Khơi dòng tiêu thụ bền vững cho thanh long đất Bình Thuận

Khơi dòng tiêu thụ bền vững cho thanh long đất Bình Thuận
một ngày trướcBài gốc
Khi trái ngọt chật vật tìm lối đi
Từ Hàm Thuận Nam đến Bắc Bình, không khó để bắt gặp những cánh đồng thanh long rợp bóng, trải dài như một tấm thảm xanh lấp lánh sắc trắng hoa đêm. Hơn 30.000 ha diện tích, 600.000 tấn sản lượng/năm, trái thanh long đã trở thành “linh hồn nông nghiệp” của tỉnh Bình Thuận – không chỉ nuôi sống hàng chục nghìn hộ nông dân, mà còn gắn với tên tuổi của tỉnh trong hành trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Thế nhưng, phía sau sắc đỏ của quả chín, là không ít nút thắt chưa dễ tháo trong hành trình tiêu thụ trái ngọt. Nếu như trồng trọt là hành trình gieo mầm trong đất, thì xúc tiến thương mại là hành trình gieo niềm tin vào thị trường. Và chính ở hành trình thứ hai ấy, thanh long Bình Thuận đang gặp phải không ít nỗi gian truân.
Từ Hàm Thuận Nam đến Bắc Bình, không khó để bắt gặp những cánh đồng thanh long rợp bóng. Ảnh: Duy Tuấn
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khiến việc xây dựng thương hiệu tập thể và kiểm soát chất lượng đồng bộ gặp nhiều trở ngại. Phần lớn hợp tác xã và hộ nông dân vẫn hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, sơ chế đến tiêu thụ. Điều này không chỉ gây khó khăn khi tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, mà còn khiến nông dân dễ bị tổn thương trước những biến động thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã – dù có sản phẩm tốt, đạt chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ – nhưng lại thiếu kỹ năng xúc tiến bài bản. Họ không biết cách kể chuyện sản phẩm, không có hình ảnh chuyên nghiệp, không nắm vững nguyên tắc truyền thông số, càng chưa quen với việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Thị trường thì đang chuyển động từng giờ, nhưng không ít người sản xuất vẫn loay hoay với những công cụ xúc tiến từ... thập niên trước.
Hợp tác xã (HTX) Thanh long Hàm Đức - một trong những đơn vị điển hình tại huyện Hàm Thuận Bắc là một điển hình. Dù sản phẩm rượu vang thanh long đỏ và trắng của HTX này đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, nhưng vẫn chưa thể bứt phá vì vướng nhiều rào cản. Trao đổi với Báo Công Thương, bà Lê Nguyện – Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức, cho biết, việc đưa các sản phẩm thanh long ra thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Dù đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, nhưng việc thiếu nguồn lực để đầu tư bao bì – nhãn mác – truy xuất nguồn gốc cũng khiến sản phẩm thanh long chế biến dù có chất lượng cao vẫn khó chen chân vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các sàn thương mại điện tử lớn”, bà Lê Nguyện chia sẻ.
Không chỉ riêng HTX Hàm Đức, mà rất nhiều hợp tác xã thanh long trên địa bàn tỉnh như HTX Đồng Tiến (Hàm Thuận Nam), HTX Thuận Phát (Hàm Thuận Bắc), HTX Thuận Quý (Bắc Bình)… cũng đang chung một nỗi niềm: làm ra sản phẩm thì đã giỏi, nhưng tiếp cận thị trường lại đầy trắc trở.
Đòn bẩy từ xúc tiến thương mại
Trong nông nghiệp hiện đại, sản xuất thôi chưa đủ. Thị trường mới là nơi quyết định giá trị cuối cùng của sản phẩm. Và chính vì vậy, để trái thanh long Bình Thuận có thể đứng vững giữa bản đồ tiêu dùng rộng lớn, thì bên cạnh nỗ lực của người trồng và hợp tác xã, rất cần một bàn tay chính sách đủ tầm, đủ tâm và đủ lực từ cấp quản lý ngành.
