Quá trình cưỡng chế thu hồi đất của 16 hộ dân xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội được thực hiện cẩn trọng theo đúng các quy định của pháp luật. Ảnh: Linh Khánh/TTXVN phát
Đây là những trường hợp khó khăn nhất trong việc giải phóng mặt bằng của dự án này. Trước đó, trong 2 ngày (16 - 17/11), mặc dù Tổ công tác vận động cưỡng chế thu hồi đất của huyện đã tổ chức tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhưng toàn bộ 18 trường hợp tại xã Ngọc Hồi đều không đồng thuận.
Vì vậy, sáng nay (19/11), huyện buộc phải tiến hành cưỡng chế. Riêng 2 hộ còn lại do liên quan đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì nên UBND huyện Thanh Trì đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang hoàn thiện để thực hiện thủ tục hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, quá trình cưỡng chế đã được các lực lượng chức năng thực hiện cẩn trọng theo đúng các quy định của pháp luật, không gặp phải sự chống đối của các hộ dân.
Cũng theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, ngày 21-22/11 tới, tại xã Liên Ninh, nếu 18 hộ dân vẫn không chấp hành phương án bồi thường, hỗ trợ, huyện tiếp tục tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, dự án vẫn vướng giải phóng mặt bằng do còn nhiều hộ dân không chấp hành quy định của nhà nước, khiến dự án không thể thi công được.
Trước sức ép về tiến độ theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội (dự án chỉ được thực hiện đến hết năm 2024), UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 88 trường hợp cố tình không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, trong tháng 11/2024, UBND huyện quyết tâm thực hiện vận động, cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ chưa bàn giao mặt bằng tại dự án này.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì nhấn mạnh, Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông trọng điểm và huyết mạch của huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội. Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi hoàn thành góp phần khớp nối đồng bộ hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh, thành phía Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía Nam; đồng thời tạo đà phát triển để huyện Thanh Trì hoàn thành đề án xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường đến năm 2025.
Theo quy hoạch, phần đường nâng cấp, cải tạo có chiều dài 3,8 km, qua địa bàn 4 xã (Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh) của huyện Thanh Trì. Mặt cắt ngang đường sẽ được mở rộng lên 50,39 - 56m, đáp ứng 8 - 10 làn xe.
Để triển khai dự án, năm 2012 - 2013, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội với diện tích 92.674,65 m2, gồm 90.077 m2 mặt đường, đất lưu không đường và 2.597,65 m2 đất của các hộ dân. Phần diện tích này đã được đầu tư xong và đưa vào sử dụng.
Cưỡng chế thu hồi đất của 16 hộ dân xã Ngọc Hồi để thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi. Ảnh: Linh Khánh/TTXVN phát
Phần diện tích đất còn lại (93.072,35 m2 đất, tương ứng với 806 phương án đất và công trình trên đất của 806 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức) thuộc địa bàn 4 xã: Tứ Hiệp (4.586,45 m2 tương ứng với 49 phương án), Ngũ Hiệp (18.127,7 m2, tương ứng 278 phương án), Ngọc Hồi (46.380,2 m2, tương ứng 179 phương án), Liên Ninh (23.978 m2, tương ứng 300 phương án).
Lý giải nguyên nhân khiến quá trình triển khai dự án kéo dài nhiều năm, lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết, do việc xác định nguồn gốc đất của 4 xã trên gặp nhiều khó khăn, việc quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp như đất được giao không đúng thẩm quyền (có giấy tờ và không có giấy tờ), đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng...
Trên cơ sở xác định nguồn gốc đất của các xã, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ; song, nhiều hộ dân không đồng ý với phương án do UBND huyện phê duyệt, gửi đơn đề nghị UBND huyện và thành phố xem xét, giải quyết.
Sau khi được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải quyết những vướng mắc của dự án, UBND huyện điều chỉnh các phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức theo quy định và theo các văn bản: Kết luận số 3443/KL-TTTP (P4) ngày 26/7/2019 của Thanh tra thành phố; Văn bản số 10355/VP-GPMB ngày 27/11/2020 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.
Căn cứ các quy định, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt xong toàn bộ 806 phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, chỉ có 718 trường hợp nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng; còn 88 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.
Xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng rất lớn, trên địa bàn huyện còn nhiều dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới, tại cuộc họp triển khai phương án tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại, thuyết phục và cưỡng chế thu hồi đất phục vụ thi công dự án ngày 14/11, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong khẳng định, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng trên tinh thần có lợi cho nhân dân nhưng đảm bảo quyết liệt và hiệu quả. Biện pháp hành chính (cưỡng chế) là biện pháp cuối cùng buộc huyện phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ công tác phải rà soát kỹ lưỡng các hộ gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến phút cuối trước khi thực hiện cưỡng chế (đối với những hộ chưa di dời).
Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Thanh Trì, tính đến ngày 18/11, trong số 88 hộ dự kiến cưỡng chế đã có 48 hộ đồng thuận và bàn giao mặt bằng (gồm 6 hộ xã Ngũ Hiệp, 43 hộ xã Liên Ninh). Ngày 12/11, lực lượng chức năng huyện đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 2 hộ xã Ngũ Hiệp và 1 hộ đang điều chỉnh phương án theo hiện trạng sử dụng đất do tại thời điểm thực hiện kê khai, kiểm đếm gia đình không phối hợp.
Như vậy, chỉ còn 37 hộ chưa bàn giao mặt bằng buộc huyện phải áp dụng biện pháp cưỡng chế (từ ngày 19 - 22/11) để khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Cưỡng chế 16 hộ dân xã Ngọc Hồi không chấp hành bàn giao mặt bằng để thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi. Ảnh: Linh Khánh/TTXVN phát
Thanh Trì là một trong những huyện đầu tiên vừa được đón nhận Nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1507/QĐ-TTG ngày 30/9/2024 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là một trong bốn huyện xây dựng đề án huyện lên quận trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Thanh Trì xác định việc xây dựng hạ tầng khung là ưu tiên hàng đầu và việc giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng giao thông đô thị là đặc biệt quan trọng.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm Trưởng Ban, Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng Ban.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 47 dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 637.197,91m2; trong đó, có 34 dự án đủ điều kiện giải phóng mặt bằng, 13 dự án chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng.
Quý IV/2024, huyện đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng đối với tuyến đường Phan Trọng Tuệ đến cầu Yên Ngưu (có 11 trường hợp phải cưỡng chế thu hồi đất, nhưng sau khi Tổ công tác vận động chỉ còn 1 trường hợp phải cưỡng chế).
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, năm 2025, UBND huyện Thanh Trì sẽ tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án trọng điểm mang tính đột phá và là tuyến đường huyết mạnh, xương sống. Đó là Dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp.
Linh Khánh (TTXVN)