Hoàn thành đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

Hoàn thành đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm
2 ngày trướcBài gốc
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội quyết nghị tái khởi động sau 8 năm tạm dừng. Ảnh: Unplash.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương được giao chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện.
Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ cần tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Dự án được Quốc hội quyết nghị tái khởi động vào cuối tháng 11/2024, sau 8 năm tạm dừng.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và truyền tải điện
Bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương cũng phải chỉ đạo các địa phương triển khai ngay lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII chưa có nhà đầu tư như LNG Nghi Sơn, LNG Quỳnh Lập, LNG Cà Ná... Các dự án này phải hoàn thành trong quý II/2025 và đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất trong quý III/2028.
Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành và vận hành vào năm 2025 như Thủy điện Nậm Củm 4, Hòa Bình MR, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4..., Bộ Công Thương cũng như UBND các tỉnh cần chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành sớm hơn 3-6 tháng.
Các cơ quan đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ, thời gian vận hành cụ thể để gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/1.
Về các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành, vận hành trong thời gian 2026-2030 và các dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Công Thương cùng UBND các tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, cam kết thời gian vận hành cụ thể, đồng thời phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành sớm hơn 1-2 năm so với kế hoạch.
Trong trường hợp cần thiết, chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách liên quan để đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung ứng điện, nhất là giai đoạn 2026-2028.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh hàng loạt dự án nguồn điện và truyền tải điện. Ảnh: VGP/Đức Tuân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII, tăng cường liên kết mạnh giữa các khu vực phục vụ, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Đồng thời, công trình đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên cần được khẩn trương thi công và đưa vào vận hành trong năm 2025. Đây là giải pháp để giải tỏa công suất nguồn thủy điện phía Bắc và phục vụ nhập khẩu điện từ Trung Quốc nếu cần.
Đưa vào vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 tro tháng 6
Thông qua Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tập trung tối đa nguồn lực để gấp rút tổ chức thi công Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 nhằm đưa vào vận hành thương mại trong tháng 6.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tái khởi động thi công nhà máy nhiệt điện Long Phú I trong quý I/2025 và hoàn thành trong năm 2026.
Mặt khác, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn điện làm chủ đầu tư như Quảng Trạch I, II, Hòa Bình MR, Trị An MR...
Bên cạnh đó, EVN cần nghiên cứu các dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện như Nhơn Trạch 3 và 4.
Đơn vị phải phấn đấu hoàn thành dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, chậm nhất đến tháng 9, tập trung hoàn thành dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạch Mỹ trong tháng 1 và đề xuất dự án đường dây truyền tải từ các nhà máy điện của Lào về các tỉnh phía Bắc.
Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để nâng cao năng lực, năng suất và sản lượng khai thác than trong nước, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần chỉ đạo triển khai quyết liệt dự án Na Dương II để sớm hoàn thành dự án trong năm 2026.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.
Các tỉnh, thành chủ động có giải pháp thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án nguồn điện, lưới điện, nhất là các dự án có quy mô công suất lớn, điện nền.
Mặt khác, EVN cần chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương triển khai các quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân lắp đặt điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ thuận lợi nhất.
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời mái nhà, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phương án phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ EVN, PVN, TKV và chủ đầu tư các dự án điện thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền trong triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án điện.
Đồng thời, các đơn vị tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp lắp, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo Nghị định số 135/2024/NĐ-CP.
Anh Nguyễn
Nguồn Znews : https://znews.vn/hoan-thanh-dau-tu-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-trong-5-nam-post1522356.html