Giờ đây đến với Nậm Khắt, không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh đồng bậc thang hay các khu du lịch với không gian trong lành, những cánh rừng sơn tra trĩu quả mà còn được đắm chìm với “rừng” hoa hồng. Điều này không chỉ tạo nên điểm nhấn, sắc màu khi nhắc đến Nậm Khắt mà còn là hướng đi mới để người dân nơi đây thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Hướng đi thoát nghèo
Anh Lã Văn Chương, Giám đốc HTX Hoa hồng Nậm Khắt là người đã mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng, thuê 12ha đất ruộng một vụ của người dân để trồng hoa hồng từ năm 2019. Với sự đầu tư đúng hướng cùng niềm đam mê, tâm huyết dành trọn cho vùng đất này mà hoa hồng của anh đã phát triển và sinh trưởng rất tốt.
Theo anh Chương, mỗi 1ha hoa hồng sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng, nếu thuận lợi sẽ cho thu khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/1ha/năm. 12ha đất trồng hoa hồng của anh Chương đã giúp cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng.
“Bản thân tôi cũng đi tìm hiểu rất nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc, khi tới đây tôi cảm thấy vùng đất này có khí hậu rất thích hợp để trồng cây hoa hồng. Nhờ có khí hậu phù hợp mà hoa ở đây nở rất to, cánh hoa rất dày và đẹp. Tôi trồng hoa ở rất nhiều nơi nhưng hoa ở đây là đẹp nhất”, anh Lã Văn Chương chia sẻ.
Thành viên HTX Hoa hồng Nậm Khắt chăm sóc hoa.
Gia đình anh Trần Văn Vĩ đến từ tỉnh Vĩnh Phúc cũng là một trong số những thành viên của HTX, anh đến Nậm Khắt và cũng là một trong những người đầu tiên đưa cây hoa hồng về trồng. Mỗi năm mở rộng thêm một ít diện tích trồng hoa, trung bình doanh thu đạt từ 300 – 500 triệu đồng/năm. Vườn hoa của anh đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 – 30 công nhân với mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/tháng.
Đến nay, HTX thuê gần 20 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của hơn 80 hộ ở bản Nậm Khắt chuyển sang trồng hoa. Từ đây, người dân không phải lo bám ruộng, lo mất mùa như trước nữa, mà thay vào đó là liên kết, hợp tác cùng nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất, nâng cao giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích, tạo thu nhập và việc làm ổn định lâu dài cho chính họ. Hoa hồng đã nở, hàng trăm hộ dân được liên kết hợp tác sản xuất với HTX đã được hưởng lợi.
Được biết, HTX đã ký hợp đồng với người dân 10 năm một với giá 35 triệu đồng/ha/năm, tương đương với 5 tấn thóc. Đồng bào không phải làm lúa mà vẫn có tiền. Ngược lại, HTX còn thuê bà con làm nhân công chăm sóc hoa với mức lương 130.000 đồng/ngày. So với trồng lúa, mỗi héc - ta trồng hoa sẽ cho thu nhập cao gấp 30 - 35 lần.
Ông Giàng A Lừ ở bản Nậm Khắt chia sẻ, tiền cho thuê đất và làm công nhân cho HTX Hoa hồng Nậm Khắt đã giúp gia đình ông có tiền mua xe máy, đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, gia cầm… "Nhà tôi có 4.500 m2 đất liên kết với HTX để trồng hoa, được trả tiền trước và tôi được nhận vào làm công nhân nên cuộc sống của gia đình đã khá lên nhiều”.
Chị Thào Thị Tồng cùng ở bản Nậm Khắt cũng cho biết nhà có gần 10.000 m2 đất lúa và trước đây trồng lúa thu nhập khá bấp bênh, nhưng từ năm 2019 được HTX Hoa hồng Nậm Khắt đặt vấn đề thuê đất, liên kết để trồng hoa với giá 35 triệu đồng/ha. Ngoài tiền cho thuê ruộng, chị còn được HTX nhận vào chăm sóc hoa nên thu nhập cũng nhiều hơn trước. Từ đây, gia đình chị thoát khỏi hộ nghèo và sẽ tập trung nghĩ cách làm giàu.
