Vận chuyển cát về công trường Vành đai 3 TP.HCM gặp khó do phải qua 8 trạm kiểm soát

Vận chuyển cát về công trường Vành đai 3 TP.HCM gặp khó do phải qua 8 trạm kiểm soát
5 giờ trướcBài gốc
Thông tin này được ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chủ đầu tư dự án báo cáo tại buổi làm việc chiều ngày 15/5 với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, liên quan đến tiến độ thi công tuyến Vành đai 3 đoạn qua địa bàn thành phố.
Theo ông Phúc, nhu cầu cát phục vụ đắp nền cho đoạn tuyến qua TP.HCM vào khoảng 6,6 triệu m³. Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu mới chỉ huy động được khoảng 2,15 triệu m³. Riêng trong năm 2025, khối lượng cát cần bổ sung thêm ước tính khoảng 3,75 triệu m³.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (trái), báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được về Vành đai 3, chiều 15/5. Ảnh: Hạ Giang
Mặc dù ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre đã cấp phép khai thác cho 10/14 mỏ cát để phục vụ dự án, song nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng thi công đình trệ, đặc biệt tại các gói thầu ở khu vực phía Tây TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.
Để đảm bảo tiến độ, một số nhà thầu đã chủ động tìm nguồn cát từ thị trường ngoài nước, bao gồm cả nhập khẩu từ Campuchia. Tuy nhiên, vẫn có nhà thầu chưa chủ động, khiến lượng cát đưa về công trường chưa đủ so với nhu cầu.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo lãnh đạo TCIP, đến từ khâu vận chuyển. Cụ thể, sà lan chở cát từ các mỏ về huyện Củ Chi phải qua tổng cộng 8 trạm kiểm soát, gồm các trạm đường thủy nội địa, biên phòng và các tổ liên ngành. Đáng chú ý, các trạm này đều áp dụng quy trình kiểm tra tương tự nhau, gây ra sự chồng chéo, tốn kém thời gian và làm giảm hiệu quả vận chuyển.
Ông Phúc kiến nghị thiết lập cơ chế “luồng xanh” dành riêng cho phương tiện vận chuyển cát về công trường. Theo đó, nhà thầu vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định về hồ sơ, hóa đơn và nguồn gốc vật liệu, nhưng chỉ cần kiểm tra tại trạm đầu tiên và áp dụng cơ chế liên thông giữa các trạm sau, tránh trùng lặp thủ tục.
Công trường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi, ngày 15/5. Ảnh: Hạ Giang
Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã ghi nhận khó khăn và chỉ đạo TCIP khẩn trương phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, biên phòng để rà soát, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, giảm bớt thủ tục không cần thiết. Đồng thời, ông yêu cầu TCIP báo cáo trực tiếp Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường - người phụ trách chính dự án nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Để đảm bảo tiến độ thi công, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thi công và nguồn cung vật liệu, đặc biệt là cát san lấp tại các gói thầu phía Tây. Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tuần để lãnh đạo thành phố theo dõi sát sao và xử lý kịp thời các phát sinh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng còn được giao nhiệm vụ tổng hợp các khó khăn của nhà thầu, bao gồm biến động giá vật liệu, để tham mưu thành phố kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ.
Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh chính sách khen thưởng, kỷ luật rõ ràng: những nhà thầu hoàn thành tốt sẽ được biểu dương, ngược lại nếu thi công chậm trễ, không đảm bảo tiến độ sẽ bị xử lý hoặc chuyển khối lượng công việc sang đơn vị có năng lực tốt hơn.
“Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật tuyến Vành đai 3 vào cuối năm nay và đưa vào khai thác trong năm tới theo đúng kế hoạch”, ông Được nhấn mạnh.
Tuyến Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90 km, kết nối liên vùng giữa TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Được quy hoạch hơn một thập niên trước, đến nay đoạn 15,3 km qua tỉnh Bình Dương (Mỹ Phước - Tân Vạn) đã hoàn thành. Đoạn cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM và Đồng Nai dự kiến sẽ khai thác cuối tháng 6 năm nay.
Phần còn lại dài hơn 76 km được đầu tư bởi các địa phương với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự án có quy mô 6 - 8 làn xe, giai đoạn 1 triển khai trước 4 làn xe và xây dựng đường song hành hai bên. Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ giải tỏa áp lực giao thông mà còn tạo hành lang phát triển đô thị - công nghiệp cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/van-chuyen-cat-ve-cong-truong-vanh-dai-3-tp-hcm-gap-kho-do-phai-qua-8-tram-kiem-soat-317917.html