Bức ảnh Dân quân già Trần Văn Ong bắn hạ máy bay F4H ngày 16/11/1967 tại xã Đức Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, do Nhà báo Chu Chí Thành chụp. (Ảnh trong bài nguồn: Tư liệu)
Quân với dân như cá với nước
Một trong những yếu tố làm nên thời khắc lịch sử Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là sự đoàn kết của người dân Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”.
Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giải phóng miền Nam, biết bao thế hệ người Việt Nam không phân biệt tuổi tác, giới tính đã vượt qua mưa bom, bão đạn tiếp tế lương thực, đưa những người lính qua sông, bắn hạ cả máy bay của địch. Như câu chuyện của mẹ Suốt ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã chở hàng trăm chuyến đò vượt qua nguy hiểm bom rơi, đạn nổ để đưa các chiến sĩ cập bờ an toàn.
Mẹ Suốt sinh năm 1906, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nổ ra, mẹ đã ngoài 60 tuổi. Theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ, mẹ Suốt đã xung phong nhận một công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: Chở đò ngang qua sông Nhật Lệ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy; cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.
Khi phục vụ chiến đấu mẹ càng tích cực khẩn trương. Cán bộ, bộ đội cần đi công tác bất kể giờ nào, mẹ đều vui lòng chở ngay; kể cả lúc nửa đêm, cho đến trường hợp báo động mẹ cũng không ngần ngại. Có những thời điểm Đồng Hới đang “rung chuyển” trước đợt bắn phá trên không của hàng trăm máy bay năm 1965, hay mưa bom, bão đạn rốc - két mẹ không ngần ngại đưa đưa đón cán bộ, Nhân dân cập bến bờ an toàn.
Bức ảnh “Bắc Nam sum họp” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Khánh An khiến nhiều người xem xúc động.
Từ xưa đến nay, người Việt Nam đã có câu: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Mẹ Suốt là một trong rất nhiều người phụ nữ chân chất, bình dị của Việt Nam đã đồng hành cùng các chiến sĩ, cán bộ trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam. Như có hàng trăm, hàng nghìn người mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của dân tộc.
Còn đó, cả những “bô lão” sẵn sàng cầm súng khi đất nước kêu gọi, bất chấp lứa tuổi đã ngoài sáu mươi, bảy mươi. Như hình ảnh Dân quân già Trần Văn Ong bắn hạ máy bay F4H ngày 16/11/1967 tại xã Đức Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) được cựu phóng viên, nhà báo chiến trường Chu Chí Thành chụp lại. Đội dân quân các “cụ” được thành lập tại nhiều tỉnh, huyện trên dải đất hình chữ S lúc bấy giờ. Tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ phần lớn thanh niên trai tráng đã ra chiến trường. Để góp phần bảo vệ quê hương, đất nước, “Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường” được thành lập tháng 9/1967, gồm 18 thành viên, người thấp nhất là 49 tuổi và cao nhất là 69 tuổi. Đây là đơn vị lão dân quân ở miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh và được Bác Hồ gửi thư khen. Tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa hiện nay những dòng chữ của Bác được trang trọng giữ gìn như báu vật.
Theo dòng lịch sử của Việt Nam có thể thấy, tình cảm gắn bó máu thịt giữa quân đội và Nhân dân đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, giành được nhiều thắng lợi. Đặc biệt, trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ quân - dân không chỉ dừng lại ở tình cảm mà còn được hun đúc thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, in sâu trong từng trang sử vàng của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội và Nhân dân lại càng thêm sâu sắc, không chỉ có các chiến sĩ, Nhân dân đồng lòng góp sức, mà hàng vạn người dân đã ngày đêm băng rừng, vượt suối, mở đường, vận chuyển hàng hóa, thuốc men, lương thực cho bộ đội. Ở hậu phương, Nhân dân sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để chi viện cho tiền tuyến. Tình quân dân, kết nối đồng bào, đã tạo thành sức mạnh to lớn để Việt Nam chiến thắng quân địch và giải phóng miền Nam.
Những khoảnh khắc đẹp của chiến tranh
Ngày 30/4/1975, Đại thắng mùa Xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước vô cùng gian khổ, khó khăn và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta.
Còn nhớ hình ảnh hai người lính ở hai đầu chiến tuyến ôm vai nhau nhìn về phía cựu phóng viên, nhà báo chiến trường Chu Chí Thành đã gây xúc động sâu sắc. Được biết, bức ảnh chụp vào năm 1973, chỉ hai năm nữa đất nước sẽ hoàn toàn thống nhất. Chia sẻ với truyền thông, nhà báo Chu Chí Thành cho biết bức ảnh “Hai người lính” được ông ghi lại được tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào thời điểm đó, ông được cử đi ghi lại hình ảnh về cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam.
