Ảnh minh họa: Thu Anh
"Nở rộ" học bổng
Trên website của trường Đại học Anh Quốc hiện đã công bố nhiều gói học bổng cho các học sinh tham gia tuyển sinh năm 2025. Quỹ học bổng bao gồm nhiều hạng mục học bổng như: Học bổng Nhà sáng lập, Học bổng Trái tim Sư tử, Học bổng Đại sứ Vương quốc Anh, Học bổng Hiệu trưởng, Học bổng Giám đốc Đào tạo, Học bổng Khối ngành và Học bổng Tài năng...
Trong đó, có nhiều học bổng toàn phần như Học bổng Trái tim Sư tử; Học bổng Nhà sáng lập; Học bổng Đại sứ Vương quốc Anh… Chương trình học bổng mới, lần đầu được triển khai năm 2025 là Học bổng Phát triển Giáo dục, dành cho các sinh viên ngoài Hà Nội có cơ hội học tại trường, trị giá từ 30%-50% học phí.
Đặc biệt trong các học bổng của Đại học Anh Quốc có Học bổng Trái tim Sư Tử là các học bổng toàn phần đặc biệt dành cho những học sinh có bất lợi về thế chất, sức khỏe, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng biết nuôi dưỡng ý chí kiên cường, trái tim dũng cảm và sức "chiến đấu" phi thường để vượt qua rào cản cá nhân, phấn đấu đạt được thành tích xuất sắc và truyền cảm hứng tích cực đến những người xung quanh.
Trường Đại học FPT cho biết năm 2025 đơn vị này sẽ lần đầu tiên cấp 100 suất học bổng Chuyên gia toàn cầu. Học bổng không chỉ bao gồm 100% học phí toàn khóa học mà còn tài trợ tiền sinh hoạt phí 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, sinh viên được lựa chọn làm việc tại 1 trong 5 quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Singapore.
Học bổng dành cho các thí sinh đạt giải nhất/nhì/ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, đăng ký học ngành Công nghệ thông tin. Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi: vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn với giám đốc FPT tại 5 quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Singapore.
Trường Đại học FPT cũng cấp hàng nghìn suất học bổng với giá trị từ 30 đến 100% học phí cho nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau dựa trên thành tích học tập bậc THPT và kết quả các kỳ thi; ưu đãi 30% học phí toàn khóa học dành cho sinh viên học tại cơ sở Cần Thơ, Đà Nẵng và ưu đãi 50% học phí toàn khóa học dành cho sinh viên học tại cơ sở Quy Nhơn.
Năm 2025, Đại học FPT cũng sẽ hỗ trợ 1.000 sinh viên theo chương trình hỗ trợ "Học trước - trả sau"- cho phép sinh viên trả dần học phí trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp. Các mức trả sau khá đa dạng từ 30%, 50% hoặc 70% học phí toàn khóa học.
Bên cạnh đó, hàng loạt các trường đại học tư thục khác cũng bắt đầu tung ra nhiều gói học bổng cho mùa tuyển sinh năm nay như trường Đại học Phenikaa với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng, trường Đại học CMC dành quỹ học bổng, ưu đãi "CMC - Vì bạn xứng đáng" trị giá 96 tỷ đồng…
Cẩn trọng trước "một mũi tên trúng nhiều mục đích"
Học bổng vốn là phần thưởng cho những thí sinh là thủ khoa đầu vào, những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, hay hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên trong học tập… Tuy nhiên, qua chính sách học bổng - ưu đãi của nhiều trường đại học cho thấy việc giành học bổng ở một số trường đại học ngoài công lập không quá khó.
Chuyên gia giáo dục độc lập - TS Bùi Thị Việt Hà - phân tích: "Cả nước đang có khoảng gần 250 cơ sở giáo dục đại học, trong đó gần 70 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Do vậy, cuộc đua ‘săn’ học sinh nói chung và học sinh giỏi nói riêng để nâng chất lượng đầu vào và tạo dựng hình ảnh nhà trường ở các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt. Học bổng đang trở thành công cụ quan trọng giúp các trường đại học tư nhân cạnh tranh với các trường công lập, đặc biệt là trong việc thu hút các học sinh giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đầu vào và tạo dựng hình ảnh nhà trường. Một mũi tên mang tên học bổng có thể giúp các trường đạt được các mục đích của mình".
Học bổng đúng nghĩa sẽ phát huy được năng lực, thành tích của sinh viên. Ảnh minh họa
TS Bùi Thị Việt Hà cho rằng, có những học bổng để ghi nhận, khuyến khích học sinh giỏi tiếp tục phát huy năng lực hay học bổng ưu đãi để hỗ trợ học sinh khó khăn vươn lên thì hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường có những gói học bổng với các tiêu chí ‘đại trà’ thì các em thí sinh và phụ huynh phải hết sức cẩn trọng và đặc biệt lưu ý những điều kiện, yêu cầu phía sau để không trở thành "miếng phô mai trong bẫy chuột".
"Đa số các học bổng nhằm mục đích thu hút học sinh đều có những điều kiện đi kèm. Ví dụ sinh viên năm nhất nhận được học bổng nhập học đầu khóa với số tiền "khủng" là 75% - 100% học phí một kỳ hoặc một năm đầu đi kèm điều kiện cam kết không chuyển trường, học đủ chương trình học... Sau khi học bổng đó hết thời hạn, học phí cao chót vót hoặc những điều kiện điểm số 'khắc nghiệt' để đạt được học bổng năm tiếp theo khiến học sinh và phụ huynh vô cùng áp lực để tiếp tục theo học".
Đồng ý với TS Việt Hà về việc cẩn trọng những điều kiện đi kèm học bổng, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, cho rằng học bổng là một phần thưởng, một cơ hội để tiến xa hơn trong hành trình học tập. Tuy nhiên, không phải lúc nào đạt được học bổng ở một số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là có chặng đường học đại học thuận lợi.
"Giành được học bổng miễn giảm học phí nhưng sinh viên vẫn phải đóng thêm các khoản phí cao ngất ngưởng như tiền cơ sở vật chất, tài liệu học tập… Hoặc cũng có trường yêu cầu để đạt học bổng tiếp theo, sinh viên cần hoàn thành tốt tất cả các bài kiểm tra, đánh giá và đạt kết quả học tập cao. Nếu rút khỏi chương trình học bổng khi chưa hoàn thành chương trình, sinh viên sẽ phải tuân thủ chính sách hoàn tiền theo quy định của trường. Áp lực từ việc phải duy trì thành tích học tập, đáp ứng các yêu cầu của đơn vị cấp học bổng, và thậm chí là sự so sánh với những người cùng nhận học bổng có thể làm cho nhiều sinh viên mất đi niềm vui và hứng thú trong quá trình học"- ThS Thái Sơn nhận định.
"Học phí thường chỉ chiếm 50 - 60% chi phí học tập, còn có nhiều chi phí học tập khác và cả chi phí sinh hoạt. Do đó, các phụ huynh, học sinh hãy đọc kỹ các điều khoản áp dụng học bổng cũng như tìm hiểu kỹ để lựa chọn được môi trường học tập phù hợp nhất cho mình. Bởi nếu chỉ dựa vào mỗi học bổng, đến khi vào trường các em có thể bị thất vọng, gây ra ảnh hưởng không tốt trong quá trình học tập và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến nghề nghiệp trong tương lai của bản thân".
Tiến sĩ Phạm Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên
Hoàng Nguyên