnh minh họa: Nguyễn Cao Tú
2. Cho đến một ngày, tôi mới biết bàu nước có xuất xứ là một hố bom. Ngày xưa, nơi đây là rừng, những vùng đất vì chở che bộ đội nên bom đạn thường kiếm tìm. Vùng kinh tế mới cuối những năm 1970 chi chít hố bom; người lớn tuổi có thể nhớ rành rẽ về những hố bom sau nhà ông Hai Quý, bên giếng nhà ông Tư Thợ Đục, cuối rẫy nhà bà Mười Sản Xuất…, nhưng vì chúng khá nông nên thời gian đã vùi lấp cả rồi. Chỉ có hố bom trên mảnh đất nhà tôi vẫn tồn tại dai dẳng như một chứng tích, một vết thương lòng rồi thành một người bạn thân thiết của nhà nông hồi nào không nhớ nữa.
Có những khi lặng nhìn bàu nước - hố bom, tôi vẩn vơ với suy nghĩ, quả bom kia hẳn to lớn và có sức công phá ghê gớm lắm; hẳn khi thoát ra khỏi bụng máy bay, nó lao nhanh và mạnh lắm; thậm chí nó còn kéo thêm cả bom bạn, bom bè nên nó mới có thể khoan sâu vào trong lòng đất, để từ đó những mạch nước ngầm tứa ra.
Thời gian trôi đi, hố bom duy nhất của ấp đã không còn. Biến đổi khí hậu, mưa nắng đổi thay, những mạch nước ngầm đã rút đi, những cơn mưa bao năm đã bào mòn chỗ này, bồi lắp chỗ khác nên dần dần, vào mùa khô bàu nước trong xanh ngày nào cũng nông dần, rồi cạn khô như bàu nhà ông Hai, ông Tư, bà Mười thuở nọ.
3. Khu vực bàu nước giờ là vườn xoài trĩu trái. Mùa khô đã không còn nắng chang chang như thuở nào. Dưới tán cây râm mát, đàn bò nằm thảnh thơi, lơ đãng nghe tiếng con chó sủa, tiếng con chim gù gọi bạn, mặc kệ đàn gà leo lên lưng, chuyền lên đầu, lên cổ. Dấu vết xưa đã xóa mờ. Xóm làng bây giờ đã đổi thịt thay da, chẳng còn mấy ai nhớ đến chuyện bàu nước, hố bom. Như thế, để biết mình đang là người hạnh phúc.
Tản văn của Trâm Oanh
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202504/ho-bom-ngay-cu-4d70fa1/