Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư, liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung là nhà đầu tư đề xuất dự án.
Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là 1 đoạn tuyến của đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối trực tiếp với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: tư liệu
Rà soát mức giá vé
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài 66km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai va Lâm Đồng. Tuyến cao tốc này có tốc độ thiết kế 80km/h, phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là gần 18 ngàn tỷ đồng bao gồm vốn nhà nước 6,5 ngàn tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 2 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4,5 ngàn tỷ đồng); vốn nhà đầu tư huy động hơn 11,4 ngàn tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027; thời gian vận hành, khai thác 24 năm 1 tháng.
Trong báo cáo số 219, Hội đồng thẩm định liên ngành nêu rõ, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có nội dung đề cập việc nghiên cứu bổ sung phương án tăng vốn ngân sách nhà nước lên tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định tại Điều 69, Luật PPP để giảm thời gian hoàn vốn, tăng tính khả thi về tài chính, khả năng huy động vốn và thu hút nhà đầu tư quan tâm dự án.
Theo đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 8,9 ngàn tỷ đồng, tăng 2,4 ngàn tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt. Tuy nhiên, trong hồ sơ dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND tỉnh Lâm Đồng lại không có giải trình, thuyết minh, đề xuất cụ thế đối với phương án này. Do vậy, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, thuyết minh thống nhất trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Về nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, nguồn thu hoàn vốn của dự án là nguồn thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ được xác định dựa trên lưu lượng trên tuyến cao tốc và giá vé thu phí. Dự án dự kiến áp dụng mức giá vé cho các xe nhóm 1 là 2 ngàn đồng/xe/km; áp dụng cho các phương tiện nhóm 2, 3, 4, 5 lần lượt là 2,6 ngàn đồng/xe/km, 3,4 ngàn đồng/xe/km, 5,4 ngàn đồng/xe/km, 7,6 ngàn đồng/xe/km.
Với nội dung này, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát mức giá đề xuất và lộ trình điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đảm bảo căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá, điều chỉnh giá theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) và pháp luật liên quan.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý và thực tiễn đề xuất mức giá vé khởi điểm 2 ngàn đồng/xe tiêu chuẩn/km; căn cứ đề xuất lộ trình tăng giá; sự tương đồng của dự án với các dự án được so sánh để đề xuất mức giá, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc tại các đoạn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc triển khai trên địa bàn 16 xã, phường thuộc 4 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh (nền đường rộng 22m), dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án (bao gồm khu tái định cư) khoảng hơn 500 hécta gồm hơn 86 hécta trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và hơn 414 hécta trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thời gian hoàn vốn khá dài
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, thời gian hoàn vốn của dự án là 24 năm 1 tháng; thời gian hợp đồng kể từ ngày ký kết hợp đồng (bao gồm thời gian xây dựng cơ bản) đến thời điểm kết thúc hoàn vốn dự án.
Hội đồng thẩm định liên ngành đánh giá, thời gian hoàn vốn của dự án như trên là khá dài, có thể dẫn tới khó khăn trong huy động vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, do nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, khó có khả năng cân đối nguồn vốn để cho vay với thời hạn quá dài (hầu hết dự án đang cấp tín dụng có thời hạn dưới 20 năm).
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là đoạn tuyến của đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư xây dựng để góp phần giảm tải cho quốc lộ 20. Ảnh: tư liệu
Mặt khác, so với chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, thời gian hoàn vốn của dự án trong báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đã tăng lên (từ 22 năm 6 tháng lên 24 năm 1 tháng). Trong 15 năm đầu khai thác, dự án không có khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý và rà soát kỹ các yếu tố trong phương án tài chính, bảo đảm tính khả thi việc huy động vốn vay trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cũng như yêu cầu cụ thể các nội dung liên quan đến vận hành, khai thác, bảo trì công trình bảo đảm chất lượng công trình khi bàn giao cho nhà nước theo đúng quy định tại Điều 67 Luật PPP và quy định của pháp luật có liên quan.
Phạm Tùng