Hình ảnh hai người lính ở hai đầu chiến tuyến khoác vai nhau cho thấy mong muốn, khát vọng hướng đến hòa bình, thống nhất dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. (Ảnh: Chu Chí Thành)
Lúc đó, ban ngày những người lính phía quân ta sang chơi, còn ban đêm nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi qua chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Điện Biên. Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, đây là hiện tượng rất đặc biệt lúc bấy giờ, ông nghĩ rằng ngày Bắc - Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hi sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa.
Đến năm 2007, nhà báo Chu Chí Thành tổ chức triển lãm ảnh cá nhân. Đó là triển lãm “Những thời khắc không quên” tại Hà Nội và triển lãm “Ký ức chiến tranh” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, bức ảnh “Hai người lính” được ông giới thiệu tại hai triển lãm này và in sách. Bức ảnh được rất nhiều người chú ý. Sau nhiều lần tìm kiếm, năm 2015, chiến sĩ Quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo xuất hiện. Đến năm 2017, anh lính bên chiến tuyến miền Nam, Bùi Trọng Nghĩa trong ảnh cũng xuất hiện.
Một bức ảnh đơn giản chụp hai người lính trẻ, đã cho thấy, ngay trước khi Đại thắng mùa Xuân vào tháng 4 năm 1975, người dân Việt Nam dù ở chiến tuyến nào, sâu trong trái tim vẫn dành tình yêu thương cho đồng bào mình. Mặc cho những bất đồng về thời thế, chỉ cần có cơ hội, họ vẫn sẵn sàng trò chuyện, bắt tay, mời nhau những cốc trà, đặc sản mà mình có. Đây chính là một nền tảng, truyền thống văn hóa tốt đẹp, góp phần làm nên chiến thắng vang dội thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, cuộc gặp gỡ Nhân dân ở hai miền là những hình ảnh đẹp nhất cho thấy dù bị chia cách bao nhiêu năm, người Việt Nam luôn dành tình cảm thân thương nhất cho đồng bào của mình. Có rất nhiều câu chuyện cảm động về khoảnh khắc sum họp của người thân sau nhiều năm xa cách.
Đó là bức ảnh “Bắc Nam sum họp” do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ Khánh An chụp lại. Ông chia sẻ, nhân chuyến đi thực tế tại xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) vào tháng 10/1976, chủ đề ông quan tâm là chụp ảnh người dân địa phương lao động trên những rẫy khóm ở Hồng Dân. Tuy nhiên, sau giải phóng, có rất nhiều gia đình người Bắc vào miền Nam tìm lại người thân đã thất lạc.
Ông tình cờ phát hiện một người phụ nữ miền Bắc chít khăn mỏ quạ, nhuộm răng đen đang đi đến bên một người phụ nữ miền Nam. Hai bà mẹ, một người Nam, một người Bắc ôm chầm nhau mừng rỡ, ông đã kịp thời lưu lại khoảnh khắc này. Đó là tấm phim cuối cùng, nên có đạt hay không đạt thì nhiếp ảnh gia cũng hết phim để chụp lại. Ông đã đi hỏi thăm người dân xung quanh và được biết bà mẹ người Bắc này vào Nam để tìm thăm người thân. Nhờ mối duyên lành, ông đã chụp lại khoảnh khắc vô cùng giá trị. Đây cũng là 1 trong 180 bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chụp trong chiến tranh được trưng bày, triển lãm tại Trung tâm ảnh quốc tế Hoa Kỳ đầu năm 2002, sau đó được triển lãm cố định tại Viện bảo tàng Explorers Hall (Hoa Kỳ).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, Nhân dân là chủ thể của cách mạng, có khả năng sáng tạo vô tận và sức mạnh to lớn. Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Xuyên suốt bốn nghìn năm lịch sử, sức mạnh của Nhân dân Việt Nam không chỉ chiến thắng những quân xâm lược mạnh nhất mà còn là trái tim, linh hồn để gắn kết đất nước, phát triển dân tộc Việt Nam lớn mạnh, sánh vai với bạn bè năm châu.
Trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, xác định cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nối tiếp truyền thống của ông cha ta, Nhân dân Việt Nam đang đồng lòng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Hương Ngọc