Tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất
Công ty cổ phần Tập đoàn EFC, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Các dịch vụ DN cung cấp như quan trắc và phân tích môi trường; quan trắc môi trường lao động; phân tích, kiểm nghiệm nước sạch; thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý nước thải, nước cấp; tư vấn các thủ tục pháp lý về môi trường… Ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng Giám đốc cho biết, những năm qua, Công ty đặc biệt quan tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu khoa học các cấp.
Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất đưa nhiều công nghệ mới phục vụ sản xuất.
Cụ thể như: Tư vấn phân tích mẫu môi trường phục vụ nhiệm vụ quan trắc, phân tích các thành phần môi trường đất, nước, không khí theo mạng lưới quan trắc của tỉnh; lấy mẫu, phân tích đánh giá chất lượng nguồn nước mặt sông Cầu; quan trắc, đánh giá ô nhiễm môi trường, thi công các công trình bảo vệ môi trường cho nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Công ty có gần 20 cán bộ, nhân viên có trình độ, năng lực và thường xuyên được đào tạo, tập huấn về KHCN; bảo đảm đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN khoảng 56 tỷ đồng.
Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo, xã Ngọc Châu (Tân Yên) nổi tiếng với sản phẩm xe rùa thân thiện với môi trường. Sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Úc, châu Âu. Trước đòi hỏi ngày càng cao của đối tác, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ngành, địa phương, những năm gần đây, Công ty tiếp tục quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Hàng loạt máy móc, thiết bị công nghệ cao như robot hàn, máy hàn tự động, máy cắt tự động, hệ thống sơn tĩnh điện… được đưa vào sản xuất xe rùa. Vì thế, thời gian thi công giảm 50%, sản phẩm ngày càng có hình thức đẹp mắt, gọn nhẹ, sử dụng tiện lợi. Mỗi năm, DN sản xuất, tiêu thụ 150-200 nghìn xe rùa, tạo việc làm ổn định cho gần 100 công nhân.
Ngoài hai công ty trên, một số DN khác trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ mới như: Công ty TNHH Thiên An (TP Bắc Giang); Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang); Công ty TNHH Thái Eco (Yên Dũng); Công ty TNHH LATON ROSIN Việt Nam (thị xã Việt Yên); Công ty TNHH DAEYANG HA NOI (Tân Yên); Công ty TNHH Môi trường Mới Bắc Giang (Sơn Động)…
Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của KH&CN đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất tại các DN vẫn gặp không ít khó khăn. Đại diện Công ty TNHH Thiên An (TP Bắc Giang) cho hay, nhân sự tham gia nghiên cứu KH&CN của Công ty đang kiêm nhiệm, chủ yếu hoạt động theo nhóm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa có phòng thí nghiệm, phần lớn đi thuê để nghiên cứu.
DN cũng chưa có quỹ đất để xây dựng nhà xưởng, kho bãi, vì thế, sau khi thu mua nguyên liệu đầu vào (cây dược liệu), Công ty phải thuê DN khác có máy móc, thiết bị bảo đảm để chiết xuất, gia công thành các sản phẩm tinh dầu, viên rửa chén… Bên cạnh đó, hầu hết DN đều gặp khó khăn về nguồn lực tài chính. Từ năm 2023 đến nay, Sở KH&CN rà soát, tổng hợp được 7 DN có nhu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ sản suất nhưng do chi phí đầu tư lớn nên các DN này không đủ điều kiện tham gia.
Khắc phục khó khăn, nhiều DN tiếp tục phát huy nội lực, quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Để đồng hành, tiếp sức, Sở KH&CN đã quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Sở hỗ trợ thành lập mới 2 DN và 3 tổ chức KH&CN, nâng tổng số toàn tỉnh lên 20 DN và 13 tổ chức KH&CN có nhiều hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển thị trường KH&CN tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, Sở KH&CN đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về quản trị công nghệ, tài sản trí tuệ của DN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đại diện hàng trăm DN trên địa bàn. Nhiều DN được tạo điều kiện tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm 2024, tỉnh có 12 DN được hỗ trợ để phát triển KH&CN, nâng chất lượng sản phẩm với tổng số tiền gần 356 triệu đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, công cụ, mô hình, phương pháp quản lý tiên tiến, đạt giải thưởng chất lượng, có sản phẩm, hàng hóa công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn và áp dụng truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, năm 2024, toàn tỉnh có 12 DN được hỗ trợ với tổng số tiền gần 356 triệu đồng.
Hiện Trung tâm Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) đang duy trì, phát triển “Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang” (batex.vn). Sàn đã có khoảng 1,5 nghìn thành viên (là các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất ở trong và ngoài tỉnh) đăng ký tham gia; cung cấp, chào bán hơn 9 nghìn sản phẩm ở nhiều lĩnh vực như: Cơ khí chế tạo máy, điện tử, xây dựng, kiến trúc, đo lường, môi trường, y tế, giao thông vận tải, công nghệ thông tin… Thông qua đây, một số đơn vị đã tiếp cận thêm khách hàng, thị trường mới, cụ thể như: Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang); Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại - HHK (Hiệp Hòa); Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang (Lục Ngạn); HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca (thị xã Việt Yên)…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN cho biết thêm, Sở đã đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN KH&CN trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển KH&CN của T.Ư. Tiếp tục tham mưu, đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; hỗ trợ chuyển giao và phát triển công nghệ trong DN. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bài, ảnh: Mạc Yến