Học giả Mỹ phân tích về khả năng ông Trump chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Học giả Mỹ phân tích về khả năng ông Trump chấm dứt xung đột Nga-Ukraine
3 giờ trướcBài gốc
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Ảnh: Huanqiu.
Trong tháng qua, mặc dù chi tiết về kế hoạch thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine của ông Donald Trump đã được tiết lộ nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Vậy ông Trump sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine như thế nào vào năm tới?
Ngày 12/12, học giả quan hệ quốc tế Mỹ Michael McFaul đã đăng một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs (Ngoại giao), phân tích về cách ông Trump sẽ thúc đẩy việc đình chiến giữa Nga và Ukraine vào năm tới.
Michael McFaul từng là Đại sứ Mỹ tại Nga từ 2012 đến 2014. Trong thời gian làm ông làm đại sứ, quan hệ Mỹ-Nga đã từ quan hệ hòa hoãn sau Chiến tranh Lạnh chuyển sang đối đầu do các cuộc khủng hoảng Crimea và Donbass. Hiện McFaul đang tham gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Hoover Institution, một tổ chức tư vấn nổi tiếng.
Học giả Mỹ Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga (2012-2014). Ảnh: Sina.
Ông Trump cần thuyết phục Tổng thống Putin
Kể từ khi Nga phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” năm 2022, Ukraine và những người ủng hộ họ rất thận trọng trong việc bày tỏ quan tâm đến đàm phán vì sợ sẽ bị coi là yếu đuối. Việc ông Trump tái đắc cử mang lại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều quyền tự do hơn để tham gia đàm phán bởi ông có thể lập luận rằng không có lựa chọn nào khác.
Vào cuối tháng 11 năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với Sky News của Anh, ông Zelensky tuyên bố ông đã sẵn sàng đàm phán.
Tuy nhiên, các điều kiện hiện tại không có lợi cho việc đạt được thỏa thuận. Chiến tranh thường kết thúc theo một trong hai cách: một bên chiến thắng hoặc lâm vào bế tắc. Ở Ukraine, dường như không bên nào tiến gần đến chiến thắng nhưng quân đội Nga có ưu thế trên chiến trường hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng ông đang chiến thắng. Nếu ông Trump dọa cắt viện trợ cho Ukraine, ông Putin sẽ can đảm và quyết tâm tiếp tục chiến đấu hơn thay vì ngừng chiến. Nói chung, bên tiến công hiếm khi ngừng chiến đấu khi đối thủ sắp gục ngã.
Ông Trump nên phát triển một kế hoạch phức tạp hơn để khuyến khích Ukraine nhường một số lãnh thổ cho Nga trên danh nghĩa để đổi lấy việc gia nhập NATO. Chỉ có sự thỏa hiệp như vậy mới có thể tạo ra hòa bình lâu dài.
Ông Trump sẽ phải thuyết phục Tổng thống Putin thực hiện kế hoạch của mình. Ảnh: NetEasy.
Ông McFaul cho rằng để đạt được thỏa thuận hòa bình, trước tiên ông Trump nên đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự đã được phê duyệt cho Ukraine, sau đó gửi tín hiệu ông có ý định cung cấp thêm vũ khí để ngăn chặn cuộc tấn công hiện tại của Nga ở khu vực Donbass, tạo nên thế bế tắc trên chiến trường. Chỉ khi lực lượng Nga không còn khả năng chiếm thêm lãnh thổ Ukraine, hoặc thậm chí khi Nga bắt đầu mất lợi thế, Moscow mới nghiêm túc đàm phán. Nói một cách dễ hiểu, trước tiên phải khiến Nga tin rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi Ukraine.
Nhưng điều này rất khó thực hiện, bởi ưu thế của Nga trên chiến trường chủ yếu dựa vào nguồn lực quân sự mạnh mẽ, đặc biệt là năng lực sản xuất vũ khí. Biden và NATO đã gần như cố sức để viện trợ đạn pháo Ukraine trong hai năm qua, nhưng cuối cùng họ vẫn không địch lại khả năng sản xuất đạn pháo của Nga.
Ông Trump phải thuyết phục Tổng thống Ukraine Zelensky nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán. Ảnh: NetEasy.
