Hòa bình chưa trọn vẹn: Những tuổi hoa niên đã khép lại sau tiếng bom rơi

Hòa bình chưa trọn vẹn: Những tuổi hoa niên đã khép lại sau tiếng bom rơi
11 giờ trướcBài gốc
Những tuổi đôi mươi chưa kịp “chớm nở” nhanh chóng đã lụi tàn
Khi đất nước gọi tên, họ mới chỉ là những chàng trai vừa rời ghế giảng đường, những cô gái đang viết dở một bức thư tình, những cậu học sinh chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Họ mang trong tim những ước mơ chưa kịp thành hình, ra đi với mái đầu còn xanh và một niềm tin cháy bỏng về tương lai tươi sáng– không chỉ cho mình, mà cho cả đất nước.
Những đôi mắt sáng, nụ rạng rỡ của những người lính trẻ tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Họ đã chẳng tiếc tuổi xuân dâng hiến tất cả cho lý tưởng hòa bình, tự do và tương lai tươi đẹp của Tổ quốc. (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Chiến tranh khốc liệt không phân biệt một ai, bom đạn vô tình chẳng nương tay với bất cứ trái tim trẻ nào đang rực lửa nhiệt huyết. Chưa người lính nào đi qua đạn lửa chiến tranh mà toàn vẹn trở về. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại ở tuổi xanh, có những người sống sót trở về nhưng thanh xuân thì bị chôn vùi nơi tiền tuyến.
Cụ Đoàn Tước (sinh năm 1938) cũng vậy. Gác lại hết những ước mơ, hoài bão lúc mới lớn, một thời tuổi trẻ của cụ trao trọn vào chiến trường, nơi mà chỉ có khói lửa và hy sinh.
Theo như lời kể của cụ Đoàn Tước, ngày ấy các cụ chỉ là những thanh niên mới đôi mươi tham gia huấn luyện hơn 2 tháng, hàng ngày vác gạch, vác đá để rèn luyện. Sau đó là quá trình hành quân vượt dãy Trường Sơn vào Nam kháng chiến. "Khi ấy chúng tôi mới đôi mươi, có 2 kí muối, 2 lạng bột ngọt…mà xẻ dọc Trường Sơn" - cụ Tước kể lại.
Cụ Đoàn Tước giờ đã bước vào tuổi 90, tóc đã bạc trắng, những dấu tích chiến tranh vẫn in hằn trên cơ thể nhưng cụ vẫn minh mẫn kể lại những câu chuyện thuở thiếu thời xung phong trận mạc (Ảnh NVCC)
Những mùa xuân tươi đẹp nhất dành trọn bên chiếc vô lăng chở theo khát vọng hòa bình
Cụ Nguyễn Duy Thịnh (sinh năm 1945), khi ấy cũng chỉ là cậu trai ở tuổi đôi mươi, lái xe không kính, chở khí tài băng qua Trường Sơn huyền thoại. Giữa rừng già trùng điệp, mưa bom đạn pháo không ngừng gào thét, cụ vẫn giữ chặt vô-lăng bởi đối với chàng thanh niên khi ấy vẫn còn một thứ còn quý giá hơn cả tuổi trẻ.
“ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Cụ Nguyễn Duy Thịnh là một trong những người lính gương mẫu của thế hệ đi trước, đã hiến dâng cả tuổi xuân và những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh: Lê Thanh Lịch)
Bước ra khỏi chiến tranh, cụ Duy Thịnh giờ đây sống những tháng ngày yên bình bên ruộng đồng. Nhưng mỗi lần kể lại chuyện cũ, cụ lại nhìn xa xăm như quay về cái thời quên đi tuổi xuân, cùng đồng đội bên chiếc xe chỉ còn khung sắt và khát vọng chiến thắng.
Những thoáng tuổi xanh “xếp bút nghiên lên đường ra trận”
Đó cũng là câu chuyện tuổi trẻ đầy xót xa thời kháng chiến của bác Lê Quốc Thành, một chiến sĩ trong Tiểu đoàn C7 - E95. Năm 1971, bác Thành khi ấy chỉ là một cậu sinh viên đã cùng cả lớp ghi danh để chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị. Trước khi tách nhau về các đơn vị, cả lớp đã ngồi liên hoan và ghi dòng hẹn ước hòa bình sẽ quay trở về học tiếp lên bảng đen, đồng thời lập sơ đồ chỗ ngồi để sau này đứa nào trở về có thể tìm được chỗ của mình.
Thế nhưng mấy chục năm trôi qua, lời hẹn ước trên bảng đen vẫn còn bỏ ngỏ. Những cậu lính sinh viên ấy chẳng thể chờ được đến lúc hòa bình để tham gia buổi họp lớp đã hứa ngày ấy.
“Vì cả lớp tôi đều đã hy sinh trong mặt trận Quảng Trị, chỉ còn mình tôi là thương binh 1/4 trở về.” bác Thành ngậm ngùi.
Bác Quốc Thành là thương binh ¼ trở về, mất hoàn toàn khả năng lao động và cơ thể mang theo tới 20 mảnh đạn (Nguồn:Tifosi)
Mặc dù giấc mơ họp lớp và tiếp tục quay lại học tập chưa bao giờ được thực hiện, nhưng một giấc mơ lớn hơn đã được họ chắp cánh. Đó là giấc mơ về một Tổ quốc thống nhất, hòa bình và tương lai tươi sáng cho thế hệ sau.
Sống tiếp những tuổi trẻ chưa trọn
Thanh xuân của họ đã hiến dâng cho chiến trường, vào những tháng ngày đen tối nhất của đất nước. Dù giữa bão táp bom rơi, thế hệ đi trước vẫn kiên cường giữ vững ý chí chiến đấu, với tình yêu mãnh liệt dành cho cuộc sống, quê hương và gia đình xuất phát từ lý tưởng cao đẹp. Những hy sinh ấy đã tạo nên những khúc ca bất tử, những ký ức sâu đậm, không chỉ sống mãi trong lòng dân tộc mà còn khắc sâu trong trái tim mỗi thế hệ hôm nay, như một lời nhắc nhở thiêng liêng về giá trị của tự do và sự biết ơn.
Được sống trong hòa bình, tự do, là món quà vô giá đánh đổi bằng xương máu dân tộc. Chính vì vậy hãy tiếp nối những ước mơ, thanh xuân còn dang dở của cha ông và sống một cuộc đời có ý nghĩa, sống hết mình để không bao giờ hối tiếc. Bởi lẽ:
“Có những tuổi đôi mươi không bao giờ kịp trở thành người lớn. Vì họ đã dành trọn tuổi trẻ để giữ lấy tương lai cho những người đến sau.”
Diệu Yến
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/hoa-binh-chua-tron-ven-nhung-tuoi-hoa-nien-da-khep-lai-sau-tieng-bom-roi-post1737267.tpo