Công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến nay vẫn chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vật liệu cát san lấp, đắp nền. Ảnh minh họa
Các địa phương nêu trên bao gồm Bến Tre, Tiền Giang, An Giang và Sóc Trăng. Tổng lượng cát dự trữ còn lại của 4 địa phương này vào khoảng 4,3 triệu m3.
Nhận định về tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ Xây dựng cho biết đến nay công trình triển khai còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vật liệu cát đắp nền.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến ngày 9/5/2025 vừa qua, tỉnh Tiền Giang chưa hoàn thành cấp phép khai thác các mỏ còn lại với trữ lượng khoảng 2,2 triệu m3; tỉnh Bến Tre khoảng 0,8 triệu m3; tỉnh An Giang 0,4 triệu m3 và tỉnh Sóc Trăng 0,9 triệu m3. Tổng sản lượng thi công công trình đoạn qua Cần Thơ hiện chỉ đạt khoảng 33%, qua Sóc Trăng chỉ đạt 31%, chậm hơn từ 14 - 28% so với kế hoạch đề ra.
Bộ Xây dựng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nói trên đẩy nhanh tiến độ, thủ tục cấp phép các mỏ cát còn lại để nhanh chóng đưa vào khai thác phục vụ cho thi công dự án cao tốc trục ngang kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long này. Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bổ sung nhân lực máy móc thiết bị, thi công; chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động quyết định các giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu, vật liệu gia tải, giải pháp thiết kế nền móng, mặt đường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án đúng tiến độ yêu cầu.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2025, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Để bảo đảm tiến độ công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần phối hợp chặt chẽ với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, qua đó đánh giá toàn diện tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết từng hạng mục, nhất là xử lý nền đất yếu.
Cũng tại văn bản này, Bộ Xây dựng đã đề nghị “các địa phương dự án cần tiến hành rà soát, điều chỉnh tiến độ thi công, huy động thêm nhân lực, thiết bị, vật liệu và đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trong tháng 7/2026 sao cho bảo đảm chất lượng, an toàn và ổn định công trình”.
Về vật liệu san lấp, đắp nền vẫn còn thiếu do nguồn cung không đủ và công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân hai tỉnh An Giang và Hậu Giang chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 3 khẩn trương hoàn tất hồ sơ cấp phép khai thác cát, gửi các cơ quan chức năng tỉnh An Giang và Bến Tre thực hiện thủ tục cấp phép. Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ phối hợp với tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh việc cấp phép khai thác các mỏ phục vụ dự án thành phần 2; Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm hoàn tất thủ tục giao khu vực biển để khai thác cát cho dự án thành phần 4…
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188,2 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Công trình chia làm 4 dự án thành phần: An Giang chịu trách nhiệm dự án thành phần 1, chiều dài khoảng 57 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng; Cần Thơ đảm trách dự án thành phần 2, chiều dài 37,4 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng; tỉnh Hậu Giang chị trách nhiệm dự án thành phần 3, chiều dài 6,7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng; và tỉnh Sóc Trăng đảm nhận dự án thành phần 4, chiều dài 58,4 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.
Dự án được khởi công đồng loạt vào ngày 17/6/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đồng bộ, đưa vào sử dụng vào năm 2027.
Thiên Ân