Từng định bỏ nghiệp vẽ
Hải Minh (Nam Định), một làng quê tưởng chừng bình dị, lại là nơi ươm mầm và gìn giữ ngọn lửa đam mê vẽ tranh qua nhiều thế hệ. Tình yêu nghề và sự tận tâm đã trở thành "gene" di truyền trong cộng đồng nơi đây. Dù quy mô nhỏ bé, Hải Minh hiện vẫn còn khoảng 50 họa sỹ hoạt động tích cực và lan tỏa đến gần 200 nghệ sỹ ở các vùng lân cận.
Chia sẻ về hành trình trở thành họa sỹ của mình, anh Nguyễn Minh Hoàng tự hào nói: "Tôi đã có thể tự kiếm sống bằng nghề vẽ từ năm 18 tuổi. Thời gian học cấp ba, tôi luôn cố gắng cân bằng giữa việc học văn hóa và trau dồi kỹ năng vẽ. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó đã giúp tôi tự tin bước vào con đường họa sỹ sau khi tốt nghiệp."
Trong những năm tháng đầu tiên chập chững vào con đường nghệ thuật, Nguyễn Minh Hoàng đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn về vật chất. Bức tranh đầu tiên mà anh vẽ là bằng sơn dầu trên một loại vải thô, không phải vải chuyên dụng cho hội họa. “Hồi đó, điều kiện khó khăn, tôi phải mua sơn tổng hợp màu trắng, trộn với dầu và đem phơi nắng trước khi có thể dùng để vẽ. Ngày ấy ở Nam Định, tìm được vật liệu hội họa rất vất vả”, anh nhớ lại.
Họa sỹ Nguyễn Minh Hoàng đang hướng dẫn các bạn trẻ phối màu để vẽ lên những quả trứng đà điểu. Ảnh: Linh Nguyễn
Quyết tâm theo đuổi đam mê, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Minh Hoàng đã Nam tiến, tìm kiếm cơ hội tại các phòng tranh sôi động của TP.HCM trong khoảng hai năm. Đây là khoảng thời gian quý báu giúp anh học hỏi, trau dồi kỹ năng và tiếp xúc với thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tình yêu với quê hương và khát khao được tự do sáng tạo đã thôi thúc anh trở về Hải Minh.
“Đã có lúc tôi cảm thấy chông chênh, thậm chí nảy sinh ý định từ bỏ nghiệp vẽ. Nhưng sau cùng, tôi nhận ra hội họa đã ăn sâu vào máu thịt, không một công việc nào khác có thể mang lại cho tôi sự thỏa mãn và tự do như vậy. Tôi trân trọng cảm giác được làm chủ thời gian, được thả hồn vào từng nét vẽ mà không bị bất kỳ khuôn khổ nào gò bó. Chính niềm yêu nghề sâu sắc ấy đã níu giữ tôi ở lại với con đường nghệ thuật”, anh tâm sự.
Một bước ngoặt trong hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Hoàng là sự bén duyên với tranh thiền. Anh chia sẻ về mối duyên đặc biệt này rằng: “Tôi bị cuốn hút bởi sự tĩnh tại, sự lắng đọng và chiều sâu tâm hồn mà hội họa thiền mang lại. Khi đặt bút vẽ những tác phẩm này, tôi không chỉ đơn thuần sáng tạo hình ảnh mà còn tìm thấy sự an yên, tĩnh lặng trong chính tâm hồn mình. Đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt và ý nghĩa, ở đó, tôi tìm thấy sự cân bằng và nguồn cảm hứng bất tận”.
Đưa nghệ thuật vẽ trên trứng đến với công chúng
Nhắc đến Hải Minh, người ta thường hình dung về một làng quê trù phú với những phòng tranh san sát, nơi cung cấp tác phẩm cho thị trường mỹ thuật trên khắp cả nước. Tuy nhiên, trước đây, hoạt động của các họa sỹ trong làng còn mang tính tự phát, thiếu sự kết nối với du lịch và các trải nghiệm văn hóa.
Năm 2024, tình cờ Công ty du lịch Ecohost đề xuất đưa Hải Minh vào bản đồ du lịch, mở ra cơ hội để du khách khám phá nghề vẽ tranh truyền thống của làng. Trong bối cảnh đó, họa sỹ Nguyễn Minh Hoàng sau nhiều năm gắn bó với sơn dầu và canvas, đã tìm thấy cảm hứng mới từ những chiếc vỏ trứng nhỏ bé. Tưởng chừng như vô tri, nhưng chính những chất liệu đặc biệt này lại khơi gợi trong anh niềm đam mê sáng tạo độc đáo.
Nghệ thuật vẽ trứng được nhiều du khách quan tâm, trải nghiệm. Ảnh: Linh Nguyễn
Một trong những hướng đi mà Nguyễn Minh Hoàng đang dành nhiều tâm huyết là nghệ thuật vẽ tranh trên vỏ trứng, đặc biệt là trứng đà điểu. “Ý tưởng này xuất phát từ một người anh ở TP.HCM, sau đó được một tập đoàn chăn nuôi đà điểu đăng ký bản quyền. Hiện tại, tôi đang phát triển hoạt động vẽ tranh trên vỏ trứng như một trải nghiệm nghệ thuật thú vị dành cho du khách đến với Hải Minh”, anh Hoàng chia sẻ.