Những năm gần đây, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã dần thay đổi vai trò – từ quản lý hành chính đơn thuần sang người kiến tạo thị trường, nhà thiết kế chiến lược xúc tiến thương mại. Chủ trương phát triển thanh long không chỉ nằm trong các đề án ngành Nông nghiệp, mà còn được lồng ghép xuyên suốt trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, kế hoạch phát triển công nghiệp nông thôn, và đặc biệt là chính sách chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản.
Dưới sự định hướng của Sở, các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã được giao vai trò chủ lực trong việc triển khai những mô hình xúc tiến theo chuỗi – từ đào tạo, tập huấn, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Từ một loại trái cây quen thuộc, thanh long Bình Thuận đang dần mang trong mình một diện mạo mới. Ảnh: Phạm Duy
Theo đó, ngay từ đầu năm 2025, Trung tâm đã thành lập Tổ quản lý và vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận – một nền tảng được thiết kế không chỉ để trưng bày sản phẩm, mà là kênh xúc tiến thực sự, nơi người sản xuất có thể tiếp cận người tiêu dùng hiện đại mà không cần qua trung gian. Không chỉ đăng sản phẩm, Sàn còn tích hợp truy xuất nguồn gốc, giao hàng, đánh giá chất lượng, giúp gia tăng độ tin cậy và mở rộng thị trường.
Ông Đặng Trung Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận cho biết, không dừng lại ở thương mại điện tử, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, hội chợ trong và ngoài tỉnh, giúp sản phẩm thanh long – cả trái tươi và chế biến – tiếp cận người tiêu dùng đa vùng miền.
Chúng tôi không chỉ giúp nông dân trồng thanh long, mà muốn giúp họ hiểu và tham gia thị trường một cách chủ động. Xúc tiến thương mại phải gắn liền với năng lực tiếp cận thị trường của từng HTX – không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Đặng Trung Thái nhấn mạnh
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã và đang đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại có chọn lọc, ưu tiên cho những HTX có tiềm năng chế biến, có tư duy thị trường và khả năng phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối lớn “kết nghĩa” với các vùng sản xuất, hình thành kênh tiêu thụ dài hạn thay cho các mối quan hệ thương lái bấp bênh.
Theo đó, với sự hỗ trợ bài bản, đúng trọng tâm từ các cấp chính quyền đã giúp những hợp tác xã thanh long... vững vàng hơn trên hành trình khẳng định thương hiệu. Giờ đây, họ không chỉ trồng giỏi, mà còn học cách “bán giỏi” – bằng thương hiệu, bằng bao bì đẹp, bằng truyền thông tích cực và lòng tin nơi khách hàng.
Từ một loại trái cây quen thuộc, thanh long Bình Thuận đang dần mang trong mình một diện mạo mới – hiện đại, năng động, biết vươn xa. Nhưng để giấc mơ ấy trở thành hiện thực, cần nhiều hơn nữa sự tiếp sức từ chính sách, từ công nghệ, từ xúc tiến chuyên nghiệp – và đặc biệt là từ những bàn tay tận tụy, bền bỉ như của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh nhà.
Bởi nếu trái ngọt cần đất tốt để lớn, thì thị trường lại cần sự khôn ngoan để mở. Và trong thời đại số hôm nay, người nông dân Bình Thuận không thể đơn độc. Họ cần một hệ sinh thái dẫn lối – để từ nắng gió quê nhà, trái thanh long có thể bay xa, vững vàng và đáng giá.
Trái thanh long đỏ rực dưới nắng miền cát trắng Bình Thuận từng là biểu tượng của nông nghiệp phát triển, là niềm tự hào của người trồng và cũng là niềm kiêu hãnh của cả vùng đất duyên hải. Thế nhưng, giữa những biến động khôn lường của thị trường, loại trái cây vốn quen thuộc ấy lại đang chật vật để khẳng định lại vị thế. Và trong khi đất trời vẫn đều đặn cho quả ngọt, thì điều cần nhất lúc này là một chiến lược xúc tiến thương mại đủ mạnh để nâng thanh long Bình Thuận lên tầm vóc xứng đáng.
Thiên Kim
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/khoi-dong-tieu-thu-ben-vung-cho-thanh-long-dat-binh-thuan-383759.html