Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều ngành hàng đạt hàng chục tỷ USD

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều ngành hàng đạt hàng chục tỷ USD
3 giờ trướcBài gốc
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đang rất khả quan trong dịp cuối năm với các mặt hàng trọng điểm như: dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, cơ khí, điện tử, thủy sản...
Cụ thể, trong 10 tháng năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD.
Xuất siêu sang Mỹ giai đoạn 10 tháng qua đạt 86,1 tỷ USD tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 28,5 tỷ USD, tăng 18,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 56,9%.
Xuất khẩu 10 tháng năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là trường lớn nhất của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với nhóm hàng dệt may, da giày, trong khi các nước cùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ như Bangladesh, Ấn Độ và các nước ASEAN khác có mức tăng trưởng thấp hoặc âm, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt, thậm chí có mặt hàng tăng trưởng hai con số.
Số liệu thống kê hết tháng 9/2024, có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD.
Ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 17,32 tỷ USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 15,5 tỷ USD; dệt may đứng thứ 3 với hơn 12 tỷ USD.
Đáng chú ý, theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 1,1 tỷ USD thì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với 18,5% thị phần.
Phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng mới thông tin, ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ đánh giá các mặt hàng của Việt Nam luôn luôn giữ được chất lượng, mẫu mã sản phẩm phong phú đa dạng và giá cả cạnh tranh. Vì thế đây vẫn là các mặt hàng được ưu tiên nhập khẩu của các đối tác Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thương mại cũng như bất ổn địa chính trị toàn cầu. Hàng hóa Việt Nam luôn luôn là nguồn hàng ổn định, đáng tin cậy giúp cho người tiêu dùng của Hoa Kỳ có thể cân đối được trong bối cảnh lạm phát tăng cao và mức chi tiêu sinh hoạt đang ngày càng đắt đỏ.
Được biết, ngoài các kênh truyền thống, thời gian qua xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ qua các nền tảng trực tuyến có nhiều dư địa. Bởi, Hoa Kỳ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của thương mại điện tử toàn cầu, với tổng doanh số thương mại điện tử ở Hoa Kỳ 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), hoạt động mua sắm trực tuyến theo đánh giá là xu thế của mua sắm trong tương lai của Hoa Kỳ. Chính vì vậy, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này trong thời gian tới còn nhiều dư địa để phát triển và doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến, ngoài các kênh truyền thống đến với khách hàng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, do tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ tăng cao nên đây cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng Việt Nam. Đến nay, Mỹ đã điều tra gần 70 vụ liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, phổ biến nhất là thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra, mật ong.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt – Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, với 111,5 tỷ USD. Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại 2 chiều vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD.
Sang năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giảm xuống còn 110,8 tỷ USD, (giảm 10,5% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, giảm 4,5%. Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt 83,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thương mại giữa hai nước cán mốc trăm tỷ USD.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lưu ý, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn “sản xuất xanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách để giảm thiểu rủi ro...
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//thi-truong/hoa-ky-tiep-tuc-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-nhieu-nganh-hang-dat-hang-chuc-ty-usd-1103535.html