So với các hoạt động như tô tượng, vẽ trên vỏ trứng đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn. “Tượng có khuôn sẵn, nhưng vẽ trên trứng hoàn toàn tự do. Điều này khuyến khích người vẽ phát huy trí tưởng tượng và tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân”, anh giải thích.
Nhằm thúc đẩy thương mại hóa, đưa sản phẩm trí tuệ, sáng chế vào cuộc sống, anh Hoàng cho biết: “Chúng tôi đang phát triển dòng quà lưu niệm từ trứng đà điểu, trang trí bằng các họa tiết truyền thống như hoa sen, con trâu, cảnh đồng quê... Những sản phẩm này không chỉ hướng đến khách du lịch mà còn có thể trở thành quà tặng cao cấp”.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình nghệ thuật này cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn cung vỏ trứng. “Ở miền Bắc, không dễ để thu gom vỏ trứng đà điểu. Hầu hết các trang trại chỉ cung cấp vỏ từ những quả trứng hỏng hoặc trứng không có trống. Hơn nữa, quy trình xử lý, làm sạch và bảo quản vỏ trứng đòi hỏi kỹ thuật riêng, không thể làm qua loa”, Họa sỹ cho hay.
Để nghệ thuật vẽ trên vỏ trứng thu hút được bạn bè quốc tế, Nguyễn Minh Hoàng khẳng định yếu tố cốt lõi là tạo ra dấu ấn riêng. “Quan trọng nhất là tìm được phong cách độc đáo, kết hợp giữa hội họa và văn hóa truyền thống. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để đưa họa tiết thổ cẩm vào tranh vẽ trên vỏ trứng, giúp du khách có thể mang một phần văn hóa Việt Nam về nhà”, anh chia sẻ.
Trong tương lai, dù thị trường có mở rộng đến đâu hay nhu cầu khách hàng có thay đổi thế nào, anh vẫn kiên quyết không để máy móc can thiệp vào nghệ thuật vẽ trứng - bộ môn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tâm huyết của người họa sỹ. Với anh, nếu công nghiệp hóa len lỏi vào, những giá trị tinh túy nhất của nghề sẽ dần mai một. Khi đó, vẽ trứng sẽ không còn là một nghệ thuật thủ công tinh xảo mà chỉ trở thành sản phẩm sản xuất hàng loạt vô hồn.
Người họa sỹ đã dành cả đời gắn bó với nghề, nâng niu từng nét cọ trên bề mặt mong manh của vỏ trứng, hơn ai hết hiểu rằng mỗi tác phẩm không chỉ đơn thuần là một bức tranh, mà còn mang theo hơi thở của một nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Vì vậy, anh không cho phép mình thỏa hiệp, không để nghệ thuật này bị lu mờ trước những cỗ máy vô tri.
Bên cạnh việc bảo tồn giá trị thủ công, Nguyễn Minh Hoàng còn ấp ủ một kế hoạch lớn hơn là phát triển nghệ thuật vẽ trên vỏ trứng thành một mô hình du lịch trải nghiệm thực thụ. “Sẽ thật tuyệt vời nếu có một không gian nơi mọi người không chỉ chiêm ngưỡng mà còn được tự tay sáng tạo, thả hồn vào từng nét vẽ. Vẽ tranh trên vỏ trứng không chỉ là một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo mà còn mang tính chữa lành, giúp người tham gia tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn”, anh chia sẻ.
Chính vì thế, họa sỹ Nguyễn Minh Hoàng đã tích cực truyền cảm hứng cho cộng đồng thông qua các lớp dạy vẽ trên vỏ trứng. Tại Thảo Mộc Villa (Ba Vì), anh cùng các họa sỹ chuyên nghiệp hướng dẫn du khách trải nghiệm vẽ tranh trên vỏ trứng đà điểu, mang đến cơ hội khám phá một loại hình nghệ thuật độc đáo.
Anh tin rằng, khi du khách được trực tiếp cầm cọ, cảm nhận sự mong manh của vỏ trứng và tỉ mỉ tô vẽ lên từng đường nét, họ sẽ trân trọng hơn giá trị của nghệ thuật thủ công và những nỗ lực của người nghệ nhân.
Với niềm đam mê cháy bỏng, Nguyễn Minh Hoàng đã góp phần đưa nghệ thuật vẽ tranh trên vỏ trứng trở thành một nét đẹp độc đáo trong làng mỹ thuật Việt Nam, mở ra cơ hội kết nối hội họa với du lịch và thị trường quốc tế. Họa sỹ trẻ hy vọng rằng, trong tương lai, tranh vẽ trên vỏ trứng không chỉ xuất hiện trong các không gian nghệ thuật, mà còn trở thành một sản phẩm văn hóa có giá trị, mang tinh thần và bản sắc Việt Nam lan tỏa khắp thế giới.
Linh Nguyễn