Xuất khẩu rau quả đón kỷ lục mới

Xuất khẩu rau quả đón kỷ lục mới
3 giờ trướcBài gốc
Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất trong 10 tháng về doanh thu xuất khẩu rau quả. Ảnh tư liệu
Sầu riêng giúp xuất khẩu rau quả lập kỷ lục mới
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10 năm 2024 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2024 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023 - vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023.
Dự báo xuất khẩu rau quả lập mốc hơn 7 tỷ USD
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10/2024 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng năm 2024 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể lập mốc kỷ lục hơn 7 tỷ USD.
Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dù chính vụ kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được. Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và hàng chế biến cũng góp phần quan trọng.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 67,2% thị phần, đạt 3,8 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,5% và 4,2%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, kết quả này có được là do chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt, được nâng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như VietGap, GlobalGap. Ngoài ra, chúng ta có sự đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá.
Điều quan trọng nữa là chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu rau quả. Đồng thời, Việt Nam đạt được kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là nhờ đã thương lượng và ký được các hiệp định thương mại tự do, 16/19 hiệp định FTA cùng với nhiều nghị định thư với các thị trường quan trọng đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam thâm nhập càng ngày càng sâu vào các thị trường, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng đã tăng khai thác các thị trường truyền thống và đẩy mạnh mở rộng thị trường cho sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, tại thị trường Trung Quốc, tháng 8/2024, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang nước này mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt. Tại hội chợ cuối tháng 9 ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30 - 50 container, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này.
Tại Mỹ, các loại nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là dừa, chanh dây và nhiều trái cây khác, hứa hẹn sẽ tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ ở thị trường này. Trong tháng 10, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên được mở cửa chính ngạch vào thị trường Australia đã mở ra cơ hội lớn cho chanh leo Việt Nam vào thị trường được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới...
Xuất khẩu rau quả 2024 tăng trưởng ấn tượng
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả 2024 chắc chắn sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,5 tỷ USD - một kỷ lục mới.
Có nhiều yếu tố để khẳng định như vậy. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Trung Quốc sắp bước vào mùa đông nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém, trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Hơn nữa, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.
Đồng thời, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh cho khâu chế biến, nâng cao giá trị nông sản, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ví dụ, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Sơn La) đã đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ là một trong những trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Sơn La. Năm 2024, Doveco Sơn La dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn sản phẩm sang thị trường chủ yếu là châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel.
Ngoài những thuận lợi, ngành hàng rau quả Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật khắt khe về chất lượng, về bao bì, truy suất nguồn gốc của những thị trường nhập khẩu… Tuy nhiên, những khó khăn trên sẽ không thể cản bước được đà tăng trưởng xuất khẩu.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau quả cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện người dân liên kết sản xuất rau quả đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Hỗ trợ các hợp tác xã chuyên canh rau quả về vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.
Đối với các rào cản kỹ thuật cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng hơn nữa./.
Nam Khánh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-rau-qua-don-ky-luc-moi-163485-163485.html