Tiến sĩ Simon Best, Đại học Middlesex (Anh). Ảnh: Hữu Tiến/PV TTXVN tại Anh
Quan điểm trên được Tiến sĩ Simon Best, Giảng viên cao cấp ngành Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh, Đại học Middlesex, chia sẻ trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.
Theo Tiến sĩ Simon Best, nhìn vào những thay đổi công nghệ đang diễn ra, thế giới thực sự đã bước sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào quá trình thay đổi này. Ông cho rằng là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có đủ sự năng động và tinh thần khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà không cần học hỏi quá nhiều từ các quốc gia khác.
Theo Tiến sĩ Best, các quốc gia phát triển như Anh cũng gặp những vấn đề trong quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Đây là bài học Việt Nam có thể tham khảo, rút kinh nghiệm. Ông chỉ ra rằng với sự phát triển của công nghệ, đã có sự thay đổi trong cách các cơ sở đào tạo có thể cạnh tranh với các nguồn thông tin khác. Từ khi internet ra đời, các trường đại học không còn là nguồn tạo ra, nắm giữ và phát tán thông tin, song các cơ sở đào tạo vẫn chưa điều chỉnh với sự thay đổi này, hay như các chương trình đào tạo đại học thiếu nội dung công nghệ số, bất chấp sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây. Cụ thể, theo Tiến sĩ Best, nhiều trường đại học tại Anh chưa có chương trình dạy sinh viên, gồm sinh viên ngành STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán), hiểu về AI, học máy, tự động hóa…
Vì vậy, Tiến sĩ Best cho rằng cần điều chỉnh các chương trình đào tạo STEM, đảm bảo sinh viên theo học ngành này được đào tạo toàn diện, không chỉ kiến thức kỹ thuật mà còn cả cách áp dụng kiến thức, cũng như các kiến thức kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên ngành giữa các khoa hoặc các chuyên ngành khác nhau để có nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, tham gia các ngành công nghiệp và hoạt động kinh doanh. Mặc dù khoa học công nghệ đóng vai trò chủ chốt hỗ trợ phát triển, đào tạo tiêu chuẩn là không đủ do cuộc cách mạng công nghiệp được dẫn dắt bởi những người làm (kỹ sư và doanh nhân) thay vì các nhà nghiên cứu và học giả, do đó cần xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành từ cấp dự bị đại học đến đại học.
Tiến sĩ Best cho biết các khảo sát với nhà tuyển dụng đều cho thấy khả năng hợp tác để giải quyết các vấn đề phức tạp là kỹ năng chính. Điều này đồng nghĩa sinh viên STEM cần học các kỹ năng mềm để có thể phát triển tư duy phản biện và kỹ năng làm việc với những người từ các chuyên ngành khác nhau. Tiến sĩ Best lấy dẫn chứng từ chương trình đào tạo đổi mới khoa học tại Đại học Middlesex do ông dẫn dắt cho sự thành công của cách tiếp cận này. Trong chương trình này, sinh viên các ngành khoa học tự nhiên xây dựng ý tưởng khoa học để sinh viên ngành kinh doanh phát triển thành ý tưởng kinh doanh khả thi và sinh viên ngành kỹ thuật tạo ra sản phẩm từ ý tưởng kinh doanh. Quá trình này đòi hỏi sự trao đổi giữa sinh viên 3 ngành, giúp họ hiểu được những khía cạnh khác của kiến thức đang học và hợp tác hiệu quả để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Kết quả của chương trình là một sinh viên ngành kỹ thuật đã giành được khoản tài trợ 100.000 bảng (hơn 129.000 USD) để phát triển một sản phẩm thương mại. Đây là cách tiếp cận Việt Nam có thể tham khảo áp dụng. Ngoài ra, có thể phát triển và tài trợ các chương trình thực tập ngắn hạn thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cũng như giữa các khoa ngành.
Để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, Tiến sĩ Best cho rằng cần xây dựng các trung tâm cấp địa phương tập hợp các doanh nghiệp có quy mô khác nhau để khai thác, chia sẻ các nguồn lực và sáng kiến Công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chắt lọc công nghệ từ các doanh nghiệp lớn sang các doanh nghiệp nhỏ (AI, học máy, tự động hóa…), tạo động lực để các doanh nghiệp nhỏ áp dụng công nghệ, đồng thời xây dựng bản đồ hệ sinh thái doanh nghiệp cấp địa phương trong đó các ngành khác nhau có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Nhằm tạo môi trường hợp tác hiệu quả giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, Tiến sĩ Best gợi ý Việt Nam có thể tham khảo áp dụng mô hình tương tự như dự án trao đổi sinh viên Erasmus Plus của Liên minh châu Âu, theo đó các doanh nghiệp, cả lớn và nhỏ, các trường đại học và các cơ sở giáo dục chia sẻ thông tin, cùng hợp tác để tạo ra thay đổi trong hệ thống giáo dục. Hợp tác không chi tập trung vào nghiên cứu học thuật mà gồm cả việc phát triển các giải pháp thực tế, giúp thúc đẩy phát triển. Cách thực hiện có thể là chính phủ mời các doanh nghiệp xác định các vấn đề cản trở tăng trưởng và sự phát triển của doanh nghiệp, sau đó phát triển ý tưởng dự án và phối hợp với các trường đại học và cơ sở giáo dục xây dựng giải pháp. Chính phủ tài trợ kinh phí để vận hành các dự án này. Sau khi kết thúc, dự án cần được đánh giá về hiệu quả.
Tiến sĩ Best cũng cho rằng việc gửi sinh viên, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu cũng mang lại nhiều lợi ích. Họ trở về không chỉ với kiến thức, kỹ năng chuyên môn, mà cả trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, tương tác tốt hơn cũng như hiểu biết về các nền văn hóa, xã hội khác nhau, là những kiến thức, kỹ năng không kém phần quan trọng trong bối cảnh hội nhập và hợp tác toàn cầu.
Đánh giá về khả năng đóng góp của các trí thức Việt kiều cho đất nước, Tiến sĩ Best cho rằng hàng triệu người Việt Nam trên khắp thế giới là nguồn tài nguyên phong phú và có giá trị Việt Nam cần tận dụng. Ông cho rằng cần xây dựng các cơ chế, trong đó nhấn mạnh vai trò của các đại sứ quán Việt Nam, để kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khuyến khích họ về thăm quê hương và tham gia nhiều hơn với đất nước.
Minh Hợp - Hữu Tiến (TTXVN)