Ông Hoàng Dương Chương trao tài liệu, hiện vật cho bảo tàng Nam Định
Từ dòng sông Hồng đến chiến hào Rừng Sác
Sinh năm 1943 tại làng Mai Xá, phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định (nay thuộc phường Thành Nam, tỉnh Ninh Bình), Hoàng Dương Chương lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp; em trai ông, bác sĩ Hoàng Trung Dũng, đã anh dũng hy sinh năm 1970 trên tuyến đường 9 Nam Lào.
Năm 1963, khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ và được phân công về tàu tuần tiễu T.122 của Bộ Tư lệnh Hải quân. Với khả năng bơi lội xuất sắc, ông sớm được chọn vào khóa huấn luyện đặc công nước - lực lượng tinh nhuệ chuyên thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và nguy hiểm.
Một năm sau, ông hành quân vào miền Nam, gia nhập Đội 1, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác - đơn vị hoạt động trong vùng sông nước ngập mặn Cần Giờ, nơi rừng đước rậm rạp, kênh rạch chằng chịt và cá sấu ẩn mình dưới làn nước đục ngầu. Trong điều kiện khắc nghiệt ấy, không ít chiến sĩ đã hy sinh vì cá sấu. Hoàng Dương Chương không chỉ sống sót mà còn lập nên những chiến công phi thường, trở thành biểu tượng của lòng quả cảm và sáng tạo.
Một trong những ký ức khắc sâu trong đời binh nghiệp của ông diễn ra vào đêm 14/2/1966. Khi đang làm nhiệm vụ trinh sát cùng đồng đội Tư Sang chuẩn bị cho đoàn thuyền vận chuyển 7 quả thủy lôi, xuồng của hai ông bị địch phục kích gần Cồn Bà trên sông Lôi Giang. Sau trận đọ súng ác liệt, cả hai chiến sĩ đều bị thương, tách rời nhau trong đêm tối.
Tưởng rằng đồng đội đã hy sinh, Hoàng Dương Chương cố gắng bơi đến Cồn Bà để cảnh báo đoàn thuyền tránh ổ phục kích. Bị thương ở cả hai tay, ông vẫn kiên cường tự băng bó, rồi tiếp tục bơi vào Rạch Chàm. Trên đường, bất ngờ ông bị một con cá sấu khổng lồ lao tới cắn ngang người, siết chặt hai tay trong hàm răng sắc nhọn.
Trong tích tắc sinh tử, ông dùng chân đạp mạnh để thoát ra, rồi lợi dụng khoảnh khắc cá sấu há miệng táp lại, ông dùng tay bấm mạnh vào mắt nó. Con vật đau đớn, buông lỏng hàm, ông nhanh chóng giật tay ra, rút dao găm đâm thẳng vào đầu nó. Khi cá sấu tiếp tục lao tới, ông cắn chốt lựu đạn ném thẳng vào miệng nó. Tiếng nổ vang lên giữa dòng nước đục ngầu.
Đó không chỉ là cuộc chiến sinh tồn đơn thuần mà còn là minh chứng cho bản lĩnh và sự nhanh trí của một người lính đặc công Rừng Sác. Tổ trinh sát sau đó xác nhận: xác cá sấu trôi dạt bên vệ sông, dài bằng một chiếc xuồng tam bản.
Ảnh minh họa Internet
Sáng kiến tiêu diệt cá sấu cứu đồng đội
Sau nhiều thương vong vì cá sấu, ông Chương cùng đồng đội đã nghĩ ra một sáng kiến độc đáo: buộc thuốc nổ TNT vào cánh vịt sống thả xuống sông. Khi cá sấu lao tới đớp mồi, thuốc nổ được kích hoạt. Phương án táo bạo ấy đã giúp tiêu diệt nhiều cá sấu, cứu hàng chục chiến sĩ khỏi hiểm họa. Với sáng kiến này, ông được toàn đơn vị suy tôn là “Dũng sĩ diệt cá sấu”.
Không chỉ nổi danh vì cá sấu, Hoàng Dương Chương còn là một trong những “dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến” lẫy lừng. Trong trận chống càn tại Phú Hữu (Thủ Đức) năm 1967, ông cùng 4 đồng đội đã đẩy lùi 3 đại đội địch, bắn rơi 4 máy bay trực thăng.
Trong các trận đánh trên sông Rạch Chàm, Ông Kèo, đặc biệt tại Tam An (sông Đồng Nai), ông cùng đồng đội đặt 3 quả thủy lôi tự chế dưới lòng sông, dùng dây điện chập nổ đúng thời điểm tàu giặc đi qua. Cách bố trí mưu trí, kết hợp với hai khẩu B41 khóa đầu - khóa đuôi, đã đánh cháy và đánh chìm 9 tàu chiến và sà lan Mỹ - Ngụy. Ông được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”.
Sau ba lần bị thương, ông được điều trị tại miền Bắc và công nhận là thương binh hạng 3/4. Năm 1971, ông được cử đi học tại Đại học Văn hóa Khắc Cốp (Liên Xô). Sau khi về nước, ông công tác trong ngành văn hóa - thư viện, giữ các chức vụ từ Phó Giám đốc đến Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà và Nam Định cho đến khi nghỉ hưu năm 2004.
Không dừng lại ở đó, Hoàng Dương Chương dành trọn thời gian nghiên cứu, sưu tầm, viết sách về quê hương, lịch sử và văn hóa địa phương. Tác phẩm “Địa danh Nam Định” gồm 930 trang là công trình tâm huyết suốt hơn 40 năm của ông, trở thành tài liệu quý cho ngành địa danh học. Nhờ đóng góp này, ông được giới nghiên cứu mệnh danh là “Nhà địa danh học Thành Nam”.
Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của hàng loạt công trình như Tiến sĩ Vũ Huy Trác, Trạng nguyên đất học Nam Trực, Đông A nhân kiệt,… góp phần lưu giữ và lan tỏa tinh hoa văn hóa quê hương.
Một đời cống hiến
Năm 2023, ông quyết định hiến tặng toàn bộ kỷ vật kháng chiến của mình cho Bảo tàng tỉnh Nam Định (nay là Bảo tàng tỉnh Ninh Bình). Đặc biệt, tại khu vực sông Lòng Tàu – nơi từng là chiến trường khốc liệt, Đoàn 10 đã dựng tượng “Chiến sĩ Rừng Sác đâm cá sấu” như một biểu tượng bất tử của lòng quả cảm và trí tuệ quân dân ta.
Với những đóng góp xuất sắc, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng III (1967). Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III (1990). Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng II, III (1971). Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III (1985). Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin (1995). Huy chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ (2002)
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hoàng Dương Chương vẫn không ngừng lao động trí tuệ, vẫn đi thực tế, viết sách, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Với ông, “chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ văn hóa là hai nhiệm vụ song hành”.
Từ người lính quả cảm nơi rừng đước Rừng Sác đến một nhà nghiên cứu tận tụy gìn giữ hồn cốt quê hương, Hoàng Dương Chương là minh chứng sống cho một thế hệ “vừa đánh giặc giỏi, vừa gìn giữ văn hóa dân tộc”. Ông không chỉ là “Dũng sĩ diệt cá sấu”, mà còn là người góp phần viết nên bản anh hùng ca của vùng đất Thành Nam - Nam Định.
Nguyễn Xuân Cao