Ngày 24/7/2024 Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành văn bản số 1978/SGD&ĐT-CNTT về việc triển khai thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025.
Trong năm vừa qua, Sở cũng ban hành văn bản về kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại xã Hang Kia, xã Cun Pheo huyện Mai Châu.
Để tìm hiểu về kết quả, ý nghĩa những hoạt động trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Đinh Thị Hường.
Hoạt động triển khai thu học phí, các khoản thu không dùng tiền mặt
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1978/SGD&ĐT-CNTT về việc triển khai thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025, các đơn vị đã bám sát kế hoạch của Sở để chuẩn bị các điều kiện tham dự tập huấn và triển khai.
Trong tháng 8/2024, Sở đã phối hợp với Công ty Cổ phần MISA, các ngân hàng thương mại trên địa bàn (Vietin Bank, Nông nghiệp, Liên Việt) và các Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn đến Hiệu trưởng và Kế toán 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Các Phòng Giáo dục địa phương đã triển khai 11 lớp tập huấn (1 lớp đối với các đơn vị trực thuộc Sở; mỗi huyện, thành phố mở 1 lớp; mỗi lớp thực hiện trong 2 ngày). Qua lớp tập huấn các Hiệu trưởng (chủ tài khoản) nắm bắt rõ các yêu cầu của việc triển khai hệ thống để chỉ đạo cán bộ, giáo viên thực hiện và tuyên truyền đến cha mẹ học sinh. Đối với Kế toán, họ được nắm vững về nghiệp vụ và thực hiện các thao tác trên hệ thống.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Thị Hường (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Bắc)
Bắt đầu năm học 2024-2025, các nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến đến cha mẹ học sinh về chủ trương và cách thức thu nộp học phí không dùng tiền mặt tại các cuộc họp cha mẹ học sinh và các kênh thông tin của nhà trường.
Ngày 11/9/2024 Sở ban hành văn bản số 2461/SGD&ĐT-CNTT về việc triển khai nhập và đồng bộ dữ liệu phục vụ thu học phí, và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025, để hỗ trợ các nhà trường giảm tải việc nhập thông tin học sinh vào hệ thống thu không dùng tiền mặt, dữ liệu sẽ được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo với hệ thống thu không dùng tiền mặt.
"Hiện nay, việc thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các nhà trường đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ cha mẹ học sinh. Việc này đã tạo sự thuận lợi và giảm tải được nhiều công việc cho kế toán, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Những ưu điểm của việc triển khai thu học phí không dùng tiền mặt
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Thị Hường chia sẻ về những ưu điểm của việc triển khai thu học phí, các khoản thu qua hệ thống tài khoản.
Theo đó, thông tin học sinh được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu giáo dục với Hệ thống thu không dùng tiền mặt nên không phát sinh công việc nhập dữ liệu trường, lớp, học sinh. Thông tin được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu giáo dục nên đảm bảo chính xác.
Toàn bộ các nghiệp vụ như, lập danh sách khoản thu, đối tượng miễn giảm đến tạo lập danh sách thu, in thông báo thu, phát hành thông báo thu trên ứng dụng di động (app phụ huynh) đều được thực hiện trên hệ thống. Việc này giảm được rất nhiều thời gian và công sức của kế toán nhà trường.
Giáo viên chủ nhiệm không phải thực hiện nhiệm vụ thu học phí và các khoản thu tiền mặt theo phương thức truyền thống. Giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở học sinh, đôn đốc phụ huynh nộp các khoản thu cho nhà trường.
"Do không thu tiền mặt nên giảm thiểu được các rủi ro như, tiền rách, tiền giả, đếm nhầm, giáo viên sử dụng tiền thu chậm nộp vào quỹ của nhà trường.
Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường theo dõi nhanh chóng, chính xác tình hình thu nộp, kế toán không phải thực hiện việc bóc tách các khoản thu do hệ thống đã tự động thực hiện.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp theo dõi nhanh được tình hình thu nộp học phí và các khoản thu của các nhà trường trên địa bàn. Kiểm soát được việc thu nộp trái quy định", Phó Giám đốc Sở chia sẻ.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, còn có những ưu điểm nữa là cha mẹ học sinh dễ dàng tiếp cận với hệ thống, có thể sử dụng bất cứ dịch vụ thanh toán của các ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, có thể không cần mở tài khoản ngân hàng.