Lan tỏa mô hình làm giàu
Sau thành công trồng hoa hồng, xã Nậm Khắt tiếp tục được huyện Mù Cang Chải tạo điều kiện cho triển khai trồng 30 ha hồng không hạt và nhiều loại cây hoa màu khác.
Đại diện UBND xã cho biết: "Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi vận động, kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu để liên kết với các HTX, nhà đầu tư chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích trồng hoa hồng và hồng không hạt cho thu nhập và tạo việc làm ổn định lâu dài”.
Không chỉ HTX hoa hồng Nậm Khắt mà tại xã Nậm Khắt cũng xuất hiện thêm HTX chuyên trồng và cung ứng hoa hồng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly do 7 sáng lập viên đều là người dân tộc Mông liên kết với nhau đứng ra thành lập. Mô hình trồng hoa hồng của HTX nằm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải. Do đó, HTX đã tiên phong thực hiện và liên kết các hộ thành viên chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tích cực chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa hồng, từ đó tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, từng bước làm giàu trên chính quê hương mình.
Anh Lý A Tính, Giám đốc HTX cho biết: “HTX có 6 ha chuyên canh hoa hồng Pháp nhập ngoại với 3 màu: đỏ nhạt, đỏ nhung và đỏ ớt. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hoa hồng ở Nậm Khắt đẹp với cánh hoa dày và đỏ thắm, khi cắm vào bình hoa nở to, đẹp và thơm ngát, nên được khách hàng yêu thích. Năm 2024 giá hoa hồng bán buôn trung bình 1.500 đồng/bông, bình quân 1 ha hoa hồng cho thu 700 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận của HTX đạt 350 triệu đồng/năm”.
Hiện, HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly có 13 thành viên chính thức đều là người dân tộc Mông, tăng 6 thành viên so năm 2019 khi mới thành lập HTX, trong đó có 6 thành viên nữ; thu nhập của thành viên HTX từ 6 -15 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí, đồng thời HTX còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40 lao động địa phương với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày.
Các thành viên của HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly đang thu hoạch hoa hồng.
Theo đánh giá của UBND xã, HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly cho thấy phát triển kinh tế tập thể, HTX rất phù hợp ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có dân tộc H’Mông. Không chỉ giúp đồng bào thoát nghèo mà còn mở hướng làm giàu vươn lên trong cuộc sống.
Chị Giàng Thị Say, Bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tâm sự: “Từ khi bản có HTX về đây giúp người dân có việc làm, dạy người dân cách làm nông nghiệp, không còn để đất bỏ hoang, tôi cảm thấy vui lắm. Cũng nhờ có HTX mà tôi có việc, có thu nhập ổn định. Từ năm 2022 gia đình tôi không còn là hộ nghèo của bản nữa rồi”.
Kỳ tích trên núi
Có thể thấy, việc thay đổi tư duy canh tác truyền thống, tự cung tự cấp sang thâm canh, sản xuất hàng hóa, liên kết xây dựng vùng sản xuất tập trung không chỉ giúp đông đảo người dân tận dụng tối đa lợi thế mà còn thoát nghèo nhanh, bền vững… đã giúp địa phương giảm hộ nghèo bình quân trên 8%/năm trong nhiều năm qua; diện mạo nông thôn nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt.
Nậm Khắt từ vùng đất khô cằn, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ lúa. Đến nay đã phủ khắp với những cánh đồng hoa hồng rực rỡ. Cuộc sống ấm no của đồng bào nơi đây đang được hiện hữu trong từng nếp nhà. Năm 2020, Nậm Khắt hoàn thành 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên của huyện đón chuẩn nông thôn mới, được ví là "kỳ tích” trên núi.
Được biết, đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chỉ còn gần 29%, tương đương gần 4.000 hộ nghèo. Dự kiến, hộ nghèo toàn huyện năm 2025 còn hơn 23%, là một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của cả nước.
Công tác giảm nghèo bền vững của huyện vùng cao Mù Cang Chải được đánh giá là địa phương tiêu biểu, có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, mang lại kết quả tích cực, tạo được sức lan tỏa, khích lệ người nghèo quyết tâm vươn lên, sức dân được được huy động mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi đời sống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho gần 7 vạn đồng bào người Mông, người Thái ở huyện vùng cao.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển số lượng, đảm bảo chất lượng; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành HTX kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX.
Ngọc Giang