Trong bối cảnh thế giới đổ dồn sự chú ý vào Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/5, nơi được cho có khả năng sắp diễn ra cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa phái đoàn Nga - Ukraine về giải quyết xung đột sau thời gian dài đình trệ, các bên chưa đưa ra tín hiệu nào đột phá.
Báo chí chờ bên ngoài Văn phòng Tổng thống Dolmabahce tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể bắt đầu đàm phán Nga - Ukraine. (Ảnh: Hakan Akgun/Anadolu/Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi các thông tin được xác nhận là cả ông và Tổng thống Nga Putin đều không có mặt tại Istanbul hôm 15/5, tuyên bố: “Sẽ không có gì xảy ra cho đến khi tôi và ông Putin gặp nhau".
Đặc phái viên Nga cho biết lệnh ngừng bắn tại Ukraine chỉ khả thi khi hai bên thống nhất được chiến lược giải quyết xung đột. Phía Nga cho biết thêm, đoàn đàm phán Nga đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và đang chờ phái đoàn Ukraine, "nhưng họ vẫn chưa đến".
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có mặt tại Ankara để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết sẽ quyết định có bay đến Istanbul hay không sau cuộc gặp.
Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán Nga, khẳng định: “Chúng tôi đã đến Istanbul, sẵn sàng cho công việc nghiêm túc và chuyên nghiệp".
Phía điện Kremlin tỏ ra thận trọng về các viễn cảnh: “Còn quá sớm để nói về khả năng Nga tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai. Chúng tôi chưa biết liệu phía Ukraine có xuất hiện hay không hay các cuộc thảo luận sẽ diễn ra thế nào”.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có đến Istanbul nếu ông Trump tham dự, điện Kremlin lặp lại: “Chưa có chuẩn bị nào cho chuyến thăm của ông Putin trong những ngày tới, và chưa có gì được thống nhất".
Bất chấp tin đồn về một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump, phía Nga nhấn mạnh điều này “không phụ thuộc trực tiếp vào đối thoại Nga - Ukraine”. Nguồn từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận “không có việc hoãn đàm phán – phái đoàn kỹ thuật Nga đã có mặt” nhưng chưa có lịch họp chính thức.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện hậu đàm phán không đơn giản, đặc biệt là vấn đề về năng lực quân sự tương lai của Ukraine. Ông tiếp tục khẳng định mục tiêu phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine, khẳng định Moskva mong muốn đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho xung đột này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo: “Mỗi lần Ukraine phá vỡ thỏa thuận, lãnh thổ của họ lại bị thu hẹp”. Lập trường của Nga cũng đã thay đổi so với tháng 6/2024, vì “tình hình thực địa đã khác”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chưa được thông báo chính thức về thành phần phái đoàn Nga, nhưng nhận xét: “Trông họ có vẻ hình thức là chính”. Ông cho biết Ukraine sẽ quyết định bước đi tiếp theo sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và vẫn “duy trì liên hệ với các phái đoàn Mỹ về các cuộc đàm phán với Nga".
Về mặt quân sự, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát hai khu vực chiến lược tại miền Đông Ukraine: Torske và Novooleksandrivka.
Đáng chú ý, Bloomberg đưa tin Mỹ đã bổ sung vào đề xuất giải quyết xung đột Ukraine sáng kiến nối lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO, nhằm khôi phục một kênh đối thoại an ninh quan trọng giữa Moskva và phương Tây.
Phương Anh (Nguồn: Reuters, RIA )