Ông Trump cần thuyết phục ông Zelensky
Theo ông McFaul, sau khi thuyết phục phía Nga, ông Trump cũng phải thuyết phục ông Zelensky ngừng chiến. Đây sẽ là một thách thức lớn bởi sẽ buộc ông Zelensky phải từ bỏ mục tiêu giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Cùng với việc từ bỏ đất đai, ông Zelensky cũng phải từ bỏ công dân ở những khu vực bị chiếm đóng hoặc tìm cách đảm bảo họ được phép di cư sang miền Tây Ukraine. Không có nhà lãnh đạo nào sẽ dễ dàng nhượng bộ như vậy.
Ông Zelensky sẽ không chịu hy sinh như vậy nếu không nhận được thứ có giá trị mà họ mong đợi là “gia nhập NATO”. Đối với Ukraine, việc “gia nhập NATO ngay” sẽ giúp thỏa mãn cảm giác an toàn, bởi họ tin rằng chỉ có “gia nhập NATO” mới an toàn nhất. Đây dường như là một quân bài mà ông Trump có thể tung ra, nhưng khó xảy ra, bởi ông Trump không muốn ai lên “chuyến xe an ninh miễn phí” của Mỹ chứ đừng nói đến việc đảm bảo an ninh cho bất kỳ ai.
Theo quan điểm của Kiev, tư cách thành viên NATO của Ukraine là cách duy nhất để duy trì hòa bình lâu dài ở biên giới giữa Nga và Ukraine. Họ luôn cho rằng ngừng bắn mà không có tư cách thành viên NATO sẽ chỉ giúp Nga có thời gian để xây dựng năng lực và chuẩn bị cho các hành động tiếp theo. Nếu Ukraine chấp nhận việc Nga chiếm đóng lâu dài khoảng 1/5 đất nước của họ, họ cần phải gia nhập NATO để có được biện pháp răn đe an ninh đáng tin cậy.
NATO phải đưa ra lời mời chính thức vào ngày ông Zelensky và ông Putin đồng ý ngừng chiến và các nước thành viên phải nhanh chóng chấp thuận Ukraine gia nhập. Bản thân ông Trump phải thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của mình để ngăn chặn các nhà lãnh đạo NATO khác trì hoãn quá trình phê chuẩn.
Chấp nhận thực tế chiến trường
Tuy nhiên, nếu lấy việc Ukraine gia nhập NATO ra làm điều kiện để chấm dứt xung đột chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của ông Putin, bởi ông coi việc "trung lập hóa Ukraine" là điều kiện rất quan trọng để ngừng bắn.
Michael McFaul cho rằng Ukraine và các thành viên NATO không cần phải xin phép ông Putin. Những người hoài nghi này có thể đã đánh giá quá cao những lo ngại của ông Putin về việc Ukraine gia nhập NATO.
Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm đã khiến hai bên tổn thất nặng nề vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ảnh: NetEasy.
Tất nhiên, Zelensky sẽ không bao giờ chính thức công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, khả năng gia nhập NATO có thể khiến ông đồng ý với kịch bản trong đó Kiev chấp nhận họ sẽ chỉ tìm kiếm sự thống nhất Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình.
Nếu kết thúc chiến tranh đúng thời điểm, đó sẽ là ngày huy hoàng của Tổng thống Putin. Ông sẽ có thể tuyên bố với người dân Nga và thế giới rằng chiến dịch quân sự do ông phát động đã “chiến thắng”.
Nhìn rộng hơn, châu Âu sẽ thu được lợi ích kinh tế từ tình hình ổn định và an ninh ở Ukraine. Các đồng minh NATO sẽ không còn phải cung cấp hàng tỷ USD viện trợ kinh tế cho Kiev hoặc chăm sóc hàng triệu người tị nạn Ukraine đang gây căng thẳng cho hệ thống phúc lợi của các nước châu Âu. Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi vì phương Tây từ lâu đã thèm thuồng tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Một thỏa thuận như vậy hỗ trợ một số mục tiêu của ông Trump. Bằng cách cho phép Ukraine gia nhập NATO, ông Trump có thể giành được chiến thắng lớn cho một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình: chia sẻ gánh nặng.
Nếu ông Trump thành công trong việc dàn xếp thỏa thuận này, ông có thể trở thành ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình, một vinh dự đáng mơ ước. Nhưng cả ông Putin và ông Zelensky đều sẽ không dễ dàng bị lôi kéo vào bàn đàm phán.
Theo NetEasy
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/hoc-gia-my-phan-tich-ve-kha-nang-ong-trump-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-post180994.html