Theo đó, hiện nay trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tồn tại số lượng lớn xe máy đã xuống cấp, trong đó có nhiều phương tiện không có biển số, thải khói đen gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông. Các phương tiện này không chỉ được sử dụng để di chuyển mà còn phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa, phế liệu...
Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và giao thông đánh giá rằng, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng xe máy trên địa bàn thành phố, tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải độc hại từ các xe cũ nát như CO, HC... đang là một trong những yếu tố đáng lo ngại.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sau khi có hành lang pháp lý và hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để phục vụ việc kiểm định khí thải.
Hiện nay, các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM chủ yếu phục vụ kiểm định ô tô, trong khi thành phố có gần 9 triệu xe máy đang lưu hành. Do đó, việc mở rộng, đầu tư hạ tầng phục vụ kiểm định khí thải xe máy cần được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Sở Xây dựng cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm rà soát năng lực trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận và kiểm định khí thải xe máy.
Đồng thời, sở này đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam để lập danh sách các cơ sở phân phối, bảo hành, sửa chữa xe máy đang hoạt động trên địa bàn. Mục tiêu là đánh giá khả năng thành lập các trạm kiểm định khí thải xe máy tại những cơ sở đủ điều kiện, nhằm nâng cao năng lực kiểm định trên toàn thành phố.
Những cơ sở đủ điều kiện có thể vừa tổ chức kiểm định khí thải, vừa tiếp tục thực hiện dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe máy, qua đó đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, TP.HCM đã triển khai chương trình thí điểm kiểm định khí thải xe máy từ ngày 15/5/2020 đến 2/9/2020 tại 8 điểm kiểm định miễn phí, dự kiến phục vụ 5.000 phương tiện.
Tuy nhiên, đến khi kết thúc chương trình, hơn 13.000 xe máy đã được kiểm định, cho thấy nhu cầu kiểm định khí thải tại thành phố là rất lớn.
Trong định hướng đến năm 2030, TP.HCM xác định giảm thiểu ô nhiễm không khí là một trong những mục tiêu quan trọng.
Trong năm 2025, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông, bao gồm: tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, và xây dựng đề án hoàn chỉnh về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên toàn địa bàn thành phố.
NH