Ứng dụng SISAP để phụ huynh đóng học phí online. (Ảnh: SISAP)
Cha mẹ học sinh chỉ thực hiện cài đặt ứng dụng trên điện thoại để thực hiện chức năng thanh toán và nhận thông báo thu tiền...
Nếu phụ huynh không có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh có thể nhờ người thân nộp giúp thông qua việc quét mã QR Code trên thông báo thu.
Hệ thống đã thiết kế mã QR hiển thị đầy đủ thông tin học sinh, các khoản thu và tổng tiền nộp. Số tiền nộp sẽ đến tài khoản của nhà trường.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện hoạt động trên, Phó Giám đốc Sở cho biết, khó khăn đó là một số phụ huynh chưa có tài khoản ngân hàng và chưa quen sử dụng các ứng dụng ngân hàng, thậm chí có phụ huynh không sử dụng điện thoại thông minh.
"Cũng có những trường hợp có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên khó tiếp cận hình thức thanh toán mới này. Họ quen sử dụng tiền mặt và có tâm lý chỉ an tâm khi nộp tiền trực tiếp tại trường", Phó Giám đốc Sở nói.
Công tác xóa mù chữ
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho hay, trong năm 2025, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng; gắn kết tuyên truyền công tác xóa mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương.
Chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt ở các xã có người dân mù chữ, tái mù chữ chiếm tỷ lệ cao như xã Hang Kia, xã Pà Cò; khu Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo thuộc huyện Mai Châu … Tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm công tác xóa mù chữ. Sử dụng hệ thống thông tin quản lý xóa mù chữ đảm bảo số liệu được cập nhật đầy đủ, chính xác.
Chia sẻ về tỷ lệ người mù chữ, Phó Giám đốc Sở thông tin: "Những người không biết chữ ở rải rác trong các độ tuổi từ 15 - 60 tuổi với 792 người chưa biết chữ mức độ 1 (chưa học xong lớp 3), chiếm 0,12%. Có 4206 người chưa biết chữ mức độ 2 (chưa học xong lớp 5), chiếm 0,8%;
Tuy nhiên, số người chưa biết chữ chủ yếu trong độ tuổi 40 - 60 tuổi với 581 người chưa biết chữ mức độ 1 và 3684 người chưa biết chữ mức độ 2.
Nguyên nhân đối tượng người mù chữ, tái mù chữ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp ở độ tuổi 40 - 60, tại các xã vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã Hang Kia, Pà Cò, Tân Thành, Cun Pheo … (Mai Châu), Suối Hoa (Tân Lạc), …", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình - Đinh Thị Hường chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chia sẻ, khi người dân biết chữ, họ sẽ chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội mà không gặp những trở ngại, khó khăn.
Đồng thời, họ chủ động tham gia vào đời sống chính trị - xã hội, xây dựng khối đoàn kết nội bộ trong nhân dân và mối liên kết giữa các đoàn thể, tổ chức xã hội trong cộng đồng; người dân cũng có sự chủ động tham gia các hoạt động nghe, đọc báo cáo thời sự, chính trị, trao đổi, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ trương của các ban ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội.
"Người dân biết chữ góp phần nâng cao nhận thức về hiến pháp và pháp luật; họ được chủ động tham gia các lớp phổ biến kiến thức về pháp luật như, pháp luật bảo vệ rừng, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giáo dục, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Dân sự ... Thông qua học tập, người dân có thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật và làm theo pháp luật, góp phần giảm các vụ khiếu kiện vượt cấp, giảm tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ phát triển dân số, giảm các vụ việc đốt phá rừng, giảm các tranh chấp về đất đai ...
Người dân biết chữ còn có cơ hội thay đổi cuộc sống như tham gia phát triển kinh tế, biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy việc thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các cộng đồng dân cư”;
Họ được tham gia các hoạt động văn hóa như đọc sách báo, sinh hoạt câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Thông qua việc biết chữ, họ cũng góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người dân, phòng chống một số bệnh thường gặp tại địa phương...", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin.
Mạnh Đoàn